Eriksson không chịu từ chức!
Các Website khác - 09/09/2005
Sau "thảm hoạ" thứ hai, tại Belfast (Anh thua Bắc Ireland 0-1):
Eriksson không chịu từ chức!

* Pháp thắng trận quan trọng, Tây Ban Nha hoà thất vọng.

Beckham và Lampard (phải)
thất thần sau trận đấu.
Thảm hoạ nào đã xảy ra? Điều gì không thể chấp nhận được? Có ai đáng bị sa thải? Những câu hỏi bực dọc, hóc búa ấy chỉ dồn vào đội tuyển Anh, vào đầu ông Eriksson, khi các trận vòng loại World Cup 2006 khu vực Châu Âu kết thúc rạng sáng 8.9.


Sân Windsor Park ở Belfast, Bắc Ireland với sức chứa chỉ hơn 1 vạn khán giả hoàn toàn không phải là "sân khách" của Anh, bởi họ luôn giành chiến thắng khi đến đây, kể từ năm 1972. Nó cũng chẳng lạ lẫm gì, bởi đây chỉ là sân của đội bóng cùng vương quốc. Thế mà Anh đã thua đau đớn "đội bóng tí hon".

Mọi con mắt thất thần. Những gương mặt cúi gằm, những bước chân rã rời. Những dòng lệ tức tưởi. Và cả sự phát rồ của những CĐV, những nhà báo thể thao xứ sương mù nữa. Ông Eriksson có lẽ là người phải gánh chịu, bởi vẫn tiếp tục trọng dụng hai tiền vệ (dù hay, nhưng luôn giẫm chân lên nhau khi đứng chung một chiến tuyến) F.Lampard và S.Gerrard; trong khi đó lại để Joe Cole - người ghi bàn duy nhất trận thắng xứ Wales ngồi trên băng ghế dự bị.

Dù cầm bóng nhiều nhưng vì hàng công hoạt động kém hiệu quả, nên Anh chỉ tạo được hai cơ hội nguy hiểm trong hiệp 1, trong đó có cú sút phạt sở trường của Beckham khiến bóng đi trúng điểm nối giữa xà ngang và cột dọc (phút 29). Nhưng như thế là quá ít, để rồi phải trả giá.

Phút 74, sau khi nhận bóng từ S.Davis, tiền đạo đang chơi cho Leeds United - đội hạng nhất Anh, David Healy đã tung cú sút căng từ góc hẹp, giết chết "người khổng lồ". Bàn thắng quý giá ấy giúp Bắc Ireland có được trận thắng đầu tiên trước Anh, sau 33 năm ròng.

Với Anh, đó là thất bại đầu tiên ở vòng loại, dưới thời Eriksson. Nhưng đó là thất bại điên rồ, khó nuốt trôi. Dù kém đội đầu bảng Ba Lan (thắng xứ Wales 1-0, chỉ còn 1 trận) 5 điểm, nhưng cửa đến thẳng Đức vẫn còn với người Anh. Họ còn 2 trận, trong đó có trận cuối cùng gặp chính Ba Lan trên sân nhà, ngày 12.10.

Có lẽ chính vì thế mà HLV Eriksson vẫn ngoan cố: "Tôi sẽ không từ chức. Tôi sẽ cố gắng để mọi thứ đi đúng hướng. Trong tháng 10, chúng tôi thắng hai trận và đến Đức". Đội trưởng Beckham cũng vẫn tin vào ông thầy vốn nổi tiếng với các scandal tình ái (giống Beckham) hơn là nghề HLV. Nhưng cơn giận dữ của những hooligan hẳn sẽ bùng lên dữ dội, nếu Anh không thể đến thẳng Đức, với tư cách đội đầu bảng 6.

Tại bảng 4, với sự toả sáng của tiền đạo Henry (ghi bàn duy nhất phút 68), Pháp đã thắng CH Ireland và vươn lên thứ hai, cùng 16 điểm như Thụy Sĩ (thắng đảo Cyprus 3-1). Pháp sẽ đứng đầu bảng, nếu thắng trên sân Thụy Sĩ ngày 8.10, bởi sau đó họ chỉ phải gặp đảo Cyprus; trong khi Thụy Sĩ sẽ phải gặp Ireland trên sân khách ở lượt đấu cuối - có thể là trận quyết định vé dự play - off.

Tại bảng 7, Tây Ban Nha cũng gây thất vọng lớn khi chỉ hoà 1-1 trước Serbia & Montenegro trên sân nhà. Như vậy, họ vẫn kém đối thủ này 2 điểm và gần như không thể giành vé đến thẳng Đức.

Kết quả các trận đấu đáng chú ý khác: Czech - Armenia: 4-1, Hà Lan - Andorra: 4-0, Ukraina - Thổ Nhĩ Kỳ: 0-1, Đan Mạch - Georgia: 6-1, Nga - Bồ Đào Nha: 0-0, Latvia - Slovakia: 1-1, Belarus - Italia: 1-4, Na Uy - Scotland: 1-2, Malta - Croatia: 1-1...

Dũng Minh

Mexico chính thức đến Đức
Sau trận thua bẽ bàng 0-2 trên sân Mỹ, Mexico đã chứng tỏ vị thế số 1 của mình khi đè bẹp Panama tới 5-0 trên sân nhà, qua đó giành lại vị trí đầu bảng từ tay Mỹ (hoà 0-0 trên sân Guatemala). Ngoài 2 vé chính thức đã có chủ (Mỹ, Mexico), vé thứ ba đến thẳng Đức nhiều khả năng thuộc về Costa Rica. Sau trận thắng Trinidad & Tobago 2-0, Costa Rica có 13 điểm, hơn Guatemala 5 điểm, trong khi vòng loại chỉ còn 2 lượt đấu. Vé thứ tư - giành quyền đá play-off với đại diện của Châu Á - là cuộc tranh chấp giữa Guatemala và Trinidad & Tobago (hơn-kém nhau 1 điểm).