Rối loạn ăn uống, mất kinh và loãng xương là những bệnh hay gặp ở vận động viên nữ, y học gọi là tam chứng. Chế độ tập luyện quá nặng là nguyên nhân của các biểu hiện này.
Rối loạn về ăn uống: Có hai thể, gồm chán ăn do nguyên nhân thần kinh (xảy ra khi lượng calo và chất dinh dưỡng không đủ để duy trì cân nặng bình thường) và ăn quá nhiều, không thể kiềm chế được, sau đó lại tìm cách tống ra những thứ vừa ăn vào. Khi các em gái bị một trong hai bệnh nói trên trong khi phải tập luyện nhiều, cơ thể sẽ lâm vào tình trạng rất căng thẳng.
Ăn uống hợp lý và đầy đủ là điều kiện cần thiết để có chu kỳ kinh đều và nồng độ oestrogen bình thường. Nếu bị sút cân, các em gái rất dễ bị mất kinh tạm thời.
Mất kinh: Là tình trạng không thấy kinh trên 6 tháng. Mất kinh có thể xảy ra khi bị sút cân, bị rối loạn về ăn uống hoặc do luyện tập thân thể quá căng thẳng. Để có lượng hoóc môn giới tính bình thường, cơ thể nữ phải luôn duy trì một lượng mỡ nhất định; nếu lượng mỡ này còn quá ít (do tập nặng) thì dễ bị mất kinh.
Loãng xương: Cân nặng hợp lý là điều kiện để có nồng độ ostrogen bình thường, và hoóc môn này giúp cơ thể hấp thụ tốt canxi, làm cho xương khỏe, vững chắc. Vận động thân thể giúp xây dựng hệ xương lành mạnh và khỏe, nhưng nếu vận động quá nhiều, nồng độ oestrogen bình thường sẽ giảm và lâu dài dẫn đến loãng xương. Vì vậy, các nữ vận động viên, nhất là với tuổi dậy thì, cần có sự cân đối về vận động, cân nặng, lượng canxi, vitamin D và nồng độ oestrogen để có hệ xương khỏe mạnh.
Nếu đã bị mất kinh, nữ vận động viện cần nghĩ đến nguy cơ loãng xương và đi khám để làm test Dexa (đo độ hấp thụ của xương bằng tia X). Test này không đau, sử dụng sóng tia xạ thấp để có hình ảnh xương, kết quả cho biết khối xương nhiều ít so với các bạn gái cùng lứa tuổi khác.
Bất cứ vận động viên nào luyện tập nặng đều có nguy cơ bị một hay cả 3 tam chứng nói trên. Những vận động viên phải thi đấu nhiều hay tham gia nhiều năm trong một môn thể thao nào đó được xem là đối tượng có nguy cơ cao nhất. Một số hoạt động thể thao đòi hỏi rất nhiều sự bền bỉ (ví dụ chạy cự ly dài) cũng có nhiều nguy cơ hơn.
Tam chứng cũng rất dễ gặp ở các em gái tham gia những môn thể thao đòi hỏi ngoại hình thanh mảnh như thể dục hay khiêu vũ thể thao. Vì vậy, mỗi người cần biết tự cân đối khối lượng vận động.
Vì vậy, vận động viên nữ cần có đủ năng lượng cho luyện tập. Trong mùa thi đấu, cần được ăn uống đủ calo để đáp ứng cường độ luyện tập; không để sút cân nếu đã có cân nặng bình thường (do thầy thuốc xác định). Phải bảo đảm 1.300 mg canxi và 400 IU vitamin D mỗi ngày để giúp cho xương khỏe (qua chế độ ăn hay qua thuốc bổ sung).
Phải theo dõi sát kinh nguyệt. Nếu thấy mất kinh vài tháng, cần báo cho thầy thuốc biết vì đó có thể là dấu hiệu cơ thể đang trong tình trạng quá căng thẳng.
Không được phớt lờ các chấn thương: Nếu luôn bị đau ở một vị trí trên cẳng chân hay bàn chân mỗi khi chạy, hay luôn đau ở một nơi nào đó trên cơ thể mỗi khi luyện tập thì có thể đã có rạn nứt xương do stress; cần kiểm tra.
BS Đào Xuân Dũng, Sức Khỏe & Đời Sống
▪ Vài cách đơn giản phòng chống sỏi tiết niệu (23/06/2005)
▪ Trẻ cần tập thể dục 60 phút mỗi ngày (23/06/2005)
▪ Dùng kháng sinh cho trẻ nhỏ (22/06/2005)
▪ Tác dụng trị liệu của một số loại cao động vật (22/06/2005)
▪ Khả năng kỳ diệu của tinh dầu (22/06/2005)
▪ Nước ngọt có ga - viên đạn bọc đường (22/06/2005)
▪ 45 tuổi vẫn có con nhờ gene (22/06/2005)
▪ Nhiều trẻ sơ sinh bị lây bệnh thuỷ đậu từ mẹ (22/06/2005)
▪ Uống trà trong mùa hè (21/06/2005)
▪ Ăn uống - nỗi vất vả của bệnh nhân COPD (21/06/2005)