Những điều vô lý có thật ở cường quốc "Hoa hậu"
Các Website khác - 12/09/2008
 Bấy lâu nay, người ta thường hay ví khu vực Nam Mỹ như cô gái da đỏ tràn đầy sức sống, có vẻ đẹp của nền văn minh châu Âu pha chút hoang sơ của rừng thiêng núi hiểm, vì vậy dễ làm say đắm lòng người.

Còn trong chính trị và kinh tế, ai cũng biết từ nhiều thập kỷ nay, khu vực Nam Mỹ được coi là "sân sau" của Mỹ nhưng hiện giờ, "sân sau" này không còn là nơi Mỹ có thể tự do cày xới nữa.

Nam Mỹ, vùng đất vẫn chứa vô vàn những điều kỳ lạ và chúng ta hãy bắt đầu từ Venezuela.

Gọi Venezuela là cường quốc "Hoa hậu" xem ra cũng không có gì là quá bởi lẽ từ khoảng 20 năm trở lại đây, đất nước này đã có 5 cô gái được vinh danh Hoa hậu Thế giới, 5 cô đoạt danh hiệu Hoa hậu Hoàn vũ và 5 cô đoạt Hoa hậu Quốc tế. Người được tôn vinh hoa hậu ở Venezuela được cả xã hội yêu quý và kính trọng bởi chính họ đã làm cho đất nước này thêm nổi tiếng. Vì vậy năm 1998, bà Iren Caer đã ra tranh cử tổng thống với ông Hugo Chavez.

Không chỉ là "cường quốc hoa hậu", Venezuela còn là cường quốc về dầu mỏ với sản lượng khai thác hiện nay là 1 triệu thùng mỗi ngày. Và là quốc gia có thu nhập đứng hàng thứ 5 ở châu Mỹ. Nhưng ở đất nước này còn chứa đựng nhiều điều vô lý... mà những điều vô lý ấy, nếu không mắt thấy tai nghe, thậm chí phải trả giá, thì không thể tin nổi.

Sau gần 10 giờ bay từ Frankfurt (Đức), chúng tôi đến thủ đô Caracas của Venezuela. Từ trên máy bay nhìn xuống, thủ đô Caracas nom thật quyến rũ với những tòa nhà chọc trời nằm trên các triền núi chạy dọc ven biển. Sân bay Caracas nằm ngay sát bờ biển. Chỉ cần nhìn những khu đỗ máy bay loại nhỏ từ 20 chỗ ngồi trở xuống xếp hàng dày đặc, những khu chứa du thuyền sang trọng thì cũng đủ biết các "đại gia" ở Venezuela nhiều như thế nào.

Một góc thủ đô Caracas

Phong cảnh Caracas nhìn từ trên độ cao 3.000 mét thật nên thơ và lãng mạn. Nhưng chỉ ít phút sau, khi đặt chân xuống nhà ga thì tất cả cảm giác "bay bổng" mà ta có được trên máy bay trước đó bỗng biến mất.

Khu nhà ga "khách đến" chật như nêm cối và dòng người xếp hàng rồng rắn chờ làm thủ tục nhập cảnh. Mà ở đây, tất cả mọi người từ đâu nhập cảnh đến cũng phải xếp hàng, không có cửa dành cho người có hộ chiếu đỏ hay khách có vé VIP. Bình thường, bạn phải mất chí ít là nửa giờ đồng hồ để qua được "cửa ải" đầu tiên và phải đối mặt với cái nhìn soi mói, nghi ngờ của nhân viên an ninh cửa khẩu.

Đoàn chúng tôi thì không phải chờ lâu vì Đại sứ Việt Nam tại Venezuela Trần Tấn Huân và các cán bộ của Văn phòng đại diện Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam tại đây đã "có nhời" trước. Trong khi đó, ông Đại sứ Venezuela vẫn kiên nhẫn xếp hàng và hẹn gặp lại anh Đinh La Thăng Chủ tịch Hội đồng Quản trị Petro Việt Nam vào ngày hôm sau tại hội trường Bộ Năng lượng và Dầu khí Venezuela.

