Trẻ suy dinh dưỡng bào thai gặp nhiều đe dọa
Các Website khác - 05/03/2005

Những trẻ bị chậm phát triển trong tử cung đã phải chịu stress kéo dài khi nằm trong bụng mẹ và phải chịu đựng tình trạng thiếu oxy trong lúc sinh. Do đó, nguy cơ suy thai và sinh ngạt sẽ rất lớn.

Đánh giá sự phát triển của bào thai trong tử cung là yếu tố cơ bản để xác định tình trạng của bào thai. Sự phát triển này phụ thuộc vào yếu tố di truyền và môi trường (như tình trạng sức khỏe của mẹ, sự cung cấp oxy và chất dinh dưỡng cho thai).

Khám thai và siêu âm có thể xác định sớm tình trạng chậm phát triển trong tử cung (RCIU). Trên lâm sàng, chứng này gồm 2 loại: tương xứng và không tương xứng. Nếu thai chậm phát triển ở mức trung bình, chỉ bị giảm cân nặng thì được gọi là không tương xứng. Trong trường hợp này, chỉ số cân nặng (cân nặng x 100/chiều cao3) sẽ thấp. Nguyên nhân thường chỉ do giảm sự cung cấp oxy và dinh dưỡng từ mẹ. Đây có thể là hậu quả của suy nhau thai, mẹ nghiện thuốc lá, mẹ bị bệnh hoặc suy dinh dưỡng.

Tình trạng chậm phát triển nặng không chỉ ảnh hưởng đến cân nặng mà còn làm giảm chiều cao và vòng đầu của trẻ, gọi là RCIU tương xứng. Nguyên nhân thường là sự bất thường nhiễm sắc thể, bệnh lý bẩm sinh nghiêm trọng (nhiễm virus...) hoặc suy nhau thai kéo dài.

RCIU đem đến nhiều nguy cơ

Suy thai cấp và ngạt: Trẻ cần được hồi sức ngay tại phòng sinh.

Tử vong chu sinh: Tăng 5-20 lần so với trẻ bình thừơng. Trẻ thường bị tử vong trước sinh ở tuần 38-41 của thai kỳ do thiếu oxy kéo dài hoặc ngạt khi mới sinh do thiếu máu, hít phân su, tồn tại tuần hoàn bào thai và suy đa cơ quan.

Tần suất tử vong sơ sinh ở trẻ chậm phát triển trong tử cung cao hơn 5-10 lần so với trẻ bình thường. Tình trạng này thường liên quan đến ngạt, rối loạn chuyển hóa và huyết học.

Ở giai đoạn đầu, các trẻ RCIU thường có rối loạn chuyển hóa như hạ đường huyết, hạ canxi huyết, nhất là trẻ có suy thai lúc sinh. Ngoài ra, trẻ còn dễ gặp các rối loạn huyết học như đa hồng cầu, giảm bạch cầu, giảm tiểu cầu và đôi khi rối loạn đông máu.

Trẻ RCIU cần lượng dinh dưỡng nhiều hơn so với trẻ bình thường, cần tăng khẩu phần ăn. Tuy nhiên, sự dung nạp thức ăn của chúng lại kém hơn trẻ bình thường cùng tuổi thai. Vì vậy, việc cho ăn và tăng lượng thức ăn qua đường tiêu hóa cần thận trọng vì ruột rất yếu (là cơ quan bị ảnh hưởng đầu tiên do thiếu oxy trong giai đoạn bào thai).

Phần lớn trẻ suy dinh dưỡng từ thời kỳ bào thai (90-95%) phát triển tốt và theo kịp trẻ bình thường trong vòng 2 năm. Một tỷ lệ nhỏ không theo kịp và cần điều trị hoóc môn tăng trưởng. Trẻ càng ít cân thì nguy cơ không bắt kịp càng cao.

Những trẻ suy dinh dưỡng bào thai nặng gây ảnh hưởng đến vòng đầu thường có tiên lượng xấu về thần kinh. Những trẻ nhẹ hơn nhìn chung không kém mấy so với bạn cùng tuổi thai. Các khác biệt chính là sự năng động, hành vi và sự tập trung. Chúng có thể học kém hơn.

Chăm sóc và theo dõi trẻ RCIU

Trong 3 ngày đầu sau sinh, trẻ suy dinh dưỡng bào thai cần được theo dõi đường huyết (mỗi 3-4 giờ), canxi huyết (hằng ngày), công thức máu và chức năng đông máu. Chỉ bắt đầu cho ăn khi có lưu thông đường tiêu hóa và khám bụng bình thường (cho ăn qua sonde dạ dày liên tục 24 giờ).

Sau đó, cần cố gắng tạo điều kiện cho trẻ bắt kịp với trẻ bình thường bằng cách: tăng nuôi ăn qua đường tiêu hóa, cung cấp dinh dưỡng thêm 10-20 ml/kg mỗi ngày so với trẻ bình thường. Về lâu dài, cần theo dõi sự phát triển thể chất, thần kinh và tâm lý của trẻ để kịp thời can thiệp nếu cần.

(Sức Khỏe & Đời Sống)