Indonesia: Căng thẳng khi giá xăng dầu sắp tăng 50%
Các Website khác - 30/09/2005
Indonesia: Căng thẳng khi giá xăng dầu sắp tăng 50%

Bầu không khí ở Indonesia đang rất căng thẳng trước tin chính phủ sẽ tăng giá xăng dầu lên ít nhất 50%, kể từ ngày 1.10. Cảnh sát lo ngại làn sóng biểu tình phản đối trên toàn quốc rất có thể sẽ dẫn tới tình trạng hỗn loạn vô chính phủ như từng xảy ra trước đây.

Nhiều người rồng rắn xếp hàng tại
các trạm xăng ở Indonesia.
Thùng thuốc súng
Theo tuyên bố của các nhóm hoạt động sinh viên, công đoàn, cánh tả và Hồi giáo cực đoan, thì một làn sóng biểu tình phản đối quy mô lớn đã được lên kế hoạch diễn ra trong hai ngày 29 và 30.9. Trong đó lớn nhất là cuộc tuần hành huy động tới 15.000 người thuộc 90 nhóm hoạt động, tiến tới dinh Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono tại thủ đô Jakarta trong ngày 29.9, để tăng cường sức ép.

Trước đó, trong các ngày 27-28.9 đã xảy ra một số cuộc biểu tình phản đối quy mô nhỏ, song không gây bạo động tại một số thành phố, bao gồm một cuộc biểu tình có gần 200 người tham gia bên ngoài dinh tổng thống.

Để chuẩn bị đối phó với những tình huống xấu, riêng tại Jakarta cảnh sát đã huy động 5.500 nhân viên triển khai bảo vệ quanh các vị trí xung yếu nhất như dinh tổng thống, trụ sở quốc hội, khu phố Hoa kiều...

Cùng lúc, các đội rà phá bom mìn được đặt trong tình trạng sẵn sàng chờ lệnh và cảnh sát được báo động về khả năng những người biểu tình bắt cóc các quan chức của hãng dầu khí quốc doanh Pertamina... Trước đó, Đại sứ quán Mỹ tại Jakarta cũng đã gửi thông điệp qua mạng Internet, cảnh báo công dân nước mình tránh xa những địa điểm xảy ra biểu tình để phòng tình huống bất trắc.

Còn về phía dân chúng, theo tin tức báo chí, tình trạng quá tải xảy ra ở hầu khắp các trạm bán xăng dầu trên toàn quốc, với cảnh những hàng người và xe dài dằng dặc nối đuôi nhau kiên nhẫn chờ bên ngoài, trong khi một số nơi thông báo không còn hàng để bán. Hôm 27.9, một kho hàng của Pertamina trên đảo Borneo phải ngừng hoạt động trong vài giờ vì bị đe doạ đánh bom...

Hậu quả khó lường
Tuy chưa có dự đoán nào về khả năng lật đổ được đưa ra, song thực tế ở Indonesia cho thấy đợt tăng giá xăng dầu đột biến hồi tháng 5.1998 đã là một nhân tố gây ra tình trạng hỗn loạn, dẫn tới sự ra đi của tổng thống hồi đó là ông Suharto. Hồi tháng 1.2003, tổng thống khi đó là bà Megawati Soekarnoputri cũng đã buộc phải rút lại kế hoạch tăng giá, do lo ngại làn sóng biểu tình có thể bùng phát thành bạo lực.

Song lần này, trước sức ép của xu hướng tăng giá dầu lửa trên thế giới, tháng 3 vừa qua, Tổng thống Yudhoyono vẫn buộc phải công bố tăng giá nhiên liệu 29%, với lời hứa đây là đợt tăng giá cuối cùng trong năm nay (?). Một số cuộc biểu tình phản đối đã diễn ra, song may mắn là tình hình sau đó đã lắng dịu.

Thời điểm của đợt tăng giá quá lớn này, theo giới phân tích, là rất nhạy cảm bởi diễn ra ngay trước tháng ăn chay Ramadan của người Hồi giáo (bắt đầu từ 3 hoặc 4.10), khiến tính chất phức tạp và khó dự đoán càng tăng gấp bội. Dù từ tuần trước, Tổng thống Yudhoyono đã lên tiếng giải thích về sự cần thiết phải tăng giá nhiên liệu và thúc giục người dân duy trì trật tự.

Lý giải hiện tượng này, một số nhà kinh tế nói, trước áp lực của cuộc khủng hoảng ngân sách với mức chi phí cho trợ giá xăng dầu chiếm tới gần 1/5, rõ ràng ông Yudhoyono chẳng còn lựa chọn nào khác ngoại trừ cách tập cho người dân Indonesia dần tách khỏi chế độ trợ giá xăng dầu, khiến họ được hưởng giá nhiên liệu rẻ nhất Châu Á. M

ặt khác, tuy là một trong những nước sản xuất và xuất khẩu dầu lửa thuộc OPEC, song gần đây Indonesia đã buộc phải nhập khẩu dầu và đà sụt giá thê thảm của đồng rupiah đã buộc các nhà kinh doanh phải tiếp tục mua USD để chi trả khoản chi phí xăng dầu đã trở nên rất đắt đỏ. Lựa chọn tăng giá của ông Yudhoyono sẽ đi đến đâu còn là câu hỏi lớn.

T.B (Theo Reuters, BBC)