Viêm đường hô hấp có thể dẫn đến hen
Vào những ngày cuối năm, thời tiết giá rét, độ ẩm cao, trẻ em phải nhập viện tăng rất nhiều. Những bệnh trẻ thường gặp nhất là viêm phế quản, viêm họng. Tại khoa Cấp cứu của Bệnh viện Nhi T.Ư, có tới 80% trẻ bị viêm nhiễm đường hô hấp vào cấp cứu. Theo các chuyên gia nhi, những trẻ mắc các bệnh viêm đường hô hấp trên rất dễ dẫn đến bệnh hen.
Một điều đáng lưu ý là những trẻ bị viêm đường hô hấp hay bị tái phát bệnh, nếu không được điều trị triệt để sẽ dễ dàng mắc hen. Tình trạng này đang khá phổ biến, đặc biệt đối với trẻ ở các địa phương. Có trẻ bị viêm họng, viêm phế quản điều trị từ 7 -1 0 ngày tại các tuyến cơ sở không khỏi bệnh, khi chuyển về bệnh viện T.Ư, bệnh đã rất nặng với các biểu hiện thở khò khè, khó thở, sốt cao thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Tình trạng này đã làm gia tăng thêm ngày càng nhiều trẻ mắc bệnh hen.
Giáo sư Trần Quỵ - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cảnh báo bệnh hen ở trẻ em trong những năm gần đây đang gia tăng từ 4- 5 lần. Trong đó, 90% số trẻ mắc hen phế quản là trẻ dưới 5 tuổi. Tuổi càng nhỏ trẻ mắc hen càng nhiều và cũng rất khó chẩn đoán vì bộ phận hô hấp của trẻ rất nhỏ, dễ phù nề xuất tiết. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra trẻ bị hen do rất nhiều nguyên nhân như: bụi nhà, nấm mốc, khói, hoa, súc vật, thức ăn là các loại sữa, thức ăn tiếp xúc đầu tiên với trẻ, thuốc và hóa chất, đặc biệt là các yếu tố viêm nhiễm như viêm VA, viêm Amidan, viêm phế quản, viêm tiểu phế quản... Việc chẩn đoán trẻ mắc hen dựa trên các triệu chứng như: Thở khò khè với âm độ cao nhiều hơn về ban đêm, ho về đêm, khó thở tái phát, có cảm giác nặng ngực, nghe phổi có nhiều ran rít, ran gáy... Do chẩn đoán ở trẻ em còn gặp nhiều khó khăn, phát hiện muộn, điều trị chưa thống nhất nên trẻ mắc hen rất dễ tử vong. Phần lớn các trường hợp viêm tiểu phế quản do virus ở trẻ nhỏ tái đi tái lại nhiều lần sau này trở thành hen.
Tìm bản đồ hen của người Việt
Bệnh hen là bệnh mạn tính thường gặp ở trẻ em. Bị mắc căn bệnh này trẻ bị hạn chế nhiều trong học tập, sinh hoạt. 40% số trẻ bị hen phế quản phải nghỉ học mỗi khi lên cơn, trung bình trẻ bị hen phải nghỉ học từ 10-15 ngày/năm. Số trẻ mắc hen trước đây chỉ là 0,5-0,6% nhưng hiện nay, tỷ lệ này đã tăng lên 5-10%. Nhiều nước có tỷ lệ hen trẻ em trên 10%. Ở Việt Nam, cho đến nay, chưa có một khảo sát nào về tình hình bệnh hen trẻ em, nhưng qua đều tra tại TP.Hồ Chí Minh, tỷ lệ trẻ em có dấu hiệu thở khò khè là 29% (khò khè là dấu hiệu của nhiều loại bệnh, trong đó có bệnh hen), ở Hà Nội tỷ lệ này ít hơn. Sắp tới Bộ Y tế sẽ tiến hành một khảo sát quy mô lớn trên toàn quốc để tìm ra "bản đồ" hen của người Việt Nam, đặc biệt là trẻ em mắc hen để có chương trình can thiệp sớm, giúp trẻ có điều kiện học tập tốt.
Giáo sư Nguyễn Năng An - Chủ tịch Hội Hen, Dị ứng, Miễn dịch lâm sàng Việt Nam cho biết, hiện nay Việt Nam đã khống chế được tỷ lệ người chết do hen nhưng tỷ lệ người mắc hen vẫn đang tiếp tục tăng. Theo số liệu công bố của Tổ chức Y tế thế giới, khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong 20 năm qua bệnh hen ở trẻ em đã tăng lên gấp 3-4 lần.
|