“Con tin” EU
Các Website khác - 08/01/2009

 “Người châu Âu sau một đêm thức dậy thấy mình lạnh giá!”. Hãng tin Nga Itar Tass đã ví von như thế về vị trí “con tin” của các nước châu Âu trong “cuộc chiến khí đốt” giữa Nga và Ukraine. Sáng 7-1, phát biểu từ Berlin, phó chủ tịch Gazprom Aleksander Medvedev thông báo Kiev đã khóa nốt van cuối cùng trong bốn đường ống dẫn khí đốt của Nga sang châu Âu.

Trời giá lạnh khiến băng đóng tại Công ty khí đốt Slovak của Slovakia. Khí đốt đã không còn trong đường ống nữa - Ảnh: Reuters

Trong khi đó Ukraine đưa ra tuyên bố ngược lại. Người phát ngôn Tập đoàn khí đốt Ukraine Naftogaz khẳng định vào 7g44 sáng 7-1, Gazprom đã “ngưng cung ứng khí đốt vào trạm cuối cùng còn làm việc ở Ukraine. Trong tình cảnh này, chính Gazprom phải giải thích với EU chứ không phải Ukraine”. Theo AP, Nga đã xác định việc ngưng cung ứng này, giải thích là để đáp trả việc Ukraine khóa vòi khí đốt cuối cùng của Nga tới châu Âu.

Trong lúc mọi việc lẩn quẩn như trong mê cung thì nạn nhân của “cuộc chiến khí đốt” đã mở rộng đến 17 quốc gia từ Nam Âu sang Trung Âu và khu vực Balkan. Chẳng hạn Bulgaria, vốn lệ thuộc khí đốt hoàn toàn vào Nga, đã phải họp khẩn và ra quyết định tiết kiệm tối đa: tắt hệ thống sưởi trên các phương tiện giao thông, giảm bớt hệ thống đèn đường chiếu sáng. Thủ đô Sofia có thể sẽ phải đóng cửa 60 trường học, trong khi đã tạm thời đóng cửa hàng chục nhà trẻ.

Hungary, Croatia và Ba Lan tuyên bố tạm hạn chế cung ứng khí đốt dùng trong công nghiệp để ưu tiên cho sưởi ấm. Riêng tại các sân bay Hungary đã chuyển hệ thống sưởi chạy bằng khí đốt sang chạy bằng dầu. Serbia, CH Czech lập những ủy ban khẩn cấp.

Có lẽ vì thế mà từ thái độ không can dự ban đầu, ngày 6-1, Thủ tướng CH Czech Mirek Topolanek, nước đang làm chủ tịch luân phiên EU, tuyên bố tình hình rất nghiêm trọng và cần triệu tập gấp cuộc gặp cấp cao của EU với Nga và Ukraine. Gazprom cho biết sẵn sàng nối lại đàm phán với Naftogaz bất kỳ lúc nào và tuyên bố lấy làm ngạc nhiên khi Naftogaz khẳng định đến ngày 8-1 mới tới Matxcơva đàm phán dù tình hình đang dầu sôi lửa bỏng!

Tình hình càng thêm bi quan khi Tòa án Kiev hôm 6-1 phán quyết những thỏa thuận mà Nga và Ukraine ký trước đây về việc trung chuyển khí đốt không còn hiệu lực. Trong các quyết định mới có việc “cấm” Công ty Ukraine Naftogaz nhận trung chuyển khí đốt qua Ukraine với mức giá 1,6 USD/1.000m3/100km. Naftogaz vin vào lệnh này, đồng thời đáp trả việc Gazprom ra giá 450 USD/1.000m3 khí đốt bán cho Ukraine (đúng theo giá thị trường), đòi giá trung chuyển tương xứng phải là 9,84 USD/1.000m3/100km!

Có nghĩa Ukraine đang “xử” theo kiểu “nước nổi thì bèo nổi”! Chỉ có điều người mắc kẹt lại là các nước châu Âu. Nhà phân tích G. Gromadsky thuộc Quỹ Batorego nhận định trên Sự Thật Komsomol rằng ngày càng có nhiều chính khách EU cho rằng Ukraine đã “sử dụng vị thế của mình trong một cuộc xung đột mà con tin là EU”. Tờ Financial Times số ra hôm qua nói căn cứ vào sự khắc nghiệt của mùa đông năm nay và quy mô nghiêm trọng của khủng hoảng, nhiều khả năng EU “sẽ gây áp lực lên hai phía”.

Theo Tuoi Tre Online