Phải cải thiện việc điều phối cứu trợ nạn nhân động đất
Các Website khác - 31/05/2006
Tổng thống Indonesia:
Phải cải thiện việc điều phối cứu trợ nạn nhân động đất

Máy bay chở hàng cứu trợ cho các nạn nhân động đất Indonesia từ khắp nơi trên thế giới đã thay nhau hạ cánh ở sân bay Yogyakarta từ sáng 30.5. Sân bay ở đây đã mở cửa trở lại cho các chuyến bay thương mại, dù sân bay cũng bị hư hại nặng nề.

Binh lính nước láng giềng Singapore
đến giúp cứu hộ nạn nhân.
Các quan chức LHQ cho biết, ít nhất 22 nước đã hưởng ứng lời kêu gọi cứu trợ của Indonesia bằng các chuyến hàng hoặc các cam kết viện trợ. Tuy nhiên, với nhiều nạn nhân, sự giúp đỡ này vẫn còn rất xa xôi.

Ở thị trấn Bantul - nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất, phóng viên Hãng tin AP (Mỹ) đã gặp Jumadi và hai cậu con trai chân đất xin tiền các tay lái môtô chạy qua. "Làng chúng tôi có rất nhiều nạn nhân. Tất cả nhà cửa bị phá huỷ. Chúng tôi chưa nhận được sự giúp đỡ của chính phủ" - Jumadi nói.

Đến trưa 30.5, số người chết vì động đất đã tăng tới 5.482 người. Hơn 130 nghìn người mất nhà cửa. Nhiều người không có chỗ trú ẩn và đồ ăn thức uống. Siwo Sudarmo - một người dân ở ngoại ô Yogyakarta, nói: "Tôi rất buồn. Chúng tôi chưa nhận được sự giúp đỡ nào. Chúng tôi phải tự làm lều trú ẩn. Còn muốn nhận lều của chính phủ, phải điền vào một tờ đơn. Ngày nào xe tải chở hàng mang theo tấm biển "hàng viện trợ động đất" cũng chạy qua, nhưng chúng tôi không thể nào dừng xe lại được".

Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono, sau khi chuyển văn phòng tạm thời đến Yogyakarta, đã nêu quyết tâm rằng tất cả hàng cứu trợ phải được chia sẻ cho các nạn nhân. Tình trạng tham nhũng ở Indonesia khiến nhiều người e ngại, nhưng ông Yudhoyono cam kết: "Tôi đã yêu cầu các quan chức, và điều đó đã được thực hiện, rằng chúng ta phải duy trì sự minh bạch và trách nhiệm. Không được sử dụng sai dù chỉ một dollar".

Sau khi tới Bantul, ông quyết định phải cải thiện việc điều phối hàng viện trợ. Ông cho biết thêm, chính phủ đã dành một quỹ cứu trợ 100 tỉ rupiah (10,86 triệu USD) từ nay cho đến tháng tám. Năm tái thiết và tái định cư sẽ bắt đầu sau tháng tám, và sẽ tiêu tốn của chính phủ khoảng 1,1 nghìn tỉ rupiah.

Theo Phó Thủ tướng Jusuf Kalla, mỗi người sống sót sẽ được 200 nghìn rupiah (21 USD) để mua quần áo và các vật dụng thiết yếu, mỗi gia đình sẽ được nhận 12kg gạo. Mọi người sẽ được đền bù vì nhà cửa hư hỏng.

Bộ Y tế Indonesia, ngoài nỗ lực cứu chữa nạn nhân, cũng kiểm soát rất sát sao nhằm ngăn ngừa nguy cơ dịch bệnh. Người ta cũng đang lo ngại núi lửa Merapi gần Yogyakarta có thể tăng cường hoạt động. Nhưng một chuyên gia về Merapi cho biết, hoạt động của núi lửa Merapi ngày 30.5 lại khá yếu so với hôm trước đó, trong ngày tro bụi nóng chỉ phun ra trong phạm vi tối đa 3km.

V.N tổng hợp