Ðể chiến lược dân số trở thành hiện thực
Các Website khác - 15/03/2005
Các chuyên gia dân số nhận định: Năm 2005, công tác dân số không đạt được mục tiêu đề ra mà đã thụt lùi về mức của năm năm trước, nếu như chúng ta không có biện pháp tích cực, kịp thời thì không những mục tiêu chiến lược sẽ không thành hiện thực mà mức tăng dân số còn khó kiểm soát.
Một trong hai mục tiêu chính của chiến lược dân số 2001-2010 là duy trì vững chắc xu thế giảm sinh để đạt mức sinh thay thế bình quân trong toàn quốc chậm nhất là năm 2005.

Tiến sĩ Phạm Bá Nhất, Vụ trưởng vụ Dân số (Ủy ban Dân số-Gia đình và Trẻ em) cho biết: Năm 2000, dân số nước ta đạt mức 77,635 triệu người, tỷ lệ sinh là 19,7ọ, tỷ lệ phát triển dân số là 1,36%, số con bình quân của cặp vợ chồng là 2,28. Kết quả này cho thấy chúng ta đã vượt xa mục tiêu đã đề ra và trong thời gian tám năm, đã hạn chế được khoảng năm triệu trẻ em ra đời.

Chiến lược đã đề ra mục tiêu cao nhất nhằm đạt mức sinh thay thế chậm nhất vào năm 2005 tiến tới ổn định quy mô dân số, tỷ lệ phát triển dân số đạt mức 1,16%. Nhưng bắt đầu từ năm 2003, tỷ lệ sinh, tỷ lệ phát triển dân số đã tăng mạnh trở lại, năm 2004 tỷ lệ 19,1%, tương đương tỷ lệ năm 2000 và tỷ lệ phát triển dân số là 1,44%, cao hơn năm 2000 (1,3%). Hai năm qua, số người sinh con thứ ba tăng nhanh, trong đó đảng viên, cán bộ, công chức sinh con thứ ba trở lên thành hiện tượng phổ biến và ngày càng lan rộng. Tại 50 tỉnh, thành phố có xảy ra hiện tượng trên, riêng Hà Nội năm 2004 là 109 trường hợp, tại Bến Tre, ở tất cả các huyện trong tỉnh đều có đảng viên sinh con thứ ba trở lên. Tỉnh Nghệ An xuất hiện nhiều xã 100% cán bộ xã sinh con thứ ba trở lên.

Lý giải tình trạng đáng lo ngại trên ông Nguyễn Văn Tân, phát ngôn viên Ủy ban Dân số- Gia đình và Trẻ em cho biết: Mục tiêu năm 2005 không đạt được, nếu không có giải pháp quyết liệt thì thời hạn đạt được mục tiêu này vượt qua vòng kiểm soát, quy mô dân số sẽ cao hơn nhiều so với mục tiêu năm 2010. Dân số tăng nhanh phá vỡ thành quả dân số nhiều năm qua, rất khó đưa trở lại nền nếp cũ.

Theo các chuyên gia, có nhiều yếu tố khách quan và chủ quan, trong đó có một nguyên nhân tự nhiên đáng lưu ý: Do tỷ lệ sinh đã giảm xuống mức tương đối thấp, nên việc tiếp tục giảm nữa đòi hỏi nỗ lực và đầu tư cao hơn. Nhóm dân số sinh trong giai đoạn 1980 tăng đột biến do quy luật sinh bù trừ sau chiến tranh, nay bước vào độ tuổi sinh đẻ, nhận thức của xã hội chưa thay đổi căn bản, muốn có nhiều con và nhất thiết phải có con trai.

Dù vậy, vấn đề sâu xa ở đây là sự xuất hiện tư tưởng chủ quan thỏa mãn, buông lỏng lãnh đạo. Nhiều cán bộ dân số và cộng tác viên than phiền: Kinh phí địa phương không những bị cắt giảm, mà tất cả các phong trào thành nền nếp nay đã "rệu rạo". Việc điều hành vĩ mô cũng nan giải. Một số tỉnh thay đổi ủy ban dân số cấp huyện theo hướng gộp chung vào các phòng khác. Ở cấp xã, phường, cộng tác viên dân số đảm nhiệm khối lượng gấp hai lần. Các cán bộ chuyên trách ở cấp xã than phiền: Công việc quá tải, nhiều lĩnh vực không được bồi dưỡng nghiệp vụ, chế độ bồi dưỡng thấp làm giảm hiệu quả công tác của đội ngũ cán bộ cơ sở.

Thực tế trong giai đoạn 2000 - 2003, tổng kinh phí chi cho chương trình mục tiêu dân số và kế hoạch hóa gia đình giảm 10,6% so với năm 1999. Nguồn kinh phí chưa đáp ứng nhu cầu, nhưng lại tiếp tục bị cắt giảm chuyển sang làm việc khác sau khi phân bổ về điạ phương do cơ chế không phù hợp. Tình trạng cắt giảm mục tiêu và kinh phí chương trình ở các địa phương ngày càng lan rộng. Mấy năm qua, gần nửa số tỉnh, thành phố trong cả nước giao kinh phí cho hoạt động về dân số thấp hơn mức dự toán của T.Ư. Tiểu Dự án mã số 7.1 không đạt mục tiêu triệt sản và đặt vòng trong khi đó bảy tỷ đồng đầu tư cho hoạt động này dư ra, hiện nay vẫn còn là dấu hỏi chấm.

Một số địa phương khi thực hiện Pháp lệnh Dân số cho rằng: Việc trình bày nội dung mục tiêu chính sách dân số và quyền sinh sản trong pháp lệnh chưa chặt chẽ và không phù hợp tình hình thực tế, dẫn đến cố tình lợi dụng sơ hở này. Một số nhà nghiên cứu cho biết: Chiến lược dân số năm 2001-2010 thiếu một phần quan trọng cho tác nghiệp xây dựng kế hoạch các chỉ tiêu về sử dụng biện pháp tránh thai hằng năm. Ðáng chú ý, kế hoạch và thực hiện các chỉ tiêu biện pháp tránh thai hiện đại có hiệu quả cao và lâu dài liên tục giảm. Hơn nữa khả năng dự báo kém, chậm thích ứng tình hình mới.

Trước tình hình dân số đang có sự phát triển thiếu vững chắc như trên, cần tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng và chính quyền các cấp; bố trí đủ kinh phí theo yêu cầu thực hiện mục tiêu tích cực; sửa đổi kịp thời các chính sách không phù hợp cuộc vận động, củng cố, hoàn thiện tổ chức bộ máy và cán bộ; đồng thời, nâng cao chất lượng của công tác truyền thông dân số.

HÀ HƯƠNG