Dưỡng sinh, luyện thở để sống vui, sống khỏe
Các Website khác - 28/02/2005

TT - Phương pháp dưỡng sinh (PPDS) của khoa y học cổ truyền, Đại học Y dược TP.HCM là một phương pháp phòng ngừa và điều trị bệnh hiệu quả đã được chứng minh bằng lý luận và thực tiễn. Song hiện nay vẫn còn nhiều người bệnh chưa biết đến.

Tuổi Trẻ xin giới thiệu một số ý kiến của TS.BS Phạm Huy Hùng - trưởng bộ môn dưỡng sinh, khoa y học cổ truyền, Đại học Y dược TP.HCM - về những hiệu quả của PPDS này.

Các bài tập

PPDS của trường hiện nay là kế thừa PPDS của BS Nguyễn Văn Hưởng - nguyên bộ trưởng Bộ Y tế VN. PPDS của BS Hưởng có kế thừa các phương pháp tập luyện của Tuệ Tĩnh, kế thừa phương pháp của Hải Thượng Lãn Ông về lý thuyết và thực hành, của phương pháp yoga Ấn Độ, của khí công Trung Quốc.

Ngoài ra, PPDS của BS Hưởng còn được phân tích, lý giải và chứng minh bằng khoa học của y học hiện đại về giải phẫu, sinh lý và bệnh lý. Đây là một cố gắng rất lớn của BS Hưởng nhằm kết hợp hai phương pháp đông y và tây y để phòng bệnh và chữa bệnh.

Các động tác dưỡng sinh (trừ các động tác tự xoa bóp ngũ quan) của BS Hưởng đều có kết hợp với luyện thở. Mục đích của phương pháp này là nâng cao sức khỏe phòng bệnh, góp phần tham gia chữa bệnh mạn tính và tiến đến sống lâu, sống vui, sống khỏe, sống có ích.

Nội dung của PPDS có nhiều bài tập khác nhau, cụ thể có bài tập về thư giãn để bảo vệ thần kinh trung ương, chống căng thẳng, chống stress. Bài tập này có chỉ định cho tất cả mọi người đang lao động, học tập, những bệnh liên quan đến yếu tố thần kinh căng thẳng; bài tập khí công: quân bình thần kinh; các bài tập yoga để tập luyện các hệ cơ, xương khớp và các hệ thống nội tạng; ăn uống theo khoa học bằng các loại thực phẩm dinh dưỡng hợp lý; và thái độ, tinh thần trong cuộc sống. Năm nội dung này phối hợp liên hoàn với nhau tạo thành PPDS. Trong đó, phương pháp thở là quan trọng nhất, là yếu tố quyết định sự thành công trong việc phục hồi sức khỏe.

Tập dưỡng sinh và luyện thở để phòng ngừa và điều trị bệnh tại phòng khám y học cổ truyền, ĐH Y dược TP.HCM - Ảnh: L.TH.H.
Luyện thở

Khi luyện thở với một ý thức chủ động, đều đặn và sâu, dài thì sẽ có ảnh hưởng rất tốt đến ba hệ thống quan trọng của cơ thể là thần kinh, tuần hoàn và hô hấp. Sự ảnh hưởng này tác động toàn bộ cơ thể, giúp các cơ quan vận động, tuần hoàn tốt và tham gia quá trình điều trị bệnh.

Cụ thể, luyện thở giúp hệ thần kinh ổn định, không bị rối loạn trong lúc tập, theo một nguyên lý là khi vỏ não của chúng ta tập trung vào một trung khu nào đó (trong trường hợp này là trung khu hô hấp) thì những vùng khác được nghỉ ngơi, trong lúc tập sẽ đạt được trạng thái thoải mái. Vì thế, những bệnh lý nào có liên quan đến thần kinh căng thẳng như tăng huyết áp, mất ngủ, hội chứng dạ dày tá tràng, kể cả hen suyễn… khi luyện thở đều có cải thiện rõ rệt.

Tác dụng thứ hai của luyện thở là khi thở sâu, thở tối đa sẽ ảnh hưởng đến hệ tuần hoàn, giúp hệ tuần hoàn lưu thông vận chuyển tối đa. Do đó, sẽ giúp việc vận chuyển máu tối đa đến tất cả cơ quan, bộ phận trong cơ thể tốt hơn. Trong những cơ quan máu đến, ngoài hệ thần kinh ra còn đến các tuyến nội tiết, các trung khu điều hòa chức năng của cơ thể, như trung khu điều hòa huyết áp, điều hòa hô hấp, trung khu thần kinh giao cảm...

Do máu tăng cường nuôi dưỡng các cơ quan trong cơ thể, nên rất hữu ích đối với các bệnh liên quan đến rối loạn chức năng, tăng khả năng tự điều chỉnh của cơ thể…

Điều rất tốt là khi luyện thở, hít thở khí tối đa sẽ giúp các cơ hệ hô hấp (cơ liên sườn, cơ hoành…) khỏe hơn, giúp những người bị suy chức năng hô hấp như người bị bệnh hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính... sẽ thở dễ dàng hơn. Những người bị hen suyễn mạn tính có tập thở sẽ ít bị khó thở, cơn suyễn xảy ra ít hơn, nhẹ hơn và ít phải dùng thuốc hơn.

Tập ở đâu?

Đối với người có nhiều thời gian rảnh rỗi, có thể liên hệ tại Viện Y dược học dân tộc TP.HCM (273 Nguyễn Văn Trỗi, P.10, Q.PN) để đăng ký. Thời gian học khoảng 2-3 tháng (một tuần ba buổi) thì xong toàn bộ PPDS của BS Hưởng. Với người quá bận rộn, ít thời gian chỉ cần học bài tập dưỡng sinh căn bản. Bài này đã được rút ngắn gọn nhưng vẫn đáp ứng được tất cả tác dụng của phương pháp, do được chọn lọc lại còn 10 động tác cơ bản.

Thời gian học chỉ cần bốn buổi, sau đó tự tập ở nhà. Ngay cả những người bị bệnh suyễn mạn tính ở ngoài cơn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính cũng có những bài tập dễ thực hiện. Nếu có nhu cầu học, có thể đăng ký tại phòng khám y học cổ truyền (304/75 Đào Duy Anh 2, P.9, Phú Nhuận). Lớp này chỉ hướng dẫn học vào bốn buổi chiều chủ nhật, từ 13g45 - 16g45.

Theo sách thế nào?

Nếu tập dưỡng sinh theo sách mà bài tập có kèm hình ảnh hướng dẫn hoặc có phim video thì có thể tự tập được. Còn nếu chỉ đọc sách rồi làm theo thì khả năng thở sai xảy ra rất lớn. Tốt nhất là phải được nghe, được nhìn thấy thì luyện tập mới có hiệu quả.

Cần lưu ý thêm là tất cả phương pháp tập luyện vận động nói chung đều có lợi cho sức khỏe vì nó huy động được các bắp cơ, hệ thần kinh, hệ tuần hoàn… Tuy nhiên khi tập cũng phải thận trọng - nhất là với những phương pháp kết hợp với thở sâu tối đa và giữ hơi lâu có một nguy cơ cho sức khỏe là nếu giữ hơi sai thì có thể gây tai biến mạch máu não.

Vì vậy, cách tập an toàn là nếu bài tập có giữ hơi sau khi hít vào tối đa thì phải chú ý đến kỹ thuật mở thanh quản để tránh tai biến nguy hiểm. Còn bài tập nào không có giữ hơi sau khi hít vào tối đa thì vận động khí công không có gì nguy hiểm.

LÊ THANH HÀ thực hiện