Cho con bú khi mẹ đi làm
Các Website khác - 12/05/2005
Chỉ 29% trẻ em VN được bú mẹ hoàn toàn trong 4 tháng đầu.

Theo khuyến cáo mới của Tổ chức Y tế Thế giới, trẻ cần đươc bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, trong khi các bà mẹ Việt Nam chỉ có 4 tháng nghỉ sinh con. Việc nuôi con bằng sữa mẹ đủ thời gian là rất khó, nhưng không phải là bất khả thi.

Phó giáo sư Đào Ngọc Diễn, Chủ tịch Chi hội Nhi khoa (thuộc Hội dinh dưỡng Việt Nam) cho biết, trước đây, Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo (WHO) nên cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 4-6 tháng đầu; nhưng hiện nay, WHO cho rằng chỉ nên cho ăn bổ sung khi trẻ đã ngoài 6 tháng tuổi. Trước thời điểm đó, sữa mẹ phải là thức ăn và đồ uống duy nhất.

Giáo sư Diễn nói: "Nhiều bà mẹ sau khi cho bú vẫn cho con uống thêm nước vì sợ bé khát. Thực ra, sữa mẹ đã đáp ứng đủ nhu cầu về nước và dinh dưỡng cho bé, việc cho uống thêm nước chỉ làm giảm lượng sữa bú vào, gây thiếu năng lượng. Để làm sạch miệng bé, mẹ chỉ cần dùng khăn mềm để lau".

Việc nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu giúp giảm 13% nguy cơ tử vong cho trẻ nhỏ. Đây là cách dự phòng bệnh tật hiệu quả hơn bất cứ can thiệp nào khác. Một nghiên cứu trên trẻ 0-2 tháng tuổi cho thấy, so với trẻ bú mẹ hoàn toàn, nguy cơ tiêu chảy ở trẻ không hề được bú mẹ cao hơn 17 lần, ở trẻ vừa bú mẹ vừa ăn thức ăn bổ sung cao hơn 13 lần. Ở trẻ bú mẹ có uống thêm nước, nguy cơ này cũng tăng gấp 3 lần. Ở trẻ từ 3 tháng đến 1 tuổi, nguy cơ tử vong do tiêu chảy và viêm đường hô hấp cấp ở trẻ được bú mẹ cũng thấp hơn nhiều lần so với trẻ không bú hoặc bú ít.

Một nghiên cứu khác cho thấy, 2/3 số ca tử vong vì 2 nguyên nhân kể trên ở trẻ 0-3 tháng có thể tránh khỏi nếu trẻ được bú mẹ hoàn toàn. Ở trẻ 4-11 tháng, 1/3 số ca tử vong do tiêu chảy và viêm đường hô hấp cấp đã không xảy ra nếu trẻ được bú mẹ một phần.

Tuy nhiên, đối với các bà mẹ ở Việt Nam hiện nay, cho con bú hoàn toàn trong 6 tháng đầu là một việc rất khó thực hiện, vì thời gian nghỉ thai sản chỉ được 4 tháng. Trong 2 tháng sau, đứa trẻ thường phải ăn sữa bò hoặc thức ăn bổ sung trong khi mẹ vắng nhà, chỉ được bú mẹ nhiều nhất là 3 cữ/ngày. Giáo sư Diễn khuyên rằng, các bà mẹ nên cố gắng khắc phục bằng cách gửi con ở một nhà trẻ ở gần chỗ làm để khi đến giờ thì tranh thủ đến cho bú.

Một cách khả thi khác là vắt sữa để dành. Trước hết, phải vệ sinh bầu vú thật sạch, vắt sữa ra đồ đựng đã được tiệt trùng bằng nước sôi, sau đó cho vào tủ lạnh. Khi cần dùng thì lấy ra, làm ấm cho bé ăn. Theo giáo sư Diễn, ngay cả nếu không có tủ lạnh, sữa mẹ vắt ra vẫn có thể bảo quản được trong vòng 8 giờ nếu được đặt ở nơi thoáng mát, hợp vệ sinh. Dù đang ở nhà hay cơ quan, người mẹ vẫn phải vắt sữa 3 giờ một lần, ngay cả khi chỗ sữa đó không được dùng đến. Điều này giúp cho nguồn sữa mẹ vẫn được dồi dào mặc dù mẹ ít cho con bú trực tiếp vì bận công việc. Trên thực tế, do không thể cho con bú thường xuyên, lại ngại vắt nên nhiều phụ nữ đã mất sữa nhanh chóng khi đi làm trở lại.

Ngoài ra, để trẻ được ăn sữa mẹ ở mức tối đa, người mẹ đã đi làm nên tranh thủ cho con bú vào bất cứ lúc nào ở gần con, miễn là trẻ chịu bú.

Trẻ ngoài 6 tháng tuổi, các bà mẹ phải cho con ăn bổ sung. Tại sao không nên cho ăn dặm sớm hơn? Giáo sư Diễn giải thích, chỉ đến lúc này, em bé mới có biểu hiện thích thú với việc ăn uống và thích cho các đồ vật vào miệng. Răng bé cũng đã bắt đầu mọc. Bé đã biết dùng lưỡi di chuyển thức ăn trong miệng và cử động hàm để nhai. Bộ máy tiêu hóa đã tiêu thụ được thức ăn đặc. Lúc này, cơ thể trẻ cũng cần nhiều dưỡng chất hơn mà sữa mẹ không cung cấp đủ.

Nếu ăn bổ sung sớm trước 6 tháng, trẻ sẽ dễ bị tiêu chảy vì hệ tiêu hóa còn yếu, chưa tiêu hóa được thức ăn đặc. Còn nếu cho ăn đồ lỏng, giá trị dinh dưỡng sẽ kém xa so với sữa mẹ. Mặt khác, vào thời điểm này, các loại bột ngũ cốc có thể gây giảm hấp thu sắt trong sữa mẹ, dẫn đến thiếu máu.

Sang năm thứ 2, trẻ vẫn cần được bú mẹ với liều lượng 500 ml sữa một ngày. Lượng sữa này rất quan trọng, sẽ cung cấp 1/3 nhu cầu về năng lượng và chất đạm, 45% nhu cầu vitamin A và 95% nhu cầu vitamin C.

Thanh Nhàn