Các trận đấu tại vòng loại World Cup 2006 khu vực châu Âu đêm qua đã diễn ra đầy sôi động và kịch tính với không ít kết quả gây bất ngờ...
Bảng 1: Nỗi thất vọng mang tên CH Séc
Trận đấu kết thúc với chiến thắng 2-0 nhưng không phải dành cho đội khách CH Czech. Với lực lượng sứt mẻ, mà dù có đủ cũng không thể so sánh ngang bằng đối thủ nhưng Romania đã chơi một trận xuất sắc, nhen lại ngọn lửa hy vọng đến nước Đức tưởng như đã tắt ngấm trước đó.
Sau cú đúp vào lưới Andorra cách đây nửa tháng, tiền đạo chủ lực Adrian Mutu lại tiếp tục với một cú đúp còn tuyệt vời hơn vào lưới "đàn anh" CH Czech. Cầu thủ của CLB Juventus này chỉ mất có 27 phút để khai thông thế bế tắc của trận đấu. Nhận đường chuyền của hậu vệ cánh trái Razvan Rat, Mutu khống chế bóng khéo léo trước khi sút vào góc xa, hạ gục thủ môn tài năng Petr Cech.
Sau đó, trận đấu diễn ra với thế trận cân bằng và có nhiều cơ hội ăn bàn được tạo ra. "chàng khổng lồ" Jan Koller là cầu thủ chơi hay nhất bên phía đội khách nhưng tiếc là những pha uy hiếp của cầu thủ này lại không đủ uy lực để mang về bàn gỡ hoà. Đến phút 58, sau tình huống phản công nhanh, từ quả tạt bên cánh trái của Razvan Cocis, tiền đạo có biệt danh "Rắn hổ mang" một lần nữa đánh bại người bạn cũ tại CLB Chelsea, ấn định kết quả 2-0 cho đội nhà.
Đây là chiến thắng đầu tiên kể từ năm 1965 của Romania trước đội bóng Tiệp Khắc cũ mà nay là CH Czech. Ngoài ra, Romania còn tạm thời chiến ngôi nhì bảng của chính đối thủ vời 1 điểm nhưng đá nhiều hơn 1 trận.
Hy vọng vượt qua Hà Lan của Czech bị ảnh hưởng nghiêm trọng sau trận thua mất mặt này bởi cùng lúc đó, thầy trò Van Basten đã giành trọn 3 điểm trên sân của Armenia. Tấn công dồn dập từ đầu chí cuối nhưng "Cơ lốc da cam" chỉ ghi được có một bàn thắng nhờ công Ruud Van Nistelrooy. Phút 64, người đã cặp là Hessenlink đánh đầu chuyền bóng để tiền đạo đang chơi cho Man Utd bắt volley gọn gẽ ngay đầu vòng cấm.
Tỉ số 1-0 không phản ảnh đúng cục diện của trận đấu này bởi các chân sút Hà Lan bỏ lỡ quá nhiều cơ hội trong khi chủ nhà Armenia ít khi có cơ hội lên quá vạch vôi giữa sân. Nhưng dù sao, chiếc vé đến nước Đức cũng đã ở rất gần đội bóng "Xứ sở hoa Tuylíp".
Bảng 4: Cú đúp của Djibril Cisse
Sau lượt trận đêm qua, tình hình bảng này đã trở nên cân bằng khi có tới 3 đội cùng có 13 điểm sau 7 trận. Thụy Sỹ đã đánh mất lợi thế của họ do bị Israel cầm hòa 1-1 ngay trên sân nhà. Vua phá lưới League 1 (giải VĐ Pháp) Alexander Frei sớm đưa chủ nhà vượt lên dẫn trước ngay phút thứ 5. Bàn thắng này khá may mắn khi một quả tạt đập vào người hậu vệ Israel trúng cột dọc bật ra, Frei có mặt đúng chỗ đệm bóng vào gôn trống.
Dẫn bàn, chủ quan nên Thụy Sỹ phải trả giá bằng bàn gỡ rất đẹp mắt của Keise. Quả đá phạt chếch bên phải đưa bóng đến vị trí của Keise và anh này thực hiện quả đánh đầu chéo góc cực mạnh từ đầu vòng cấm ở phút 25. Thời gian còn lại nhiều nhưng nỗ lực của Thụy Sỹ không có kết quả. Đáng tiếc nhất là cú sút rung xà ngang của Frei trước khi hết giờ 5 phút.
Thi đấu muộn hơn, ĐT Pháp tận dụng cú vấp của Thụy Sỹ san bằng khoảng cách điểm trên bảng xếp hạng. Đối thủ của Pháp là đội tuyển đảo Faroe vốn toàn những cầu thủ nghiệp dư. Vì vậy, những siêu sao hàng đầu như Henry, Zidane mặc sức "hành hạ con mồi" suốt cả trận đấu. Tuy nhiên, người nổi bật nhất lại là tiền đạo Djibril Cisse vừa "suýt" bị Liverpool thải hồi.
Tuyển thủ gốc Senegal đã ghi 2 bàn và trực tiếp góp công lớn vào bàn còn lại. Đầu tiên, anh mở tỉ số bằng một quả đánh đầu dũng mãnh (phút 13). Chỉ sau đó 6 phút, quả căng ngang của Cisse đập vào... ống đồng của hậu vệ Suni Olsen bên phía đội khách bay vào lưới. Đến phút 76, lại là Cisse ấn định chiến thắng 3-0 cho Pháp sau đường chuyền của Wiltord.
