Khổng Tử và Tô Đông Pha dưỡng sinh như thế nào?
Các Website khác - 12/03/2005
Khổng Tử.

Vào thời Khổng Tử, tuổi thọ trung bình của người Trung Quốc là 30, riêng vị tổ của Nho gia thọ đến 73 tuổi. Trong tác phẩm Luận ngữ, Khổng Tử nói rằng ở mỗi độ tuổi, con người ta có những yêu cầu khác nhau về dưỡng sinh.

Sách Luận ngữ viết: “Quân tử có 3 chặng đời. Niên thiếu huyết khí chưa định, tránh 'sắc'. Tráng niên huyết khí sung mãn, tránh 'đấu'. Có tuổi huyết khí suy nhược, tránh 'đắc'. Theo cách giải thích của Khổng Tử và vận dụng kinh nghiệm lâm sàng ngày nay, có thể diễn giải là:
Tuổi thiếu niên cơ thể chưa phát triển đầy đủ, nên tránh sắc dục. Quan hệ tình dục quá sớm sẽ làm tổn hại sinh lực, ảnh hưởng xấu đến sinh trưởng bình thường.

Tráng niên tránh “đấu”, theo giải thích của Khổng Tử là “đấu khí”, “đấu dũng”, “đấu thắng”, tóm lại là tránh cương cường hiếu thắng. Y học ngày nay xếp tính khí này vào nhóm hành vi hình A. Trong lâm sàng, người có hành vi hình A có tỷ lệ cao huyết áp rất lớn do thường xuyên sống trong tâm trạng căng thẳng.

Người tráng niên cần chú ý điều tiết khí độ, nên nhớ câu “tri túc thường lạc” (biết đủ thì thường xuyên vui vẻ) để tránh bệnh tật và tăng tuổi thọ.

Còn ở người có tuổi, các chức năng cơ thể đã suy yếu, cả thể lực lẫn tinh lực đều suy giảm. Cần cảnh giác trước lòng tham muốn được thêm thứ mà mình đã được; vì điều đó dẫn đến tiếp tục lao tâm, lao lực, rất hại cho sức khỏe và tuổi thọ.

Tô Đông Pha: Lạc quan, vận động

Tô Đông Pha (đại văn hào của Trung Quốc đời Tống) là tác giả các sách “Quyết luận về phép dưỡng sinh sống lâu, thanh thản”, “Vấn dưỡng sinh”... Đó không chỉ là những phép dưỡng sinh hợp với tuổi tráng niên mà còn hợp với tuổi già để giữ cho cơ thể tráng kiện, đầu óc sáng suốt. Trong sách “Luận trà”, ông cho rằng trà trừ bệnh về răng lợi. Sau mỗi bữa ăn nên nhấp trà đặc, sẽ trừ được chứng viêm lợi, làm chắc răng.

Tô Đông Pha có thói quen dùng lược chải trên da thịt để tăng sức khỏe và xoa chân (được ông coi là bảo bối quan trọng nhất). Mỗi ngày trước khi ngủ và sáng dậy, ông đều ngồi trên giường, nhắm mắt, co từng bàn chân đặt lên đầu gối chân kia, dùng lòng bàn tay xoa mạnh gan bàn chân mỗi bên chừng 200 lượt. Y học ngày nay chứng minh việc xoa gan bàn chân có thể góp phần trị được nhiều bệnh như thiếu máu, tiểu đường, yếu sinh lý, đau lưng...

Ông tự giữ nghiêm ngặt chế độ sinh hoạt điều độ, tiết chế ẩm thực, “mỗi bữa không dùng quá một chén rượu, một miếng thịt”; coi trọng phương châm sống lạc quan, ham vận động. Cuộc đời Tô ba chìm bảy nổi, mấy lần bị hạ ngục, vậy mà trong ngục ông vẫn tập luyện đều đặn, giữ tâm trí thảnh thơi, tinh thần sáng suốt. Lúc gặp cảnh đời bất đắc chí nhất, Tô vẫn không hề buồn chán, sa đà rượu chè. Trái lại, ông ngao du sơn thủy, thưởng ngoạn danh thắng cổ tích, giữ được cả sức khỏe thể chất lẫn tinh thần.

(Theo Sức Khỏe & Đời Sống)