Ấn Độ: Lật lại hồ sơ vụ tàn sát người Sikh Quốc hội Ấn Độ (ÂĐ) hôm 9.8 đã phải tạm dời phiên họp sang ngày hôm sau, do xảy ra vụ phản đối của các nghị sĩ đối lập đòi trừng phạt các thủ lĩnh Đảng Quốc đại (CP) liên quan tới vụ tàn sát làm gần 3.000 người Sikh thiệt mạng từ năm 1984. Ngòi nổ được châm hôm 8.8, khi thẩm phán hồi hưu G.T. Nanavati trình bày báo cáo sau 5 năm điều tra vụ thảm sát người Sikh trước quốc hội. Vụ bạo loạn chống người Sikh này được coi là làn sóng tàn sát chủng tộc tồi tệ nhất ở ÂĐ từ trước tới nay. Nó kéo dài trong suốt 3 ngày ở thủ đô New Delhi và khu vực miền bắc đất nước, sau khi Thủ tướng ÂĐ lúc đó là bà Indira Gandhi bị các vệ sĩ người Sikh ám sát ngày 31.10.1984 nhằm trả đũa quyết định của bà đưa quân đội tới truy quét các phần tử ly khai người Sikh khỏi khu Đền Vàng - thánh địa linh thiêng nhất của người Sikh - ở thành phố miền bắc Amritsar. Báo cáo của uỷ ban điều tra do ông Nanavati đứng đầu dẫn nguồn tin báo chí và các nhóm nhân quyền, nói một số thủ lĩnh CP - vốn cũng là đảng cầm quyền tại ÂĐ năm 1984 - đã nhúng tay vào việc tổ chức, chứng kiến hoặc tham gia các vụ đánh đập bằng dùi cui hoặc thiêu sống người Sikh. Cụ thể, báo cáo nêu đích danh Quốc vụ khanh Jagdish Tytler trong nội các hiện nay của Thủ tướng Manmohan Singh (cũng là người Sikh) và một thủ lĩnh khác của CP là ông Dharam Das Shastri, đã "xúi bẩy bạo động". Ông Tytler lập tức phủ nhận cáo buộc trên, đồng thời chính phủ liên minh hiện tại do CP đứng đầu cũng khẳng định sẽ không thực thi hành động pháp lý nào chống lại ông Tytler, vì không tìm thấy bằng chứng thuyết phục. Dẫu vậy, tin tức lật lại vụ tàn sát người Sikh không khác gì một quả bom nổ trước quốc hội, đã làm dấy lên một làn sóng phản đối rất mạnh từ phía các nghị sĩ đối lập. Bầu không khí giận dữ và căng thẳng nhanh chóng lan ra các đường phố New Delhi, với những cuộc biểu tình của người Sikh chống chính phủ và đòi "treo cổ những tên giết người". T.B (Theo Reuters, AFP) |
▪ HÌNH ẢNH & SỰ KIỆN (11/08/2005)
▪ Hai công dân VN bị bắn tại Thái Lan (11/08/2005)
▪ Lại chuyện “Khangate” (10/08/2005)