Hải sâm, vị thuốc quý
Các Website khác - 15/03/2005
Hải sâm có vị mặn, tính ấm, thường dùng để chữa bệnh hư nhược. Xin giới thiệu một số bài thuốc từ loài động vật này.
Hải sâm là loại động vật không xương sống, sống ở biển, trên đáy cát hoặc san hô chết, tập trung nhiều nhất ở độ sâu 2-5 m, hay gặp ở vùng vịnh và những nơi có nhiều đá ngầm. Tại Việt Nam, hải sâm có khá nhiều ở vùng biển Khánh Hòa, đảo Trường Sa, Côn Đảo, Phú Quốc, Thổ Chu...

Theo y học cổ truyền, hải sâm vị mặn, tính ấm, có công dụng bổ thận ích tinh, dưỡng huyết nhuận táo, thường được dùng để chữa các chứng bệnh như tinh huyết hao tổn, hư nhược, liệt dương, di tinh, mộng tinh, tiểu tiện nhiều lần, táo bón... Chính từ những công dụng trên mà hải sâm được người xưa coi là "nhân sâm của biển cả".

Kết quả nghiên cứu dược lý học hiện đại cho thấy, hải sâm có tác dụng tăng cường sức đề kháng và nâng cao năng lực miễn dịch của cơ thể, ức chế quá trình sinh trưởng và di căn của các tế bào ung thư; chống mệt mỏi cơ bắp, duy trì trạng thái hoạt động cao; chống lão hóa; tăng cường hoạt động của thần kinh và tăng phản xạ, ổn định tâm lý; bổ sung các yếu tố tạo máu, tăng tuần hoàn máu, cải thiện khả năng hấp thụ ôxy và chống mệt mỏi cơ tim...

Để đạt được mục đích vừa làm thực phẩm bổ dưỡng, vừa làm thuốc chữa bệnh, người ta thường phối hợp dùng hải sâm với một số thực phẩm hoặc vị thuốc khác chế biến thành các món ăn - bài thuốc rất độc đáo:

* Để chữa tiểu đường: Dùng hải sâm 2 con, trứng gà 1 quả, tụy lợn 1 cái, ba thứ đem hấp chín rồi ăn, cách 1 ngày dùng 1 lần.

* Viêm loét dạ dày tá tràng: Dùng ruột hải sâm để trên ngói đất, sấy thật khô rồi nghiền thành bột, uống mỗi ngày 2 lần, mỗi lần 0,5-1g.

* Thiếu máu: Dùng hải sâm và đại táo (bỏ hạt) lượng bằng nhau, đem sấy khô rồi tán thành bột, uống mỗi ngày 2 lần, mỗi lần 9g với nước ấm; hoặc dùng hải sâm 1 con đem hầm với mộc nhĩ lượng vừa đủ và một chút đường phèn, ăn trong ngày.

* Ho ra máu do lao phổi: Hải sâm 500g, bạch cập 250g, quy bản 120g, ba thứ sấy khô, tán bột, mỗi ngày uống 3 lần, mỗi lần 15g với nước ấm.

* Suy nhược thần kinh do thận hư: (đầu choáng mắt hoa, lưng đau gối mỏi, tai ù tai điếc, mất ngủ, di tinh, xuất tinh sớm): Dùng hải sâm 30g ninh với gạo nếp 100g thành cháo, chế đủ gia vị, chia ăn vài lần trong ngày.

* Cao huyết áp và vữa xơ động mạch: Dùng hải sâm 50g hầm nhừ, chế thêm một chút đường phèn, ăn trong ngày.

* Táo bón do âm hư: Hải sâm 30g, đại tràng lợn 120g làm sạch, mộc nhĩ đen 15g, ba thứ đem hầm nhừ, chế thêm gia vị, ăn liên tục trong nhiều ngày.

* Đau lưng và suy giảm trí nhớ do thận hư: Hải sâm 30g, xương sống lợn 60g, hạch đào nhân 15g, ba thứ làm sạch, hầm nhừ, chế đủ gia vị, ăn trong nhiều ngày.

* Liệt dương: Hải sâm 20g hầm với thịt dê 100g, ăn trong ngày.

* Động kinh: Nội tạng hải sâm sấy khô, nghiền thành bột, mỗi lần uống 12g với rượu vang, liên tục trong nhiều ngày.

* Trĩ xuất huyết: Dùng hải sâm lượng vừa đủ đem đốt tồn tính, mỗi lần dùng 1,5g hòa với a giao 6g trong nước sôi cho tan rồi uống, mỗi ngày uống 3 lần.

Theo Theo Quân đội nhân dân