Đại sứ Việt Nam tại LHQ Ngô Quang Xuân: Sự ổn định của kinh tế VN tạo thế và lực trong đàm phán
Các Website khác - 25/03/2006
Đại sứ Việt Nam tại LHQ Ngô Quang Xuân:
Sự ổn định của kinh tế VN tạo thế và lực trong đàm phán

Đoàn đàm phán Việt Nam đang có mặt tại Geneva (Thụy Sĩ) để cố gắng kết thúc hai vòng đàm phán đa phương và song phương trong tháng này về việc VN gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Để hiểu rõ hơn về quá trình đàm phán, trân trọng giới thiệu với bạn đọc cuộc phỏng vấn mới đây với Đại sứ VN tại LHQ Ngô Quang Xuân (ảnh).

´ Thưa ông, nếu nói VN đã "lỡ chuyến tàu WTO" trong năm 2005 có đúng không?

- Tôi biết là có cả những lý do chủ quan và khách quan. Đến hết năm 2005 ta kết thúc đàm phán với 22 đối tác, và vẫn còn 6 đối tác nữa. Đứng về phương diện thời gian thì nói "lỡ tàu" là không thực tế. Vì sau khi kết thúc đàm phán, vẫn còn hàng loạt vấn đề phải giải quyết. Với Mỹ, nếu có đạt được 80-90% đàm phán thì vẫn còn 10% cần chúng ta phải vượt qua, đồng thời phải chờ quy chế thương mại bình thường vĩnh viễn mà Quốc hội Mỹ thông qua. Như vậy, thời gian không cho phép. Trong năm 2005, chúng ta rất lạc quan về nội dung đàm phán. Các đối tác đều thấy bản chào của VN là tiến bộ, nhưng trên bàn còn nhiều vấn đề phải vượt qua. Vì vậy, tôi nghĩ nói "lỡ tàu" hay ta chưa cố gắng đúng mức là không đúng.

Trong đàm phán, các nước luôn đòi hỏi quá cao. Nếu các nước nhìn thấy thực tại VN một cách chính xác thì không xảy ra vấn đề đó.

´ Nhưng các đối tác đàm phán lại nói rằng WTO không phải là nơi để ban phát ân huệ? Vậy chúng ta nên hiểu thế nào cho đúng?

- Có người còn nói VN cần vào WTO, chứ WTO không cần VN. Điều đó đúng, nhưng không bình đẳng. VN không cần các nước thành viên WTO ban ơn. Chúng ta cần sự công bằng. Nếu họ đòi hỏi cao quá, thì chúng ta cũng phải nói. Nếu họ nói VN chưa đáp ứng được, thì ta lại phải xem xét vướng mắc ở khâu nào. Sau đó chúng ta mới đưa bản chào mới. Nền kinh tế đâu phải có thể thay đổi trong một tuần, hai tuần, mà cả năm mới nhích được một thang phát triển.

Rất may nền kinh tế VN phát triển ổn định, nên có cơ sở tốt để tạo thế và lực trong đàm phán. VN từ một nước thiếu lương thực vươn lên là nước xuất khẩu gạo thứ hai thế giới. Nhiều sản phẩm khác cũng đều nằm trong diện đứng đầu về xuất khẩu trong số các nước đang phát triển. Điều này khiến các nước đàm phán nghĩ VN tiềm năng quá. Ví dụ như các nước Mỹ Latinh, khi đàm phán họ nhìn vào càphê - mặt hàng chiến lược của họ. Thấy VN nhất Châu AÁ về xuất khẩu càphê, và chỉ sau Brazil về thứ hạng thế giới, nên họ thấy cần phải nâng cao yêu cầu. Nhưng nếu chỉ nhìn vào đó thôi thì rất thua thiệt cho VN.

´ Phải chăng có được cam kết chính trị mạnh mẽ từ các quốc gia đàm phán vẫn chưa đủ để VN vào được WTO, cho tới khi chúng ta làm hài lòng được lợi ích cho các doanh nghiệp của họ. Làm thế nào để chúng ta tận dụng được cam kết chính trị để tiếp cận WTO dễ hơn?

- Cam kết chính trị là yếu tố hàng đầu của mỗi quốc gia. Với Mỹ hay một số nước Châu Âu, cam kết chính trị và lợi ích của giới doanh nghiệp phải gắn liền với nhau. Về phía VN, cam kết chính trị dựa phải dựa trên lợi ích quốc gia, đảm bảo trong toàn bộ tiến trình đàm phán. Các nước khác cũng giống vậy thôi. Tôi nghĩ đây là hai mặt của một vấn đề. Trong trường hợp Tổng thống Mỹ G.W.Bush đã cam kết ủng hộ thì rõ ràng điều này đã khiến các phiên đàm phán trôi chảy hơn và họ cố gắng tìm điểm chung với mình. Những gì trên bàn đàm phán luôn thể hiện cam kết chính trị.

´ VN nên chuẩn bị thế nào cho các doanh nghiệp trong thời kỳ hậu WTO?

- Hãy cho họ cơ hội cạnh tranh và họ sẽ đứng vững. Sau khi Trung Quốc gia nhập WTO, có hàng triệu doanh nghiệp phá sản, hàng triệu người thất nghiệp, nhưng nền kinh tế nước này đã cất cánh thành công. Điều này khiến Mỹ và EU phải nhìn nhận hiện tượng Trung Quốc và Âận Độ. Nếu nói ở góc độ nào đó, chúng ta thường dùng từ "cơ hội và thách thức", hay nôm na hơn là "được và mất". Không nên tuyệt đối hoá nó. Cơ thể anh mạnh thì sẽ ít bệnh, còn cứ để nó yếu ớt thì nhiễm bệnh là tất yếu.

Vào WTO không có nghĩa là thương hiệu hàng hoá VN đứng vững trên thị trường. Nó sẽ tạo nên một cuộc chiến gay gắt để giành thị phần. WTO là một sân chơi với những luật lệ mà mọi người phải tuân theo. Nhưng sân chơi này cũng có những khu vực bình đẳng và bất bình đẳng. Hội nhập là dựa trên lợi ích quốc gia, lợi ích doanh nghiệp. Mục tiêu của WTO, của hội nhập là thuế quan ở mức 0%. VN đang gặp khó trong chuyện này, bởi có những điều cần phải cân nhắc. Đàm phán dựa trên cơ sở hiện thực, tính toán.

- Xin cảm ơn Đại sứ.

Phương Thuỷ thực hiện