Nhưng cảnh tượng thực sự hãi hùng là khi vào khu vực lấy hành lý gửi. Đầu tiên là phải ra... xếp hàng để chờ lấy xe đẩy. Chẳng hiểu sao ở sân bay lớn như thế này với mật độ máy bay lên xuống gần 300 lượt chiếc mỗi ngày lại thiếu xe đẩy hành lý trầm trọng đến thế. Dòng người xếp hàng chờ lấy xe đẩy dài có đến 50 mét và phải ít nhất sau 3 phút mới có một người được nhận xe đẩy.

Nếu bạn là người thuộc tiếng Tây Ban Nha thì sau khi ra khỏi cửa nhập cảnh, cần "ba chân bốn cẳng" chạy đến chỗ xếp hàng lấy xe đẩy trước rồi sau đó "gửi" chờ cho người đứng sau mình rồi hãy đi ra lấy hành lý. Còn nếu lấy hành lý xong mới đi xếp hàng lấy xe thì ăn chắc là mất thêm 1 giờ nữa. Có được chiếc xe đẩy, chất hành lý lên xong thì lại ra xếp hàng đi chờ... khám. Tất cả hành lý đều phải qua máy soi và nếu phát hiện có điều gì bất thường, nhân viên hải quan không ngại ngần bắt bạn phải dở tung ra để kiểm tra. Nhanh ra bạn phải mất thêm bét nhất nửa giờ thì mới xong hết các thủ tục và ra khỏi nhà ga.

Ngồi trên xe có điều hòa mát rượi và phóng trên đường cao tốc với tốc độ chừng gần 100km/giờ, ai cũng nghĩ là yên ổn, nhưng hóa ra mọi sự vất vả, khốn khổ vẫn đang còn ở phía trước. Mà lúc này nếu gặp phải nỗi khổ đó, bạn chỉ còn một cách học chữ... "nhẫn" - đó là nạn tắc đường.

Có lẽ chính vì biết sẽ tắc đường cho nên Tập đoàn Dầu khí Venezuela (PDVSA) đã thuê hai nhân viên cảnh sát đi xe để dẫn đoàn. Thoạt tưởng hai người phóng môtô phân khối lớn đi trước, chúng tôi ngạc nhiên vì một người trong số họ trông như gã chạy xe ôm bởi cách ăn mặc lạ lùng: áo giắc-két, quần bò, mũ bảo hiểm nom như mũ sắt... Còn một người kia thì mặc áo cảnh sát và để lòi ra bên hông khẩu súng ngắn côn cối xay.

Đã thế, xe môtô cũng chẳng có còi, đèn ưu tiên... nhưng cứ đến mỗi ngã ba, ngã tư, nhân viên cảnh sát lập tức phóng nhanh lên trước và chặn dòng xe từ hướng bên lại để cho đoàn chúng tôi vượt qua. Còn trên đường, họ không dùng quyền ưu tiên để bắt các xe đi cùng chiều dạt sang phải, nhường đường cho đoàn.

Càng đi vào trung tâm thành phố, đường sá cứ như nút lại dần và có lúc dòng xe xếp hàng dài hàng cây số trên đường một chiều mà có 3 làn xe. Để có đường cho chúng tôi đi, hai cảnh sát phải trổ hết tài lượn lách, "đánh võng", thậm chí leo lên cả vỉa hè chặn xe... còn các dòng xe đi ngược chiều hoặc từ các ngả cũng chạy "láo" không kém gì kiểu đi xe máy của dân xứ Việt Nam ta.

Cũng chèn ép cũng tạt đầu và khái niệm "nhường nhịn" hình như không có chỗ đứng ở đây. Xe đông, mà hầu hết là các loại xe 4 chỗ, 7 chỗ nhưng có vóc dáng bề thế. Loại xe Ford Expedition (như kiểu xe Bộ Công an Việt Nam nhập về để làm nhiệm vụ bảo vệ cho các nguyên thủ quốc gia Hội nghị APEC 14) chạy nhan nhản trên đường. Những loại xe kiểu như "Matiz", "Kia morning" thì cực kỳ ít. Hỏi ra mới biết ở Venezuela, không hề có khái niệm "tiết kiệm năng lượng".

