Khi thời hạn chót đã hết ở Serbia
Goran Vasiljevic từ Belgrade, viết riêng cho Lao Động Chính trường Serbia trở nên hết sức nóng bỏng ngay từ đầu tháng 5, với quyết định của Liên minh Châu Âu (EU) chấm dứt các cuộc thương thuyết về việc gia nhập EU đối với Serbia và Montenegro. Lý do của quyết định này là Serbia không dẫn độ tướng Ratko Mladic ra Toà án Hình sự Quốc tế The Hague theo đúng thời hạn chót như đã hứa vào ngày 1.5. Dồn vào chân tường?
 | Tướng Mladic đang bị chính quyền Serbia tìm kiếm để giao nộp cho Toà án The Hague. | Việc EU ngừng thương thuyết với Serbia và Montenegro được Cao uỷ phụ trách việc mở rộng EU Olli Rehn thông báo tại một cuộc họp báo đặc biệt ở Brussels, Bỉ hôm 3.5. Ông Rehn cho rằng, các báo cáo tiêu cực của Công tố viên trưởng The Hague, bà Carla del Ponte, là yếu tố quan trọng để EU ra quyết định này. "Bà Ponte rất thất vọng với thái độ và tất cả những gì mà Belgrade đã làm. Chúng tôi cũng vậy. Sự thật là Chính phủ Serbia đã không thể xác định Ratko Mladic đang lẩn trốn ở đâu, cho dù họ có nhiều thời gian và cơ hội để làm điều đó như đã hứa với The Hague. Và thời hạn chót cuối tháng 4 đã không được tuân thủ nghiêm túc" - ông Rehn nói.
Bà Carla del Ponte thì tuyên bố cụ thể hơn: "Tôi đã nhiều lần cảnh báo chính quyền Serbia cần phải xây dựng và hợp tác hơn với The Hague. Mỗi lần tôi hỏi kết quả thì họ đều trả lời giống nhau. Ngay cả khi thời hạn chót để giao nộp Ratko Mladic đã hết, câu trả lời vẫn là: "Không biết ông ta ở đâu". Tôi chắc chắn Serbia biết rõ, thậm chí biết trước 10 ngày chỗ ở của Ratko Mladic".
Những thông tin mới nhất từ The Hague và EU đã đặt Serbia dưới một áp lực mới và không rõ điều gì sẽ xảy ra trong tương lai. Trưởng đoàn đàm phán của Serbia, Phó Tổng thống Miroljub Labus đã lập tức nộp đơn từ chức ngay khi vừa trở về từ Brussels. "Chúng tôi đã không thành công trong đàm phán với EU và tôi phải chịu trách nhiệm" - ông giải thích. Tuy nhiên, ông Labus nhấn mạnh: "Việc bà Carla del Ponte khẳng định chúng tôi biết trước 10 ngày về nơi ẩn náu của tướng Mladic là hoàn toàn sai. Chúng tôi đang cố gắng tìm ông ta khắp nơi. Serbia không phải là con tin của một vị tướng" - ông Labus nói.
Người dân trở thành nạn nhân Thủ tướng Serbia Vojislav Kostunica hôm 3.5 tỏ ra không quá ngạc nhiên với quyết định của EU: "Tôi đã khẳng định nhiều lần về mối ưu tiên và tầm quan trọng của việc hợp tác với The Hague. Chính phủ Serbia đã làm tất cả để bắt giữ tướng Mladic. Làm sao mà ai đó lại nói rằng chúng tôi không hợp tác. Điều đó hoàn toàn không đúng". Ông Kostunica bức xúc nói thêm rằng, hàng loạt người giúp đỡ ông Mladic ẩn náu đã bị bắt giữ và vị tướng này đã bị cắt đứt toàn bộ các nguồn giúp đỡ. Nhưng không dễ tìm ra Mladic bởi ông là một chiến binh.
Theo Thủ tướng Kostunica, giờ đây người dân Serbia chính là nạn nhân trong quyết định của EU. "Chưa từng xảy ra trong lịch sử việc người dân trở thành nạn nhân vì một quan chức đang lẩn trốn" - ông nhấn mạnh.
Trước đó, các đảng phái chính trị đối lập, trong đó có Đảng Dân chủ mà chủ tịch đảng này chính là Tổng thống Serbia Boris Tadic, đã nhiều lần yêu cầu Thủ tướng Kostunica từ chức và tổ chức bầu cử lại. Liệu diễn biến mới nhất trên có phá vỡ thế bế tắc và mang lại sự ổn định mới ở Serbia hay không?
Huỷ bỏ hay là đình chỉ "Tốt hơn là đàm phán không nên bị gián đoạn. Nhưng nếu nó đã xảy ra thì chúng ta phải chấp nhận và tìm cách giải quyết" - Thủ tướng Kostunica đã nói sau quyết định của EU. Theo lời của Cao uỷ EU Olli Rehn, đàm phán sẽ tạm ngừng cho đến khi Serbia giao nộp tướng Mladic cho The Hague. Nhưng cũng có người quả quyết rằng các cuộc thương thuyết đã bị đình chỉ hẳn.
Mùa xuân ở Serbia đang diễn ra nóng hơn thường lệ khi gần đến ngày trưng cầu dân ý về độc lập ở Montenegro hôm 21.5 và những cuộc đàm phán đầy khó khăn về trạng thái tương lai của Kosovo và Metohia, mà theo kế hoạch là phải kết thúc trong năm nay. Trí Minh dịch |