Đạo Phật trong nghệ thuật của Shechet
Các Website khác - 26/03/2006
Đạo Phật trong nghệ thuật của Shechet
Lê Quang Vinh

Shechet là một gương mặt thành công ở thành phố New York (Mỹ) - nơi bà sống và làm việc với tư cách một giáo viên nghệ thuật và nghệ sĩ sáng tác. Trong các tác phẩm của bà luôn đầy ắp tư tưởng của đạo Phật. Bà còn là khách mời của các buổi thuyết trình ở nhiều nước trên thế giới.

Như một "đại sứ văn hoá", trong khuôn khổ "Chương trình nghệ thuật trong đại sứ quán" do Bộ Ngoại giao Mỹ tổ chức, nữ hoạ sĩ Arlene Judith Shechet đã tới Việt Nam giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm nghề nghiệp với giới hoạt động nghệ thuật ở Việt Nam.

Dễ thấy nét chủ đạo trong các tác phẩm của Shechet là tư tưởng của đạo Phật. Lý giải về ảnh hưởng đó trong sáng tác của mình, Shechet cho biết: "Khoảng 10 năm trước đây, khi đang thử nghiệm với thạch cao ướt, khối thạch cao mà tôi gom lại đã gây chú ý cho tôi bởi nó giống như hình ảnh Đức Phật. Mặc dù đã có những hiểu biết mang tính học thuật về đạo Phật, tôi vẫn tìm kiếm một cách nhìn nhận khác về việc làm nghệ thuật, giúp tôi gắn kết được những ý tưởng về sự giác ngộ của đạo Phật và sự phù du với những việc làm hàng ngày ở xưởng. Nghệ thuật Phật giáo đã cho tôi biết các sự tích cũng như dạy cho tôi rất nhiều về đạo Phật với tư cách vừa là môn triết học, vừa là một tôn giáo. Hình tượng Đức Phật đã làm tôi quan tâm tới các hình tháp, tới những đền chùa Phật giáo có cấu trúc hình tròn. Qua nghiên cứu, tôi nhận thấy mối quan hệ trực tiếp giữa các ngôi tháp với các hình vẽ về vũ trụ của Phật giáo".

Chính sức hút đó đã tạo nên chất men khi Shechet sáng tác, cho dù các tác phẩm được thể hiện trên giấy hoặc kết hợp giữa giấy ở dạng lỏng và men gốm, hoặc bằng thuỷ tinh. Mối quan tâm lớn của Shechet là gắn kết giữa nghề thủ công với nghệ thuật tạo hình, kết hợp giữa các mẫu hình truyền thống với các chất liệu, dựa trên cơ sở về quan niệm một không gian linh thiêng trong các ngôi tháp của Phật giáo.

Trong dự án "Xây dựng" (hợp tác với Bảo tàng Nghệ thuật Seattle và Đại học Washington), Shechet đã lựa chọn một số đồ vật trong bộ sưu tập của bảo tàng làm một phần trong cuộc triển lãm của mình và trong đó có một chiếc bình có từ thế kỷ XIII đến từ Việt Nam. Một loạt các lọ hình tháp mang dấu ấn Phật giáo đặt bên nhau là cách nhìn của Shechet về New York nhân sự kiện 11.9 thông qua hình thức làm mới.

Theo Shechet, bà đã tự đúc rút từ các thông tin và mô tả bằng hình tượng thành một câu chuyện cho cá nhân mình. Còn sự tích biểu đạt cho ý tưởng là không có gì tĩnh tại, tất cả mọi thứ đều là tạm thời và luôn biến đổi. Cách nghiên cứu thấu đáo, chỉn chu cùng với nhiều thử nghiệm đã khiến Shechet sáng tạo nên nhiều tác phẩm rất độc đáo, mang tính triết học của đạo Phật, phản ánh được cái tĩnh trong cái động và ngược lại của cuộc sống và dòng chảy bất tận của tâm hồn.

Sau một số hoạt động tại Hà Nội như góp tác phẩm "Những đôi mắt khác" (thể hiện bằng thạch cao, acrylic và da sơn - ảnh) vào triển lãm tranh trong nhà riêng Đại sứ Mỹ, giảng bài ở Đại học Mỹ thuật Hà Nội, gặp gỡ các nghệ sĩ trẻ tại chương trình do Đại sứ quán Mỹ, Quỹ Dong Son Today và Ryllega Gallery tổ chức ở "Nhà sàn Nguyễn Mạnh Đức", nữ hoạ sĩ Shechet vào thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 25.3 để tiến hành một số cuộc giao lưu tương tự.