Người lao động đăng ký tìm việc tại sàn giao dịch việc làm. Ảnh: Minh Huyền |
Chủ động liên kết đào tạo sẽ giúp doanh nghiệp tháo gỡ bài toán thiếu hụt nhân lực
Đến bao giờ đào tạo và sử dụng lao động mới gắn kết được với nhau? Vì sao trường nghề và doanh nghiệp (DN) thiếu hợp tác với nhau? Trách nhiệm của DN trong việc đào tạo nghề như thế nào?...
Đó là những băn khoăn của các đại biểu đặt ra ở hội nghị “Kết nối thông tin đào tạo và việc làm” do Trung tâm GTVL TPHCM tổ chức cuối tuần qua.
Mạnh ai nấy đào tạo
Một lần nữa, những tồn tại, yếu kém trong đào tạo và sử dụng lao động được đưa ra mổ xẻ. Nổi bật xuyên suốt hội nghị là nhiều đại biểu đại diện các cơ sở dạy nghề thừa nhận đang dạy nghề theo phong trào là chính, chứ không nắm bắt thông tin thị trường lao động, xu hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nhu cầu lao động giữa các ngành nghề để tổ chức đào tạo cho phù hợp. Sự thiếu thông tin và thiếu hợp tác với DN dẫn đến đào tạo tràn lan, mạnh ai nấy làm, ít quan tâm đến sản phẩm đào tạo ra sử dụng thế nào.
Các cơ sở dạy nghề đều có lý do riêng khi bàn sâu về vấn đề này. Ông Dương Minh Kiên, Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề Quang Trung, cho rằng trường nghề là nơi tạo ra “sản phẩm” (người lao động có tay nghề), còn DN là “khách hàng”. Thay vì chủ động hợp tác đào tạo để có sản phẩm tốt thì DN chỉ muốn “xài chùa”, được thì tốt, nếu không quay sang đổ lỗi cho đào tạo yếu. Ông Nguyễn Văn Ngoan, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Sinh viên Trường ĐH Tôn Đức Thắng, nhấn mạnh có cố làm cách mấy đi nữa, không bao giờ trường nghề chạy theo kịp DN, bởi DN thay đổi máy móc, công nghệ liên tục; trong khi trang thiết bị dạy nghề ngày càng lạc hậu, lấy đâu ra kinh phí để đầu tư mua sắm thiết bị mới.
Trong khi đó, nhiều DN cũng cho rằng cần xem lại việc đào tạo hiện nay. Ông Vũ Thành Nam Đức, Trưởng Phòng Marketing Công ty TNHH Digi-Texx, cho biết công ty chuyên làm việc với nước ngoài nên tìm người có khả năng phù hợp. Thế nhưng hầu hết lao động tuyển dụng đều thiếu những kỹ năng quản lý. Bà Huỳnh Thị Lệ Hằng, Phó Phòng Nhân sự Công ty Cổ phần Acecook Việt Nam, cho rằng chương trình đào tạo hiện nay chưa chuyên sâu, chưa đáp ứng yêu cầu DN đặt ra. Giữa đào tạo và sử dụng lao động còn có khoảng cách khá xa.
DN không thể đứng ngoài
Theo bà Ngô Bích Phượng, đại diện Trường CĐ Vinhempich, trong khi ngồi chờ DN gõ cửa thì cơ sở đào tạo cũng cần chủ động đưa ra giải pháp cứu mình. Bà Phượng cho biết, từ năm 2001, Trường CĐ Vinhempich áp dụng hình thức liên kết đào tạo với DN bằng hoạt động người học đến với DN và ngược lại. Nhờ vậy, có đến 99% sinh viên tốt nghiệp ngành cơ khí động lực, công nghệ thông tin có việc làm sau khi ra trường. Cũng theo bà Phượng, DN không thể chạy theo trường nghề nhưng nếu chủ động hơn trong cách làm, quan hệ, thực sự xem giải quyết việc làm cho người học là hoạt động chính bên cạnh mảng đào tạo thì sẽ tháo gỡ được khó khăn. Tuy nhiên, việc này không thể tách rời trách nhiệm của DN với xã hội và với chính mình. Trong chính sách phát triển nhân lực, các DN vẫn chưa thực sự coi trọng việc hợp tác đào tạo, tạo nguồn lao động.
Vấn đề được nhiều đại biểu đồng tình là giữa nhà đào tạo, nhà tuyển dụng cần chủ động hơn nữa trong việc liên kết đào tạo. Theo ông Dương Minh Kiên, từ trước đến nay, đào tạo theo đơn đặt hàng ở VN vẫn mang tính tự phát chứ chưa được nhân rộng và thiếu cơ chế ràng buộc trách nhiệm giữa hai bên. Nên chăng phải thiết lập mối quan hệ trách nhiệm với nhau. DN muốn có nhân lực tốt thì nên chủ động đặt hàng với nhà đào tạo, cùng với nhà trường đầu tư cho đào tạo thì mới giải quyết được bài toán thiếu hụt nhân lực.
Nhiều đại biểu cho rằng rất cần một tổ chức chuyên nghiệp đứng ra làm cầu nối để giúp nhà đào tạo và nhà tuyển dụng nắm bắt thông tin, trên cơ sở đó đẩy mạnh hơn nữa liên kết đào tạo. Còn như hiện nay, khoảng cách đào tạo – sử dụng lao động khó có thể được rút ngắn.
1.676 lao động có việc làm Hội nghị “Kết nối thông tin đào tạo và việc làm" là một hoạt động trong khuôn khổ của phiên giao dịch lần 3 – sàn giao dịch việc làm TPHCM năm 2008, diễn ra trong hai ngày 7 và 8-6. Có 62 doanh nghiệp tham gia tuyển dụng trực tiếp và 60 doanh nghiệp tuyển dụng trực tuyến tại phiên giao dịch lần này với tổng nhu cầu 20.000 lao động. Kết quả đã có 6.167 người đăng ký tìm việc trực tiếp, trong đó 2.289 người được dự tuyển phỏng vấn, 1.113 người được giải quyết việc làm. Ngoài ra, còn có 1.500 người đăng ký tìm việc trực tuyến với 563 người được thông báo chấp nhận tuyển dụng. |
▪ Cơn lốc màu da cam quật ngã ĐKVĐ thế giới (10/06/2008)
▪ Vũ khí bí mật (10/06/2008)
▪ Lịch thi đấu Euro 2008 (09/06/2008)
▪ HLV Calisto: Ronaldo sẽ là số 1! (07/06/2008)
▪ 'Thưa các ngài Hooligan, xin đừng gây rối ở Euro' (07/06/2008)
▪ Đêm nay khai mạc Euro 2008 (07/06/2008)
▪ Tử thần gọi ai? (06/06/2008)
▪ 300 nghìn bảng một tuần cho Ronaldo (06/06/2008)
▪ Vắng tuyển Anh: Tái ông thất mã! (06/06/2008)
▪ Tuyển Anh lập 'thành tích bất hảo' (05/06/2008)