Hầu hết các trung tâm giới thiệu người giúp việc không đòi hỏi giấy chứng nhận sức khỏe và nhiều gia đình cũng coi nhẹ vấn đề này, cho đến khi phát hiện ra người giúp việc có bệnh. Điều này có thể gây nguy hiểm, nhất là khi bệnh thuộc loại truyền nhiễm và trong nhà có trẻ nhỏ.
Nhiều bệnh do vi khuẩn, virus, ký sinh trùng mà người giúp việc mắc đều có thể lây cho mọi người, đặc biệt cho trẻ nhỏ. Người giúp việc thường kiêm nhiệm cả việc bếp núc và chăm sóc trẻ nên nguy cơ lây nhiễm đa dạng hơn. Lao, viêm gan virus, cảm, cúm, quai bị, mụn rộp, ghẻ..., thậm chí cả hội chứng viêm đường hô hấp cấp nặng (SARS) đều có thể lây từ người giúp việc.
Cách lây dễ dàng và thường gặp nhất là tiếp xúc trực tiếp: người trông nom trẻ mang vi sinh vật gây bệnh, truyền sang trẻ thông qua động tác sờ mó; dịch cơ thể hòa vào nhau khi mớm cơm, hôn. Trẻ cũng có thể hít phải những tiểu thể trong không khí khi người giúp việc bị cảm cúm ho hay hắt hơi bắn ra. Lao và SARS thường lây truyền qua không khí bằng cả những giọt nước li ti và tiểu thể mang mầm bệnh.
Nhiều tác nhân lây truyền bệnh có thể đi theo các nguồn thường gặp khác như thức ăn, nước uống và các vật trung gian (như muỗi, bọ chét, rận, ve...). Cách tốt nhất để phát hiện sớm các bệnh có thể gặp ở người giúp việc là tự trang bị một số hiểu biết về những bệnh đó.
Viêm gan B: Một trong những bệnh nguy hiểm mà dễ lây nhất là viêm gan B. Khi virus này xâm nhập cơ thể, tùy theo đáp ứng của từng người, 90% tự khỏi không để lại di chứng; 10% chuyển sang viêm gan mạn tính, dẫn đến ung thư hay xơ gan, đồng thời là nguồn lây truyền bệnh cho người khác. Những người lành mang virus là người có kháng nguyên gây bệnh viêm gan B trong cơ thể, tuy không có triệu chứng nhưng vẫn có thể lây truyền bệnh cho người khác. Đặc điểm lâm sàng của bệnh là không có triệu chứng đặc hiệu mà chỉ là một hội chứng viêm gan ứ mật.
Virus viêm gan B truyền theo đường máu và dịch cơ thể của người nhiễm. Nếu người giúp việc có virus này, việc hôn hít, mớm cơm cho trẻ... có thể làm lây nhiễm. Sự lây nhiễm viêm gan B còn dễ dàng hơn so với HIV nhiều lần. Có đến 90% trẻ bị nhiễm virus viêm gan B trong năm đầu. Do vậy, phải tiêm đủ các mũi phòng viêm gan B cho trẻ theo lịch tiêm chủng.
Khi người giúp việc có phản ứng dương tính với viêm gan B nghĩa là trẻ có nguy cơ bị lây nhiễm. Trẻ cần được tiêm globulin miễn dịch sớm. Người lớn cũng có thể tiêm phòng, liều lượng dựa theo cân nặng và do thầy thuốc quyết định. Để phát hiện người giúp việc có nhiễm virus viêm gan B hay không, cần dựa vào xét nghiệm máu.
- Viêm gan A: Không nghiêm trọng như các thể viêm gan khác nhưng cũng ảnh hưởng đến chức năng gan. Viêm gan A thường lây truyền do thức ăn và nước bị ô nhiễm hay do tiếp xúc với người đã nhiễm bệnh dù không thể hiện triệu chứng. Thể nhẹ của bệnh có thể tự khỏi không để lại di chứng cho tế bào gan.
- Viêm gan C: Phát triển thầm lặng, tấn công tế bào gan mà người bệnh không biết. Viêm gan C có thể dẫn đến ung thư gan, suy gan hay xơ gan; thường lây truyền theo đường máu.
- Viêm gan E: Lây truyền qua đường tiêu hóa, hay gặp ở các nước đang phát triển. Bệnh thường tiến triển cấp tính, tuy không thành viêm gan mạn và xơ gan, nhưng rất dễ gây teo gan cấp ở phụ nữ có thai.
