Iraq bắt đầu cuộc bầu cử lịch sử Ngày 15.12, 15 triệu cử tri Iraq sẽ đi bỏ phiếu để bầu cử quốc hội mới. Các cử tri ở bệnh viện, doanh trại quân đội và thậm chí ở nhà tù đã bắt đầu bỏ phiếu sớm từ 12.12. An ninh trên toàn đất nước đã được siết chặt.
Trong cuộc bầu cử lần này, cử tri sẽ lựa chọn quốc hội 275 ghế lần đầu tiên kể từ khi chế độ của cựu Tổng thống Saddam Hussein bị lật đổ. Mặc dù hầu hết 15 triệu cử tri hợp pháp sẽ đi bầu cử vào ngày 15.12, nhưng chính phủ đã bố trí để quân đội, cảnh sát, các bệnh nhân nằm viện và tù nhân chưa bị kết tội đi bỏ phiếu vào ngày 12.12. Các quan chức Iraq cho biết, cựu Tổng thống Saddam Hussein - người đang bị giam và xét xử - vẫn có quyền bầu cử, nhưng không biết ông có tham gia bầu hay không. Ngày 13.12, 1,5 triệu cử tri Iraq ở nước ngoài cũng sẽ đi bỏ phiếu. Các điểm bầu cử được thiết lập tại 15 quốc gia trên thế giới, trong đó có Mỹ, Canada, Australia. Theo thủ tục, các cử tri đi bầu phải xuất trình hộ chiếu, chứng minh thư nhân dân hoặc quân nhân và phải in dấu tay bằng mực không xoá, để tránh trường hợp một người bỏ phiếu nhiều lần. Do an ninh bất ổn, các chiến dịch tranh cử được tiến hành chủ yếu thông qua các phương tiện truyền thông. Mọi sự chú ý hiện nay đều đổ dồn vào cộng đồng Sunni Arab, những người đã tẩy chay cuộc bầu cử quốc hội lâm thời hồi tháng giêng. Lần này thì có nhiều ứng cử viên người Sunni Arab tham gia hơn trong cuộc đua giành ghế ở quốc hội. Iraq cũng đã thay đổi luật bầu cử để đảm bảo một lượng nhất định người Sunni có mặt trong quốc hội. Theo đánh giá của các nhà phân tích, người Shiite sẽ giành được số phiếu lớn nhất trong quốc hội, bởi họ chiếm tới 60% trong số 27 triệu dân Iraq, so với tỉ lệ 20% người Sunni. Ngày 11.12, Tổng thống Iraq Talabani dự đoán sau cuộc bầu cử, một chính phủ liên hiệp sẽ được thành lập, vì nhiều khả năng sẽ không có đảng nào giành đa số ghế tại quốc hội. An ninh được tăng cường "Chúng tôi đã sẵn sàng cho cuộc bầu cử. Chúng tôi hy vọng tất cả mọi người sẽ tham gia. Chúng ta đang ở một thời khắc lịch sử" - Thủ tướng Iraq Ibrahim al-Jaafari tuyên bố hôm 12.12. Để đảm bảo an ninh, bốn ngày trước cuộc bầu cử, Iraq đã ban hành kế hoạch an ninh khẩn cấp nhằm ngăn chặn bạo lực và bảo vệ các cử tri. Bộ trưởng Nội vụ Iraq Bayan Jabr cho biết, chính phủ đã kéo dài thời gian giới nghiêm từ 10 giờ đêm hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau và cấm đi lại giữa các tỉnh, thành phố. Ôtô cũng bị cấm chạy trong các thành phố từ 14-17.12, trừ các trường hợp có giấy phép đặc biệt. Các đường biên giới giữa Iraq với các nước láng giềng và các sân bay sẽ bị đóng cửa từ nửa đêm 14.12 đến 6 giờ tối 16.12. Hiện hàng nghìn nhân viên an ninh Iraq đã được triển khai khắp cả nước. Trong khi đó, ngày 11.12, Đài Truyền hình Arabiya - có trụ sở tại Dubai - đưa tin, một nhóm nổi dậy tại Iraq đã bắt cóc 4 con tin người Iran ở một ngôi đền Hồi giáo dòng Shiite - phía bắc Baghdad. Và cho đến ngày 12.12, vẫn chưa có tin tức gì về số phận của 4 con tin phương Tây - gồm một người Mỹ, một người Anh và hai người Canada - bị bắt cóc từ hai tuần trước, mặc dù thời hạn chót mà bọn bắt cóc đưa ra đã hết hôm 10.12. C.T (Theo AFP, AP) |
▪ Hội nghị WTO ở Hồng Kông: Cần phép màu phá rào cản thương mại (13/12/2005)
▪ Hoả hoạn tiêu huỷ manh mối điều tra (13/12/2005)
▪ "Kim chỉ nam" cho ASEAN (13/12/2005)
▪ HÌNH ẢNH & SỰ KIỆN (13/12/2005)
▪ Thảm hoạ hàng không mới tại Nigeria: 103 người chết, hầu hết là học sinh (12/12/2005)
▪ Nghị sĩ phản chiến Mỹ Eugene McCathy qua đời (12/12/2005)
▪ Ba Lan điều tra về vụ nhà tù bí mật của CIA (12/12/2005)
▪ Người dân Iraq đi bỏ phiếu bầu Quốc hội mới (12/12/2005)
▪ Ông Jordan Ryan nói lời giã biệt (10/12/2005)
▪ Singapore bắt 13 người nước ngoài dính líu tới ma tuý (10/12/2005)