Caracas1
Bến đỗ du thuyền ở Caracas

Giá xăng bán ở đây có lẽ là rẻ nhất thế giới: 1USD được 26 lít xăng loại A95! Thật đúng là điều vô lý mà có thật. Cũng phải thôi, mỗi ngày lòng đất của Venezuela phun lên cho 26,5 triệu người dân 1 triệu thùng dầu. Dầu mỏ mang lại hơn 1/3 tổng sản lượng quốc dân cho Venezuela và là loại vũ khí rất có hiệu quả khiến nhiều cường quốc như Mỹ phải gườm.

Dầu mỏ ở Venezuela được phát hiện từ năm 1930 tại vùng châu thổ sông Orinoco và khu vực hồ Maracaibo. Từ đó, quốc gia này đã phát triển nhanh chóng và suốt từ năm 1950 đến 1980, Venezuela là một cường quốc kinh tế ở Nam Mỹ. Nhưng rồi sau đó, dưới sự giật dây của các sát thủ kinh tế, và giá dầu thế giới giảm chính quyền thân Mỹ của Venezuela đã đẩy đất nước vào khủng hoảng điêu đứng (vấn đề này chúng tôi sẽ đề cập đến trong số báo tới).

Đoàn chúng tôi về đến khách sạn Gran Melia thì trời đã xâm xẩm tối. Đây là một khách sạn lớn ở Caracas, phòng ốc rất đẹp, bài trí lịch sự,có một bông hoa hồng và 2 viên kẹo sôcôla để đầu giường (thật lãng mạn quá). Nhưng điều ngạc nhiên đầu tiên của chúng tôi là tủ lạnh trong phòng được khóa chặt và tất nhiên là nước nóng không có, nước lạnh cũng không. Hỏi xuống lễ tân thì được câu trả lời lễ phép rằng: Muốn sử dụng đồ uống trong tủ phải mang thẻ tín dụng điện tử xuống lễ tân... đặt cọc. Còn muốn đặt cọc bằng tiền mặt thì không được (đặc biệt là đôla Mỹ).

Nếu quý khách khát nước, thì cứ việc uống nước ở vòi. Đảm bảo nước máy ở đây... vô trùng! Thôi thì cũng phải uống chứ biết làm sao bây giờ. Cốc nước vừa lên miệng đã như bị ai đấm vào họng bởi mùi Clo sát trùng bốc lên nồng nặc... Thật quái gở, một khách sạn sang như thế này mà lại sợ khách ăn quịt hay sao mà đến tủ lạnh cũng phải khóa. Lại một điều vô lý nữa.

Hôm sau, quen thói như ở các khách sạn khác, chúng tôi kéo nhau đi ăn sáng. Nhân viên đón tiếp rất niềm nở và trong phòng ăn khá nhiều đồ ăn thức uống! Nhưng chưa uống hết ly cà phê thì nhân viên đã mang đến hóa đơn tính tiền mà quy đổi ra là... 41USD. Hóa ra là khách sạn này thu tiền ăn sáng bên ngoài tiền phòng. Trời ạ, 41USD cho một bữa ăn sáng. Thật vô lý hết chỗ nói! Thôi thì đã trót thì phải chét, cũng cố mà ăn cho... bõ tức!

Không thấy Chủ tịch Hội đồng quản trị Đinh La Thăng và một số cộng sự đâu, tôi bèn lên buồng hỏi, thì thấy các "quý khách" đang xơi mì ăn liền mang từ Việt Nam đi. Hóa ra là đã biết từ trước nên "quân dầu khí" chuẩn bị rất chu đáo đồ ăn thức uống (mà chủ yếu là mì ăn liền, thịt hộp) cùng với ấm điện siêu tốc, đũa, bát, tăm tre... Tất nhiên là từ sau hôm đó, không ai dám bén mảng xuống nhà hàng ăn sáng nữa.

