Ông bà Kofi Annan tôn vinh sự học
Các Website khác - 26/05/2006
Ông bà Kofi Annan tôn vinh sự học

Chương trình thăm các địa chỉ văn hoá Hà Nội của ông bà Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc ngày 25.5 bắt đầu bằng cuộc đi thăm đền Ngọc Sơn cổ kính. Không mặc lễ phục, chỉ vận chiếc áo sơmi kẻ xanh trắng giản dị, ông Kofi Annan và vợ, tay trong tay, tới thăm phố cổ Hàng Gai và mua sắm một vài món đồ lụa, rồi đến Văn Miếu - Quốc Tử Giám - trường đại học đầu tiên của Việt Nam.

Tổng Thư ký LHQ Kofi Annan cùng
phu nhân đánh thử đàn Krôngpút
(chụp ngày 25.5 tại Văn miếu -
Quốc Tử Giám).

Nhiều khách du lịch nước ngoài trong Văn Miếu rất thích thú khi nhận ra ông Kofi Annan có mặt tại Hà Nội. Được đón tiếp ở cổng chính xong, ông Annan bước tiếp vào cổng Thành Đức, Đạt Tài, Đại Trung. Ông hóm hỉnh hỏi anh Nguyễn Văn Tú, hướng dẫn viên của khu di tích: "Ta đi cổng Đức hay cổng Tài?", anh Tú trả lời ngay: "Đi cổng giữa, thì có cả Đức lẫn Tài".

Ông bà Annan và những người đi cùng dừng ở Khuê Văn Các chụp ảnh. Ông bà đã chăm chú nghe thuyết minh về biểu tượng sao Khuê, về 82 tấm bia đá trên lưng rùa ghi tên các vị khoa bảng các triều vua Việt Nam.

Vào nhà Bái đường trong Điện Đại Thành, anh Tú hướng dẫn viên nói với ông Annan: Khi thắp hương, ông hãy ước một điều gì đó. Tổng Thư ký và phu nhân đã dâng hương lên "người thầy tiêu biểu của muôn đời" - Khổng Tử, và các vị tiên thánh, tiên hiền.

Ông Kofi Annan cùng phu
nhân nghe giới thiệu về
Khuê Văn Các.

Trong nhà Thái Học, anh Tú giới thiệu với Tổng Thư ký Kofi Annan và phu nhân về Chu Văn An - người được suy tôn là Thánh học Việt Nam. Ông cũng lên thăm nơi thờ 3 vị vua Lý Thánh Tông, Lý Nhân Tông, Lê Thánh Tông - những người đã quyết định xây dựng Văn Miếu - Quốc Tử Giám và cho dựng văn bia tiến sĩ.

Ông Annan hỏi anh Tú: "Liệu tôi và vợ tôi có thể trở thành sinh viên ở đây, trường đại học lâu đời nhất của Việt Nam?". Có lẽ chính vì sự tôn kính với truyền thống học hành của người Việt Nam, ông Annan ghi vào sổ lưu niệm: "Rất tĩnh lặng và bình yên. Một nơi tuyệt vời cho sinh viên". Còn bà Nane viết: "Chúng ta mãi là sinh viên".

Vợ chồng Tổng Thư ký đã được mời đánh thử chiếc trống Sấm đặt bên ngoài nhà Thái Học, chiếc trống được làm trong dịp kỷ niệm 990 năm Thăng Long. Nghe một vài bản nhạc dân tộc Việt Nam biểu diễn trên các nhạc cụ tre trúc rồi, ông bà thử chơi đàn Krôngpút - loại đàn của người Tây Nguyên ghép từ nhiều ống tre với những âm thanh âm vang. Món quà lưu niệm là biểu tượng Văn Miếu cùng hai cuốn sách giới thiệu nhỏ, những chiếc quạt giấy, làm cả ông bà và người vệ sĩ cao lớn đi cùng rất thích thú.

Ông Kofi Annan đánh trống sấm
bên ngoài Nhà Thái học.
Theo lời các cán bộ ngoại giao đi theo chương trình, ông bà Annan đã muốn có sự yên tĩnh. Nhưng sự yên tĩnh đó thật khó khăn, bởi cánh phóng viên không thể bỏ qua cơ hội "nhà lãnh đạo thế giới" đến thăm Việt Nam. Có lẽ vì vậy, chiều 25.5, lịch thăm Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam của ông bà đã được thay đổi bất ngờ, được đẩy lên sớm hơn so với dự kiến, và chỉ có bà Nane đến bảo tàng.

Biết về sự đa dạng của văn hoá các dân tộc Việt Nam, bà Nane ghi bút tích: "Tôi rất vui khi được tới đây và thăm di sản văn hoá phong phú của người Việt Nam, được biết rằng trẻ em cũng đến đây để học và hiểu chính mình".

Mỹ Hằng