Ukraina: Cuộc đấu chính trị hậu xung đột khí đốt Quốc hội Ukraina hôm 10.1 bất ngờ bỏ phiếu giải tán chính phủ của Thủ tướng Yuri Yekhanurov vì cho rằng thoả thuận khí đốt mà Ukraina vừa ký kết với Nga làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh năng lượng của Ukraina. Động thái trên đã khiến chính trường Ukraina lại lâm vào khủng hoảng, 6 tháng sau khi chính phủ của bà Tymoshenko bị cách chức.
Với số phiếu 250/40, quốc hội 450 ghế của Ukraina đã tán thành nghị quyết giải tán chính phủ của Thủ tướng Yekhanurov. Động thái này được đưa ra giữa thời điểm Ukraina đang chuẩn bị bầu cử Quốc hội vào cuối tháng 3 tới. Các nghị sĩ Ukraina cáo buộc chính phủ của Thủ tướng Yekhanurov "phản bội các lợi ích quốc gia" khi ký thoả thuận khí đốt với Nga. Theo thoả thuận này, Tập đoàn dầu lửa Nga Gazprom sẽ bán khí với giá 230USD/1.000m3 cho Liên doanh Rosukrenergo. Công ty này sau đó sẽ trộn khí đốt của Nga với khí đốt giá rẻ nhập từ Trung Á và bán cho Ukraina với giá 95USD/1.000m3. Như vậy, Ukraina sẽ phải trả 95USD cho 1.000m3, tăng 50USD so với trước đó. Đại diện của Nga và Ukraina ca ngợi thoả thuận này là giải quyết dứt điểm những tranh cãi giữa hai bên, cung cấp khí đốt một cách bền vững cho Ukraina và xoá tan lo ngại về cuộc khủng hoảng khí đốt trên toàn Châu Âu. Nhưng theo phe đối lập, thoả thuận trên đã dành cho Nga quá nhiều ưu tiên, làm nguy hại tới an ninh năng lượng của Ukraina. Cựu Thủ tướng Tymoshenko, lãnh đạo phe đối lập cho rằng, việc Ukraina phải trả gấp đôi để mua khí đốt từ Nga là không thể chấp nhận và đối tượng chịu thiệt nhiều nhất là người tiêu dùng. Bà Tymoshenko còn gay gắt nói bản thoả thuận chẳng qua là một trò để "che mắt thiên hạ" và yêu cầu Quốc hội Ukraina thành lập một uỷ ban để xem xét, đồng thời mở một cuộc điều tra về "những khuất tất" trong bản thoả thuận. ... và gây tranh cãi Ngay sau khi nghị quyết sa thải chính phủ được quốc hội thông qua, Thủ tướng Yuri Yekhanurov và Bộ trưởng Tư pháp Serhiy Holovaty đã bác bỏ tính hợp pháp của hành động này và khẳng định cuộc bỏ phiếu không mang tính ràng buộc, chính phủ vẫn tiếp tục hoạt động. Các nhà phân tích chính trị và các chuyên gia cũng đang bất đồng về việc liệu quốc hội có quyền sa thải chính phủ hay không. Theo những cải cách hiến pháp mà Ukraina vừa tiến hành năm ngoái, quốc hội được tăng thêm nhiều quyền lực, trong đó có quyền bổ nhiệm nội các. Tuy nhiên, Thủ tướng Yekhanurov lập luận rằng luật cải cách chỉ có hiệu lực từ ngày 1.1.2006 và như vậy thì chỉ những nhà lập pháp được bầu vào tháng 3 tới mới có quyền chỉ định nội các. Một nghị sĩ phe đối lập là Nestor Shufrych cũng cho biết: "Chúng tôi không thể giải tán chính phủ. Chúng tôi chỉ được quyền ngăn cản họ không ra các quyết định". Tổng thống Viktor Yushchenko, người đang có mặt tại thủ đô Astana của Kazakhstan tham dự lễ nhậm chức của Tổng thống Nursultan Nazarbayev, gọi quyết định sa thải của Quốc hội Ukraina là "trái pháp luật và đi ngược lại hiến pháp". Yushchenko còn cho biết ông có thể sẽ giải tán quốc hội hoặc kiện lên Toà án Hiến pháp. Người phát ngôn của Tổng thống, bà Iryna Herashchenko, hôm 11.1 cho biết: "Những nghị sĩ ủng hộ quyết định giải tán chính phủ chỉ nghĩ tới các chiến dịch tranh cử hơn là lợi ích của đất nước. Tổng thống và chính phủ đã làm tất cả những gì có thể để đạt được thoả thuận về khí gas giữa Nga và Ukraina, bảo vệ sự độc lập của kinh tế Ukraina". TR.M (Theo AP, Reuters) |
▪ Cái giá của sự bùng nổ kinh tế (11/01/2006)
▪ Anh: Cuộc đua tranh giải ngôi sao đang lên (11/01/2006)
▪ Tổ chức "Ngày Hoa Kỳ" tại Đà Nẵng (11/01/2006)
▪ Nghiên cứu tế bào gốc: Hoàn toàn giả mạo (11/01/2006)
▪ Britney Spears ăn mặc xấu nhất Hollywood (12/01/2006)
▪ Ông Sharon sẽ không quay lại được nhiệm sở (09/01/2006)
▪ Người ngăn chặn vụ thảm sát Mỹ Lai qua đời (09/01/2006)
▪ Châu Á - mùa đông khắc nghiệt (10/01/2006)
▪ Afghanistan chìa tay cho Taliban (10/01/2006)
▪ Thủ tướng Israel đã tự thở được (10/01/2006)