Gây tê ngoài màng cứng ít rủi ro cho bà bầu
Các Website khác - 18/02/2005
Gây tê ngoài màng cứng sẽ giúp thai phụ đỡ đau hơn khi chuyển dạ.

Thủ thuật gây tê ngoài màng cứng nhằm giảm đau lúc chuyển dạ vốn bị xem là dễ dẫn đến mổ đẻ. Tuy nhiên, các nhà khoa học Mỹ mới đây bác bỏ nhận định này.

Một vài nghiên cứu trước đây cho rằng, biện pháp gây tê ngoài màng cứng có ảnh hưởng tới khả năng rặn đẻ và hậu quả là phải cần đến thủ thuật mổ đẻ. Ngoài ra, thủ pháp này còn có thể làm chậm các cơn co thắt và ảnh hưởng đến tiến độ của ca đẻ.

Trên thực tế, kỹ thuật này không đáng lo ngại. Sau khi tìm hiểu trên 750 phụ nữ mang thai lần đầu, tiến sĩ Cynthia Wong và cộng sự thuộc Đại học Northwestern Chicago khẳng định, nguy cơ mổ đẻ tăng lên không đáng kể với một mũi tiêm gây tê liều thấp.

Thông thường, thủ thuật mổ đẻ được áp dụng trong các ca sinh nở mang nhiều rủi ro biến chứng cao cho cả mẹ và con. Nó sẽ có nhiệm vụ tập trung các thuốc tê lân cận về vùng ngoài tuỷ sống, gây tê vùng bụng, sinh dục và khung xương chậu.

Nhóm của Wong đã áp dụng thủ thuật gây tê ngoài màng cứng và xương sống kết hợp, với ưu điểm là ít ảnh hưởng đến cử động. Họ đã tiêm một liều gây tê trực tiếp vào chất dịch bao quanh cột sống. Kết quả cho thấy chỉ có 18% số người được gây tê ngoài màng cứng lúc bắt đầu chuyển dạ phải qua mổ đẻ, thấp hơn 3% so với số người được giảm đau thông thường. Đáng chú ý là thời gian trung bình từ lúc gây tê cho đến khi cổ tử cung mở hoàn toàn là 295 phút, trong khi ở những hợp bình thường là 385 phút. Những người được gây tê cũng cảm thấy ít đau hơn.

"Phụ nữ thường cảm thấy yếu đuối và mặc cảm khi yêu cầu gây tê ngoài màng cứng ngay khi bắt đầu chuyển dạ" - Wong nói - "Nghiên cứu đã cho thấy họ không cần phải hổ thẹn khi tìm đến phương pháp này".

Mỹ Linh (theo BBC)