Bảng 5: Ý may mắn với 1 điểm tại Hampden Park
Những ý kiến nhận định về một trận đấu khó khăn của ĐT Ý là hoàn toàn chính xác. Mặc dù đang trong thời kỳ sa sút nhưng Scotland vẫn đủ sức gây ra vô số khó khăn cho Azzurri. Hơn 52.000 khán giả đến sân được chiêm ngưỡng một trận cầu sôi nổi, tốc độ với chất lượng cao. Chủ nhà lựa chọn lối chơi phòng ngự chặt phản công nhanh trước một đối thủ mạnh hơn hẳn về thực lực.
Do Gilardinho dính chấn thương nên chỉ có Vieri thi đấu như một tiền đạo thực thụ, Iaquinta đá lùi xuống hàng tiền vệ. Thủ môn kỳ cựu Angelo Peruzzi lần đầu tiên trở lại đội tuyển sau thời gian dài, thay thế Buffon chấn thương. Chủ nhà cũng sử dụng sơ đồ 4-5-1 đầy thận trọng với Kenny Miller là tiền đạo hoạt động rất rộng.
Ý là đội tạo ra cơ hội trước tiên sau quả tạt bên cánh phải nhưng Vieri không thể tận dụng. Chiến thuật của Scotland phát huy hiệu quả khá sớm với bàn thắng ở phút 13 của Miller. Tiền đạo nhỏ con này đã nhanh hơn Zaccardo, chạy cắt mặt đánh đầu tung lưới Peruzzi. Chính Miller là người chơi hay nhất bên phía Scotland khi anh liên tục gây khó khăn cho cặp trung vệ Nesta - Cannavaro.
Bị dẫn bàn, Ý tấn công dồn dập, uy hiếp khung thành thủ môn Gordon. Lẽ ra họ đã có bàn gỡ nếu "bò mộng" Vieri không tỏ ra quá vô duyên trong tình hưống ở phút 64. Totti cướp được bóng bên cánh trái rồi kiến tạo đường chuyền thuận lợi cho tiền đạo AC Milan. Từ khoảng cách có 5 mét, trước khung thành bỏ trống đá ra khó hơn đá vào, Vieri lại chọn giải pháp đệm bóng... lên trời.
Nhưng, rốt cuộc thì sức ép cũng chuyển hoá thành bàn thắng. Phút 76, sau quả phạt góc bị đẩy ra, hậu vệ Fabio Grosso nhanh chân đá nối cận thành mang về 1 điểm cho đội bóng "Thiên thanh". Như vậy, Ý có 14 điểm trong tay, vẫn vững vàng ở ngôi đầu, hơn đội xếp sau là Na Uy 2 điểm.
Bảng 8: Cuộc đua song mã
Tiếp Bulgaria hết động cơ phấn đấu trên sân nhà, Thụy Điển không gặp phải nhiều sức kháng cự nên dễ dàng có trận thắng thuyết phục. Dồn lên tấn công ngay từ những phút đầu tiên, đội bóng Bắc Âu chứng minh khoảng cách trình độ qua pha ăn mừng hụt của Henrik Larson (4'). Quả chuyền đầy nhạy cảm của Ibrahimovic bên cánh trái tạo điều kiện cho Larson đánh đầu tung lưới đội khách. Tuy nhiên, trọng tài biên căng cờ báo việt vị.
Cả hiệp một dồn ép nhưng Thụy Điển chưa có duyên với mành lưới đối phương. Chỉ đến khi hậu vệ Georgiev bị đuổi vì phạm lỗi với Ljungberg thì không còn trở ngại nào ngăn chủ nhà đến với chiến thắng. Bàn thắng khai thông tỷ số của Ljungberg ở phút 60 đã mở toang cánh cửa phòng ngự dày đặc của Bulgaria. Tiếp đó, đội trưởng Mellberg (76') và Ibrahimovic (90') lần lượt kết liễu số phận đội khách. Pha làm bàn của Ibrahimovic là một tác phẩm nghệ thuật với cú tung người móc bóng theo kiểu "xe đạp chổng ngược".
Thế nhưng, màn "thị uy" của Thụy Điển chỉ có tác dụng khiến cuộc đua giữa họ với Croatia thêm phần hấp dẫn bởi đội đầu bảng này cũng kiếm trọn 3 điểm trên sân Iceland. Tiền đạo đang khoác áo Chelsea Eidur Gudjohnsen đưa đội nhà vượt lên dẫn trước (24') nhưng bản lĩnh và kinh nghiệm giúp Croatia lật lại thế cờ trong hiệp 2. Bosko Balaban ghi 2 bàn và quả penalty của Darijo Srna (82') làm nên trận thắng cách biệt cho đội khách.
Sau vòng này, Croatia vẫn hơn Thụy Điển 1 điểm. Họ còn 3 trận để tranh nhau chiếc vé chính thức đến nước Đức mùa hè sang năm.
Theo VNN
▪ Vợ Totti bắt đầu lo (03/09/2005)
▪ Chia tay một thế hệ, nhắc nhở bao tài năng (03/09/2005)
▪ Bom tấn của ai? Của VFF! (03/09/2005)
▪ Real Madrid soán ngôi Chelsea! (03/09/2005)
▪ Ma túy tấn công con “vua” (03/09/2005)
▪ Thêm 2 trọng tài đã tự giác báo cáo (04/09/2005)
▪ Thêm 1 võ sĩ VN vào bán kết (01/09/2005)
▪ “Đại diện” mới của BMW (03/09/2005)
▪ Bùi Thị Nhung thất bại (03/09/2005)
▪ Trận cầu đẹp cho cuộc chia tay đáng nhớ (04/09/2005)