Còn cái thân tôi cũng bị trả giá cho sự vô lý ấy. Chả hiểu lú lẫn thế nào mà khi đi lại quên mang sổ công tác. Vậy là phải đến siêu thị ngay bên cạnh khách sạn mua. Theo đúng bài bản nhà trường dạy phóng viên là hãy chuẩn bị 3 quyển sổ: một quyển to để ghi chép khi làm việc chính thức với ai đó, một quyển nhỏ để ghi chép cá nhân, một quyển nhỏ đút túi áo để dành ghi những điều bất chợt nghe được, thấy được, sờ được. Tôi chọn được 3 quyển sổ tay đóng gáy bằng lò xo và 2 chiếc bút bi. Không thấy đề giá cả cho nên cũng nghĩ "chả đáng là bao".

Tôi hiên ngang đi ra thanh toán. Và thật không thể tin vào mắt mình khi thấy hóa đơn ghi rõ ràng là 155 Bolivar, quy đổi theo tỉ giá 2,5 là 54USD. Trời ạ, muốn trả lại thì không được nên phải nghiến răng móc túi. Nhưng chưa xong, nhân viên thu tiền đòi phải xuất trình hộ chiếu... Nhưng tôi không mang theo và chỉ cầu mong họ không cho mua. Thấy tôi cầm theo chìa khóa khách sạn, cô nhân viên thu tiền cao đến gần mét tám, có đôi chân thẳng tưng như thước kẻ liền chạy vào hỏi người phụ trách. Và 5 phút sau, cô ta chạy ra, "chấp nhận" cho tôi được thanh toán.

Khi tôi "khoe" với mọi người trong đoàn về 3 quyển sổ và 2 cái bút thì hóa ra không phải riêng tôi phải trả giá mà cũng có mấy người khác bị "ăn đòn" khi ra siêu thị mua mấy thứ lặt vặt.

Một anh trong đoàn gọi nhân viên mang cho một phích nước sôi để làm mì ăn liền thì được nhận hóa đơn thanh toán là... 20USD.

Có anh gọi nhân viên ủi cho 1 chiếc áo sơmi và cũng phải trả giá 20USD.

Và có người thì đau đớn khi phải trả 100USD cho một chiếc quần dài được nhân viên giặt, ủi sạch sẽ phẳng phiu...

Giá cả ở Venezuela thật đúng là kỳ lạ nhất thế giới. Giá dịch vụ ở đây đặc biệt đắt đỏ và nếu ai mới đến thế nào cũng bị trả giá.

Caracas2
Những loại nhà thế này không thiếu ở Caracas

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam mở văn phòng tại Caracas và mua luôn một biệt thự làm nơi trú ngụ cho anh em. Tòa nhà hai tầng đẹp tuyệt vời, có hồ bơi, có phòng tập thể dục, có sân vườn... rộng hơn 2.000m2, lại nằm trong khu phố đẹp nhất Caracas, vậy mà giá chỉ bằng một căn hộ hàng xoàng ở Ciputra Hà Nội. Ai đến cũng phải kinh ngạc bởi giá rẻ giật mình. Nhưng khi hỏng một chiếc máy bơm nước, phải gọi thợ đến sửa chữa thì tiền công thanh toán đủ mua... hai chiếc bơm mới. Gạo anh em phải mua về ăn có giá  11USD/kg, thịt bò 15 USD/kg; 10 USD được một mớ rau cải đủ cho 3 người ăn... nhường nhau.

Đi làm việc, nếu đưa ôtô vào gara trong tầng hầm thì hãy vui vẻ trả 20USD  cho mỗi một phần tư giờ. Quả thật, có sang tận nơi thì mới biết cán bộ sứ quán ta và anh em dầu khí ở đây đã phải sống trong hoàn cảnh đó như thế nào.

Nhưng, những sự vô lý đấy chưa phải là khó khăn duy nhất cho người mới đến.

Theo Nguyễn Như Phong
anninhthegioi