Bom nổ tại Lebanon, Hy Lạp - Pháp bắt nghi can khủng bố Không khí lo sợ và hoang mang bao trùm thủ đô Beirut của Lebanon sau vụ đánh bom ôtô làm 3 người thiệt mạng, trong đó có nghị sĩ nổi tiếng đồng thời là chủ bút chống Syria, Gibran Tueni, hôm 12.12. Một nhóm vô danh đã nhận trách nhiệm, nhưng nghi vấn vẫn tiếp tục dồn về Syria.
Vụ đánh bom xảy ra vài giờ trước khi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhận báo cáo điều tra mới nhất về vụ ám sát Thủ tướng Lebanon Rafik Hariri, trong đó Syria là đối tượng bị cáo buộc. Quả bom gài trên ôtô phát nổ khi chiếc xe của ông Tueni vừa đi qua Mkalles, ngoại ô Beirut, làm người tài xế, Tueni và một người qua đường thiệt mạng. Tư tưởng chống Syria của Tueni - chủ bút tờ Al-Nahar - khiến ông có nhiều kẻ thù không chỉ ở Syria, mà còn ngay trong phe thân Syria tại Lebanon. Tueni đã bị sát hại khi mới trở về từ Pháp, nơi ông ở trong mấy tháng qua vì lo ngại về vấn đề an ninh. Chính phủ Lebanon đã triệu tập phiên họp khẩn cấp sau vụ đánh bom và bỏ phiếu kêu gọi mở cuộc điều tra quốc tế về các vụ sát hại Thủ tướng Hariri, Tueni và hơn chục người khác thuộc phong trào chống Syria. Ngay sau đó, 5 bộ trưởng thuộc phe thân Syria trong nội các đã từ quan, động thái được xem là dấu hiệu khủng hoảng chính trị đầu tiên sau vụ đánh bom. Cùng ngày, một nhóm vô danh mang tên "Những người tranh đấu cho thống nhất và tự do ở Al-Sham" đã lên tiếng chịu trách nhiệm vụ đánh bom. Al-Sham là từ Arab chỉ vùng miền đông Địa Trung Hải bao gồm Lebanon, Syria, Israel và Palestine. "Chúng tôi đã bẻ gãy ngòi bút của Gibran Tueni và biến An-Nahar (tiếng Arab có nghĩa "ban ngày") thành đêm tối", nhóm này tuyên bố. "Kẻ nào định tìm cách công kích những ai đã hy sinh vì người Arab và đất nước Lebanon sẽ chịu chung số phận với Tueni", nhóm trên khuyến cáo. Syria đã lên án vụ sát hại ông Tueni và cho rằng đây chỉ là một phần trong âm mưu rộng lớn hơn, nhằm huỷ hoại danh tiếng nước này. Tuy nhiên, cộng đồng quốc tế, đặc biệt là Mỹ, vẫn tiếp tục hướng mũi dùi nghi vấn vào nước này. Nhà Trắng bình luận vụ đánh bom đẫm máu trên là "ví dụ tiêu biểu nhất cho sự can thiệp của Syria vào Lebanon". "Nó một lần nữa nhắc nhở cộng đồng quốc tế cần phải chấn chỉnh các nghị quyết của Hội đồng Bảo an nhằm chấm dứt sự can thiệp của Syria vào Lebanon", thư ký báo chí Nhà Trắng Scott McClellan nói. Bom nổ tại Athens, Pháp phá âm mưu khủng bố Cùng thời gian, khu quảng trường chính ở Athens là Syntagma, gần Bộ Tài chính Hy Lạp, đã rung chuyển vì một tiếng nổ lớn. Cảnh sát Athens cho biết, thiết bị nổ được chế tạo từ các bình gas giấu trong một chiếc xe máy. Đài Truyền hình quốc gia Hy Lạp đưa tin, nhật báo Eleftherotypia của nước này đã nhận được lời cảnh báo đánh bom khoảng 30 phút trước vụ nổ. Vụ nổ trùng với ngày đầu tiên của cuộc đình công kéo dài 1 tuần lễ ở Hy Lạp, từ ngày 12.12. Theo nhận định ban đầu, mục tiêu chính trong vụ tấn công là Bộ Tài chính Hy Lạp - nơi "đứng mũi chịu sào" cho các cuộc biểu tình phản đối chính sách của chính phủ nước này. Cũng trong sáng 12.12, cảnh sát Pháp đã bắt giữ 25 kẻ tình nghi là phần tử gây quỹ cho các nhóm khủng bố Hồi giáo tại Paris. Những nghi phạm này ở độ tuổi từ 20-30, mang quốc tịch Pháp, Tunisia, Algeria và từng cướp có vũ trang để góp quỹ cho các nhóm cực đoan. Một nguồn tin thân cận với nhóm điều tra khẳng định, trước khi bị bắt, những nghi can này đang dự định mở rộng hoạt động bằng cách tấn công vào các mục tiêu quan trọng tại Pháp. A.P (Theo AFP, BBC) |
▪ Ấn Độ: 11 nghị sĩ ăn hối lộ bị ghi hình (14/12/2005)
▪ Australia: Bất an sau 2 đêm bạo lực (14/12/2005)
▪ Hội nghị WTO ở Hồng Kông: Cần phép màu phá rào cản thương mại (13/12/2005)
▪ Hoả hoạn tiêu huỷ manh mối điều tra (13/12/2005)
▪ Iraq bắt đầu cuộc bầu cử lịch sử (13/12/2005)
▪ "Kim chỉ nam" cho ASEAN (13/12/2005)
▪ HÌNH ẢNH & SỰ KIỆN (13/12/2005)
▪ Các nghị sĩ Mỹ ủng hộ VN gia nhập WTO (13/12/2005)
▪ Ông già Noel chạy từ thiện (13/12/2005)
▪ Thiếu minh bạch (13/12/2005)