Râu ngô làm thuốc
Các Website khác - 19/02/2005
Thành phần của râu ngô có nhiều vitamin như K, C, các khoáng chất như glucosid đắng, đường, muối K, Ca... Râu ngô cũng là vị thuốc dân gian lâu đời dùng chữa các chứng bệnh, viêm túi mật, viêm gan, các bệnh về tim, đau thận, sỏi thận, viêm thận.
Râu ngô có tên khoa học là Zea Mays L, thuộc họ lúa (Poaceae). Vị thuốc còn có tên khác: Ngọc thục tu. Bộ phận dùng: Râu ngô tức là vòi và đầu nhuỵ của cây bắp ngô, lấy lúc bắp già.

Thu hái chế biến: Khi bắp ngô hạt đã già, thì lấy riêng hạt ngô, đem phơi khô. Râu ngô nếp hay ngô tẻ đều dùng được như nhau. Râu ngô ít mùi, vị hơi ngọt. Loại râu ngô sợi già, dai, mầu nâu hung, vị ngọt, khô sạch là tốt.

Thành phần hoá học: Trong râu ngô có vitamin K, vitamin C, sitosterol, glucosid đắng, chất nhầy, chất đường, muối K, Ca.

Công dụng: Râu ngô có tác dụng cầm máu, (do lượng prothrombin trong máu tăng lên), lợi niệu (tăng lượng thuốc tiểu 3-5 lần), làm tăng sự bài tiết của mật, giảm lượng bilirubin trong máu.

Râu ngô là vị thuốc dân gian lâu đời, hiện nay dùng chữa các chứng bệnh, viêm túi mật, viêm gan với hiện tượng trở ngại là bài tiết mật và các bệnh về tim, đau thận, sỏi thận, viêm thận.

Liều dùng: 10-20g sắc uống. Còn chế tạo thành cao lỏng, mỗi ngày uống 2-3 lần, mỗi lần 30-40 giọt trước bữa ăn.

Bảo quản: Để nơi khô ráo, râm mát.

Theo Theo sách "Cây thuốc, bài thuốc và biệt dược" - Nhà xuất bản Y học