"Con trai tôi 6 tuổi, gần đây hay bị nhức đầu và sốt, tai tiết ra dịch vàng có mùi hôi; bác sĩ kết luận viêm tai giữa và cho kháng sinh điều trị, bệnh có giảm nhưng chưa khỏi hẳn. Bệnh có thể điều trị triệt để được không?".
Trả lời:
Viêm tai giữa mạn tính gặp ở cả trẻ em và người lớn, nếu không phát hiện sớm và điều trị kịp thời có thể gây nghe kém, viêm xương, nhiễm trùng huyết, áp-xe não v.v... Bệnh gây nhiều khó chịu vì hay tái phát, ảnh hưởng tới học tập và làm việc. Tùy theo tình trạng màng nhĩ mà chia ra các thể sau:
Viêm tai màng nhĩ còn (hay viêm tai tiết dịch): Thường gặp ở tuổi 3-8. Bệnh nhân nghe kém. Khám lỗ tai thấy màng nhĩ còn nhưng hư hỏng nhiều nơi (màng nhĩ mỏng, dày hay thun lại, lung lay từng chỗ). Xử trí: Nạo VA, cắt amiđan, chữa vẹo vách ngăn, dùng văcxin, kích thích hệ miễn dịch.
Viêm tai màng nhĩ thủng gồm 2 loại:
- Viêm tai chảy dịch nhầy: Chất nhầy ra nhiều, trong, có sợi, không thối, bệnh nhân bị điếc nhẹ. Bệnh tiến triển chậm, chủ yếu gặp ở trẻ nhỏ bị viêm mũi - họng. Xử trí: Nạo VA, trị viêm mũi - họng (cắt amiđan, trị viêm xoang, vẹo vách ngăn), lau rửa tai hằng ngày, dùng kháng sinh tại chỗ và toàn thân
- Viêm tai chảy mủ thối: Mủ tai chảy ra liên tục, màu trắng hay vàng, có mùi thối. Bệnh nhân nghe kém, nhiều khi nhức đầu hay sốt. Nguyên nhân chủ yếu do viêm xương hay cholesteatom. Bệnh này rất nguy hiểm, có thể gây nhiều biến chứng như liệt mặt, áp xe não hay tiểu não, viêm màng não (nhất là trẻ em), nhiễm trùng huyết... Trị liệu nội khoa tạm thời, nhưng chủ yếu phải mổ, sau đó kiểm tra đều đặn phòng tái phát.
Trẻ em có điều kiện nên khám VA, amiđan, mũi, nếu bất thường thì điều trị ngay. Thấy chảy nước hay mủ ở tai, phải đến thầy thuốc khám để được hướng dẫn trị liệu. Không để viêm tai giữa từ cấp chuyển sang mạn vì khó chữa và sinh nhiều biến chứng nguy hiểm. Giữ sạch tai, không ngoáy lỗ tai, không để nước lọt vào lỗ tai.
Trường hợp con bạn có thể là bị viêm tai chảy mủ thối. Viêm tai giữa khá nguy hiểm, vì vậy cần đưa cháu đến tái khám ở chuyên khoa tai mũi họng và theo dõi thật sát diễn tiến bệnh để đề phòng những biến chứng xấu có thể xảy ra.
BS Nguyễn Văn Thể, Sức Khỏe & Đời Sống
▪ Thuốc từ cây ngưu bàng (06/04/2005)
▪ Hội chứng chân tay miệng rất nguy hiểm cho trẻ em (06/04/2005)
▪ Thiếu máu - bệnh trầm kha của các cơ sở y tế (06/04/2005)
▪ Viêm mũi dễ dẫn đến viêm xoang (06/04/2005)
▪ Thủy đậu: đã chích ngừa sao vẫn mắc bệnh? (05/04/2005)
▪ Viêm tủy răng (06/04/2005)
▪ Lần đầu tiên xuất hiện virus cúm gà dòng H7 ở châu Á (05/04/2005)
▪ U ở tầng sinh môn (05/04/2005)
▪ BV Nhi Trung ương 'ngập' bệnh nhân (05/04/2005)
▪ Cúm A xuất hiện ở Hà Tĩnh (05/04/2005)