![]() |
Bệnh Rubella xảy ra nhiều vào mùa xuân |
Theo nhận định của giới chuyên môn, đây là lần đầu tiên bệnh Rubella bùng phát với quy mô lớn như vậy tại TP.HCM. Sau khi Báo Thanh Niên đưa tin, nhiều bạn đọc đã gọi điện thoại đến tòa soạn và đưa ra nhiều thắc mắc đáng lưu ý.
Trước đây đã từng mắc bệnh Rubella thì bây giờ có thai lại được không? Đó là thắc mắc mà nhiều chị em phụ nữ đã đặt ra. Tiến sĩ - bác sĩ Cao Minh Nga (giảng viên bộ môn Vi sinh Trường Đại học Y-Dược TP.HCM) trả lời: "Khi đã từng mắc bệnh Rubella, người phụ nữ đó đã có kháng thể miễn dịch trong cơ thể nên sẽ không mắc bệnh Rubella nữa. Vì vậy việc tiếp tục mang thai là bình thường, không có vấn đề gì cả". Theo bà Nga, bệnh này trước đây được gọi theo tên tiếng Pháp là Rubéole, nay gọi theo tên tiếng Anh là Rubella. Bệnh do vi-rút Rubella gây nên, xảy ra quanh năm, nhưng tập trung nhiều vào mùa xuân. Trong đó người là ký chủ duy nhất truyền bệnh (bệnh lây trực tiếp từ người sang người) qua đường hô hấp.
Chính vì lâu nay bệnh Rubella chỉ xảy ra rải rác, cũng như có những trường hợp bệnh không thể hiện triệu chứng (chiếm khoảng 25%), nên đã có những thai phụ bị sẩy thai hoặc thai bị chết lưu... do nhiễm Rubella nhưng người mẹ không hề hay biết. Có khoảng 20% trẻ nhiễm Rubella bẩm sinh có biểu hiện triệu chứng khi vừa mới sinh ra (tim bẩm sinh, mù hoàn toàn hoặc một phần, điếc, chậm phát triển tâm thần, các kỹ năng vận động, viêm não...); song cũng có những trường hợp trẻ nhiễm Rubella bẩm sinh nhưng khi mới sinh vẫn bình thường, sau một thời gian mới thể hiện bệnh. Đây chính là nguồn lây nhiễm bệnh cho người khác.
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng I (TP.HCM), những trẻ đã được tiêm chủng vắc-xin đầy đủ (trong đó có ngừa bệnh Rubella) theo đúng lịch thì không cần phải tiêm ngừa Rubella nữa. Phụ nữ không nên có thai trong vòng một tháng sau khi tiêm vắc-xin phòng bệnh Rubella, nếu đang mang thai không được tiêm ngừa Rubella. |
Trở lại với tình hình diễn biến bệnh ở huyện Củ Chi hiện nay, tiến sĩ Cao Minh Nga cho rằng phải khẩn trương hạn chế sự lây lan bằng vệ sinh môi trường, không để người bệnh tiếp xúc với người lành, đặc biệt phụ nữ đang mang thai. Tiếp theo, cần xét nghiệm cho các phụ nữ đang mang thai sống trong vùng xảy ra bệnh hoặc đã tiếp xúc với người mắc bệnh, để xác định họ có bị nhiễm bệnh ở thể ẩn không, có biểu hiện lâm sàng hay không để theo dõi thai nhi, nhằm có hướng xử trí thích hợp. Trẻ sinh ra từ những bà mẹ này cần được xét nghiệm kiểm tra xem có bị nhiễm Rubella hay không. Nếu có, cần theo dõi sức khỏe, sự phát triển của trẻ trong nhiều năm.
Thanh Tùng
▪ Dầu hướng dương giúp trẻ khỏe mạnh (06/03/2005)
▪ Lông gia cầm có thể mang virút cúm (06/03/2005)
▪ 4 yếu tố giúp chải răng hiệu quả (05/03/2005)
▪ Các khuyến cáo mới nhất cho bệnh nhân tim mạch (05/03/2005)
▪ Số trẻ tử vong vì bệnh sởi giảm 40% (05/03/2005)
▪ Trẻ suy dinh dưỡng bào thai gặp nhiều đe dọa (05/03/2005)
▪ Làm gì khi trẻ đau đầu? (06/03/2005)
▪ Nhiễm trùng tiểu (05/03/2005)
▪ Nhục thung dung chữa yếu sinh lý (05/03/2005)
▪ Uống giấm giảm béo có hại không? (06/03/2005)