Tăng huyết áp, mối nguy hiểm không báo trước
Các Website khác - 13/03/2005
Bệnh tăng huyết áp có thể diễn biến từ từ và nhiều khi không có triệu chứng báo trước cho đến khi xảy ra các biến chứng nội tạng. Đối tượng thường mắc là người có độ tuổi trung niên trở lên, nam giới nhiều hơn nữ giới. Những ai mắc bệnh hãy luôn thận trọng với bệnh của mình, thường xuyên nhờ bác sĩ theo dõi để có phác đồ điều trị chính xác.

Một số dấu hiệu gợi ý tăng huyết áp để đi khám hoặc kiểm tra bệnh ngay

- Cảm giác nặng căng đầu và làm việc nhanh mệt. Cũng có khi cảm giác đau đầu lan tỏa, váng đầu, tiếng ve kêu, nhức mắt và giảm thị lực.

- Hồi hộp đánh trống ngực, cảm giác khó thở, chẹn ngực.

- Rối loạn tiểu tiện, hay đi đái đêm.

- Riêng đối với người trưởng thành, không có những dấu hiệu gợi ý nói trên cũng nên kiểm tra huyết áp tối thiểu mỗi năm một lần. Càng chú ý hơn đối với những người béo phì, có thói quen ăn mặn, nghiện rượu, khẩu phần ăn hằng ngày thiếu calci, magueum, những người trong gia đình có người bị tăng huyết áp, đái tháo đường hoặc đột tử...

Rất nhiều bộ phận của cơ thể có thể bị tổn thương khi mắc bệnh tăng huyết áp, trong đó tai biến mạch não là một trong những biến chứng thường gặp, xảy ra đột ngột và để lại hậu quả nặng nề, người bệnh có thể bị tàn phế, thậm chí dẫn đến tử vong.

- Tim: Phì đại thất trái do cơ thể phải thích ứng với sự gia tăng huyết áp lực động mạch. Những bệnh nhân tăng huyết áp (THA) có phì đại thất trái tỷ lệ tử vong do bệnh tim mạch, đột qụy cao gấp 2 - 4 lần so với nhóm THA không phì đại. Cơn đau thắt ngực, thiếu máu cơ tim là những dấu hiệu thường gặp liên quan đến độ tuổi, tuổi càng cao phì nguy cơ càng lớn, dẫn đến rối loạn nhịp tim, nhồi máu cơ tim, đột tử.

- Thận: Rối loạn chức năng thải tiết ure và creatinin. Nhưng trong trường hợp kiểm soát được huyết áp thì chức năng thận cũng dần dần hồi phục.

- Não: Tai biến mạch máu não, phù não... do xơ vữa động mạch.

- Mắt: Tổn thương đáy mắt, xuất huyết và ứ phù gai thị...

Những thói quen nên bỏ

- Cà phê là loại thức uống có khả năng làm tăng nhịp tim và tăng huyết áp ngay cả đối với người bình thường, vì vậy bệnh nhân tăng huyết áp buộc phải chia tay với nó.

- Thuốc lá là một yếu tố nguy cơ của hệ tim mạch. Tỷ lệ nhồi máu cơ tim, đột qụy, bệnh động mạch chi dưới ở người hút thuốc lá cao rõ rệt nên những ai tăng huyết áp hãy nói "không" với thuốc lá.

- Không dùng rượu, nhất là các loại rượu ngâm thuốc bắc, các loại động vật như rắn, tay gấu, mật gấu...

- Người bệnh tăng huyết áp phải ăn giảm muối, tránh dùng muối chấm thức ăn. Không nên ăn những món ăn "đưa cơm" có thể là khoái khẩu của nhiều người như dưa muối, cà muối. Hạn chế đồ hải sản vì bản thân các loại thức ăn này đã chứa nhiều natri. Ăn mặn làm cho huyết áp mất ổn định, nếu đã suy tim thì càng suy tim nặng hơn.

- Không uống cam thảo, chè sâm vì đó là những chất kích thích tăng huyết áp.

- Không cạo gió cho người tăng huyết áp khi bị cảm vì dễ làm tổn thương đến mạch.

Một số loại trà tốt cho người tăng huyết áp

- Trà đắng: Dùng 2 - 3 búp trà đắng pha vào một cốc nước nóng, uống hết lại đổ thêm một cốc nước nóng nữa, mỗi ngày 1 - 2 lần.

- Hoa hòe: Có thể pha cùng mướp đắng hoặc nụ vối cho thơm ngon, mỗi ngày một ấm.

Những thời điểm cần chú ý

- Trời lạnh: Mỗi khi trời lạnh các mạch máu bị co thắt đẩy huyết áp tăng và nhịp tim đập nhanh lên để bù trừ giúp cơ thể chống lạnh. Đối với người tăng huyết áp, trời lạnh bao giờ cũng làm bệnh nặng thêm, huyết áp tăng thêm có thể làm vỡ mạch, nhất là người cao tuổi, thành mạch đàn hồi đã kém.

- Khi ngủ dậy: Từ 4 - 7 giờ sáng thường là lúc nhiệt độ xuống thấp nhất trong ngày. Người tăng huyết áp phải tạo thói quen tập một số động tác trước khi ra khỏi giường, trước khi mở cửa phải mặc ấm. Đặc biệt giữ ấm cổ, ngực, hai bàn chân để tránh viêm phế quản, khiến bệnh tăng huyết áp trầm trọng thêm.

Đi khám

- Cơ sở khám chữa bệnh nội khoa hoặc chuyên khoa Tim mạch là địa chỉ chính xác người bệnh cần tìm đến.

- Quy trình khám: Bác sĩ sẽ đo huyết áp và cho làm các xét nghiệm cần thiết: Xét nghiệm huyết học (xác định lượng hồng cầu, bạch cầu, huyết sắc tố), sinh hóa máu (đánh giá chức năng gan, thận, đo đường máu, điện giải máu, các thành phần lipid máu), nước tiểu, điện tim. Có thể kết hợp làm luôn siêu âm tim, soi đáy mắt...

- Người bệnh phải tuân thủ mọi hướng dẫn của thầy thuốc về chế độ ăn uống, làm việc, sử dụng thuốc. Không tự ý ngừng thuốc khi thấy huyết áp đã trở về bình thường khi không có ý kiến của bác sĩ. Thông thường, thời gian điều trị tăng huyết áp tương đối dài, ngay cả khi huyết áp đã trở về bình thường người bệnh vẫn phải tiếp tục dùng thuốc. Ngừng thuốc đột ngột có thể làm khởi phát cơn tăng huyết áp kịch phát nặng rất nguy hiểm.

- Không được phép tự ý mua thuốc điều trị khi không có sự chỉ dẫn, theo dõi của thầy thuốc.

Tiến sĩ Tạ Mạnh Cường
Viện Tim mạch Việt Nam
Theo Tri thức trẻ