Tờ New York Times đối đầu với chính quyền Bush
Các Website khác - 28/06/2006
Tờ New York Times đối đầu với chính quyền Bush

Một lần nữa công bố các hoạt động mà Chính phủ Mỹ đang giấu nhẹm, tờ New York Times (NYT) đã bị kết tội phản quốc. Nhưng NYT khẳng định, họ xem lợi ích của công dân và tính trách nhiệm là quan trọng hơn cả. Cuộc tranh luận về tự do báo chí ở Mỹ đang dấy lên mạnh mẽ xung quanh vụ này.

NYT là một trong những nhật báo
lớn nhất và được nhiều người đọc
nhất ở Mỹ.

Kẻ phản quốc?

Trong một số báo cuối tuần trước, NYT đã tiết lộ một thông tin chấn động: Sau vụ khủng bố 11.9, Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) và Bộ Ngân khố Mỹ đã được quyền theo dõi các tài liệu về hàng triệu giao dịch tài chính trên thế giới. Chính phủ đã sử dụng những mệnh lệnh hành chính để tiếp cận một cơ sở dữ liệu tài chính quốc tế do Cty SWIFT tại Bỉ quản lý, qua đó giám sát 11 triệu giao dịch mỗi ngày ở 7.800 ngân hàng và hàng trăm tổ chức tài chính khác tại 200 nước.

Tờ báo cũng nói rằng, việc này đã góp phần giúp chính quyền bắt giữ một số thành viên tổ chức khủng bố Al-Qaeda. Sau NYT, các báo Los Angeles Times (LAT) và Wall Street Journal cũng đưa tin tương tự.

Đây không phải vụ đối đầu đầu tiên giữa NYT với chính quyền. NYT đã bị cho là có "thành tích" từ lâu về việc chống đối Tổng thống Bush. Tháng 12.2005, chính NYT cũng đã tiết lộ một bí mật khác: Chính phủ đã cho phép nghe lén điện thoại và đọc trộm thư điện tử của công dân Mỹ. Loạt bài năm ngoái đã được giải thưởng báo chí uy tín Pulitzer.

Phát biểu hôm 26.6, Tổng thống Mỹ Bush tất nhiên đứng về phía CIA và Bộ Tư pháp. Ông nói rằng, NYT và LAT đã cản trở cuộc chiến chống khủng bố, kế hoạch theo dõi các giao dịch tiền bạc là điều cần làm, còn việc tiết lộ kế hoạch này mới là "sự hổ thẹn", là gây tổn hại cho người Mỹ. Hơn nữa, kế hoạch giám sát tài chính là hợp pháp và được Quốc hội biết rõ.

Phó Tổng thống Mỹ Dick Cheney thì nhấn mạnh, NYT đã hai lần tiết lộ các chương trình bí mật của chính quyền, bất chấp lời can gián của các quan chức. Theo ông, báo chí Mỹ, đặc biệt là NYT, đã làm cho cuộc chiến chống khủng bố trở nên khó khăn hơn.

Gay gắt nhất là Hạ nghị sĩ Cộng hoà Peter King, Chủ tịch Uỷ ban An ninh Nội địa của Hạ viện Mỹ. Ông cho rằng cần truy tố NYT, các phóng viên, biên tập viên, người cho xuất bản bài báo này: "Tờ báo đã đặt sự ngạo mạn, sự tả khuynh của mình lên trên cả lợi ích của người dân Mỹ".

Bộ trưởng Ngân khố John Snow, trong một bức thư gửi NYT, cho biết, hai tháng qua, ông và các quan chức chính quyền khác đã tham gia đối thoại rất sôi nổi với các phóng viên và biên tập viên của NYT để thuyết phục họ không tiết lộ chương trình giám sát này.

Trách nhiệm ngòi bút
Về phần mình, NYT khẳng định, họ vẫn hành động vì lợi ích công chúng. Biên tập viên cao cấp của NYT, ông Bill Keller, khi trả lời phỏng vấn trên CNN hôm 26.6, cho biết, ngay cả Hạ nghị sĩ John Murtha - một người chỉ trích mạnh mẽ cuộc chiến Iraq, cũng đã khuyến cáo tờ báo chớ công bố các thông tin về việc theo dõi tài chính. "Tôi tin rằng họ hoàn toàn không muốn chúng tôi công bố các thông tin này. Nhưng nếu nghe theo lời họ thì tôi nghĩ rằng chúng tôi vô trách nhiệm".

Tờ LAT đêm 26.6 cũng đã đưa ra một bức thư giải thích lý do họ thông tin vụ này. Dean Baquet - biên tập viên của tờ báo - viết rằng, ban biên tập đã cân nhắc rất kỹ xem có nên công bố hay không. Cuối cùng, họ cảm thấy "lợi ích hợp pháp của công chúng" quan trọng hơn.

Một số nghị sĩ Dân chủ cũng cho rằng, chương trình theo dõi này một lần nữa đặt câu hỏi, liệu sự riêng tư có bị vi phạm, và liệu đây có phải là một bước nữa trong cuộc mở rộng quyền lực hành pháp của chính quyền Bush một cách thô bạo?

Các tờ LAT và Wall Street Journal cũng đăng bài tương tự, nhưng NYT bị "cạo" nhiều nhất, phải chăng vì đây là lần thứ hai NYT có "phốt" lớn với chính quyền?

Bộ Tư pháp Bỉ đã quyết định mở cuộc điều tra về việc này. Báo chí Châu Âu nói rằng, hành động của phía Mỹ một lần nữa đã vi phạm luật pháp Châu Âu và quyền bảo mật thông tin cá nhân.

Vĩnh Nguyên tổng hợp