Ngày thứ ba các hội nghị của APEC: Việt Nam cần cải thiện hơn nữa cơ sở hạ tầng Các công ty đa quốc gia đang có xu hướng tăng nhanh đầu tư vào các thành viên APEC, nhưng phân bổ không đều. Luồng vốn đầu tư chỉ tập trung ở một số nền kinh tế có cơ sở hạ tầng tốt, trong khi các thành viên đang phát triển gặp khó khăn do cơ sở hạ tầng yếu kém. Đó là nhận xét của đa số đại biểu bên lề cuộc họp Uỷ ban Thương mại và Đầu tư (CTI) trong khuôn khổ Hội nghị các quan chức cấp cao APEC II tại TPHCM ngày 25.5. APEC thúc đẩy đầu tư
 | Các đại biểu thảo luận trong giờ giải lao. | "Các nền kinh tế đang phát triển và các thị trường mới nổi như VN rất cần đầu tư cho cơ sở hạ tầng", Tiến sĩ Kui Wai Li - Đại học Hongkong nhận xét. Dù mới đến VN lần đầu, nhưng ông Li đã thấy ngay những bất cập về cơ sở hạ tầng của VN. "Các bạn cần cải thiện hệ thống giao thông công cộng, chẳng hạn như xây dựng thêm tàu điện ngầm. Nó sẽ giúp giảm tải mật độ giao thông. VN có quá nhiều xe máy, gây ô nhiễm" - ông Li nói.
Theo một đại biểu của VN, tốc độ thu hút đầu tư nước ngoài trực tiếp (FDI) của VN tăng nhưng không cao, nhất là khi so sánh với một số nền kinh tế trong khu vực. Quan chức này thừa nhận, lo ngại lớn nhất hiện nay của VN là sự yếu kém về cơ sở hạ tầng gây trở ngại cho các nhà đầu tư. Một số đại biểu Philippines, Thái Lan, Malaysia khi chia sẻ kinh nghiệm thu hút đầu tư của mình đều khẳng định, ngoài những chính sách ưu tiên thì tạo cơ sở hạ tầng đồng bộ là điều hết sức quan trọng. Ông Roy Nixon - Cục Chính sách thương mại và đầu tư nước ngoài Australia, cho biết loại bỏ các rào cản đầu tư, cải thiện tự do đầu tư trong APEC là những biện pháp mà chúng tôi đang thảo luận nhằm thúc đẩy đầu tư trong APEC. "Chúng tôi cảm nhận một không khí rất lạc quan về thu hút đầu tư nước ngoài vào VN trong thời gian tới, nhất là sau khi VN chính thức gia nhập WTO" - ông nói.
Nội lực là quan trọng Trả lời câu hỏi của Báo Lao Động về những cơ hội và thách thức trong tiến trình hội nhập của VN sau khi gia nhập WTO, tiến sĩ Kui Wai Li đã đưa ra một cách tiếp cận mới. Ông cho rằng, các nhân tố nội tại của một nền kinh tế sẽ quyết định mức độ và hiệu quả hội nhập toàn cầu của nền kinh tế đó. Nền kinh tế nào phát huy được các yếu tố nội lực tốt thì sẽ thu lợi được nhiều từ quá trình hội nhập, do đó mà mức độ hội nhập cũng cao hơn các nền kinh tế khác.
Theo ông Li, có một ngưỡng tối ưu đối với các nhân tố nội lực mà chỉ sau khi đạt đến đó thì hội nhập kinh tế quốc tế mới phát huy đầy đủ hiệu quả. Còn nếu nội lực chưa đạt ngưỡng tối ưu đó thì nên tập trung cải thiện các yếu tố nội tại, chứ không nên ưu tiên quá nhiều cho hội nhập vì như vậy sẽ không hiệu quả và không tăng được GDP đầu người như mong muốn. Ông ví dụ, có nhiều vấn đề nội tại như quản trị, y tế, giáo dục, chống tham nhũng.... Các nhà đầu tư sẽ tin tưởng vào một chính phủ nếu họ thấy các yếu tố trên được thực hiện tốt. TR.M
Ngày 25.5, các cuộc họp trong khuôn khổ Hội nghị các quan chức cao cấp APEC lần thứ hai (SOM II) bước sang ngày thứ 4 với 5 cuộc họp chuyên ngành, trong đó đáng chú ý có hội nghị của Uỷ ban Thương mại và Đầu tư APEC (CTI), 3 tiểu nhóm thuộc Nhóm Phát triển nguồn nhân lực là mạng lưới xây dựng năng lực, mạng lưới giáo dục, mạng lưới bảo vệ lao động và xã hội họp phiên cuối cùng... |
|