Viêm gan E cấp thường diễn biến 1-2 tháng. Điều trị: Chủ yếu là các biện pháp điều trị triệu chứng như các loại viêm gan cấp do virut khác.
- Lao: Chẩn đoán lao giai đoạn sớm thường không dễ; có khi bệnh nhân chỉ sốt nhẹ về chiều, sút cân, ho dai dẳng trên 3 tuần. Nếu nghi ngờ, cần chụp tim phổi, thử đờm tìm trực khuẩn lao và làm phản ứng Mantoux. Phản ứng này thường cho biết tình trạng cơ thể bị nhiễm lao khá sớm; còn khi tìm thấy vi khuẩn lao trong đờm hoặc chụp phim thấy có tổn thương thì thường đã muộn.
- Cảm và cúm: Đều do virus gây ra. Bệnh cảnh của cảm là sốt, sổ mũi, hắt hơi, nôn, ho. Trẻ em dễ bị cảm hơn vì hai lý do: chưa có hệ miễn dịch phát triển đầy đủ để chống cảm như người lớn, và trẻ em cũng dễ nhiễm vi khuẩn hơn do các em ít khi rửa tay.
Cúm gây ra trạng thái nghiêm trọng hơn cảm. Các dấu hiệu và triệu chứng của cúm bao gồm: sốt, rét run và vã mồ hôi, ho khan, nhức đầu, đau và nhức mỏi cơ, mệt và suy nhược, chán ăn. Đôi khi cúm cũng gây những dấu hiệu và triệu chứng như chảy mũi, hắt hơi và đau họng - những biểu hiện thường liên quan đến cảm. Nếu bị sốt cao trên 38 độ thì thường là cúm. Virus gây bệnh cúm có thời gian ủ bệnh 1-4 ngày nhưng các triệu chứng thường đến đột ngột. Trong hầu hết các trường hợp, sau khoảng 1-2 tuần thì bệnh đỡ, trừ phi bị biến chứng như viêm phổi thùy hay nhiễm khuẩn khác. Người giúp việc có dấu hiệu cảm cúm cần được cách ly, nhất là với trẻ.
- Mụn rộp: Do virus herpes gây ra, có thể làm tổn thương ở quanh miệng (gọi là chốc mép), họng hoặc bộ phận sinh dục. Chưa có thuốc điều trị. Bệnh có thể gây biến chứng đau thần kinh, viêm màng não vô khuẩn, trẻ mới đẻ có thể bị mụn rộp khu trú hoặc lan tỏa. Thời gian ủ bệnh 3-6 ngày. 80% trường hợp bệnh phát không thể hiện triệu chứng gì nên rất dễ lây truyền.
Điều trị: với mụn rộp nguyên phát hay tái phát, dùng acyclovir 400 mg, uống 3 lần mỗi ngày trong 5 ngày hoặc famciclovir 250 mg, uống 2 lần mỗi ngày trong 5 ngày...
- Ghẻ: Nếu người trông nom trẻ bị ghẻ thì dễ lây cho trẻ, nhưng bệnh lại dễ phát hiện vì triệu chứng chính là ngứa, nhất là về ban đêm khi đắp chăn ấm để ngủ (do cơ thể ấm, “cái ghẻ” hoạt động mạnh làm cho ngứa nhiều). Tình trạng ngứa này có thể lây lan cho cả nhà. Hiện nay có nhiều thuốc dễ kiếm và hiệu quả như permethrim dạng kem 5%; DEP (diethyl phthalate) bôi ngày 2 lần...
BS Đào Xuân Dũng, Sức Khỏe & Đời Sống
▪ Một cháu bé chết do ngộ độc sắn (01/02/2005)
▪ Tại sao lại bị thoát dịch bao khớp ở cổ tay ? (31/01/2005)
▪ Vì sao tự nhiên bị chảy nước mắt không tự kiềm chế được? (01/02/2005)
▪ Còn ai dám hút thuốc? (01/02/2005)
▪ HRT và ung thư tuyến tiền liệt (01/02/2005)
▪ Học thể dục thế nào cho tốt? (01/02/2005)
▪ Rối loạn thị lực do đau nửa đầu (31/01/2005)
▪ Thêm 2 bệnh nhi tử vong vì cúm H5N1 (31/01/2005)
▪ Miền Bắc: thêm 7 bệnh nhân nghi nhiễm viêm phổi do virus nhập viện (31/01/2005)
▪ Phân biệt đông trùng hạ thảo thật và giả (31/01/2005)