Olympic Bắc Kinh 2008: Những kỷ lục kỳ diệu
Các Website khác - 23/08/2008

TP - Chỉ còn chưa đầy 48 giờ đồng hồ nữa toàn thế giới sẽ được chứng kiến sự ra đời của một loạt những sự kiện mới, những kỷ lục thế giới và kỷ lục Thế vận hội mới được thiết lập.

Từ trái sang phải, từ trên xuống dưới: Yelena Isinbayeva (Nga), Usain Bolt(Jamaica), Michael Phelps (Mỹ)

Cũng trong thời gian ngắn ngủi còn lại của một Olympic hoành tráng chưa từng có, được tổ chức cẩn thận chưa từng có của nước chủ nhà Trung Quốc người ta vẫn có quyền hy vọng được chứng kiến một cuộc chia tay xúc động mà nước chủ nhà dành cho toàn thế giới cùng một cuộc bàn giao đầy ấn tượng cho Thế vận hội 2012, Bắc Kinh sẽ trao lại cho Anh - nước chủ nhà tương lai sau 4 năm nữa.

Trong 48 giờ đồng hồ còn lại, tất cả các quốc gia tham dự Thế vận hội vẫn có quyền hy vọng có nhiều thành tích xuất hiện trong những cuộc thi căng thẳng và hấp dẫn của những nội dung thi đấu cuối cùng.

Trung Quốc đã chứng minh rằng họ là quốc gia có nền thể thao tiên tiến và mạnh vào loại nhất thế giới. Nếu ở các Thế vận hội trước đây chưa bao giờ thể thao Trung Quốc giành được vị trí đứng đầu toàn đoàn, thì lần này Trung Quốc đang dẫn đầu đầy uy lực.

Ngay từ ngày thi đấu đầu tiên, Trung Quốc đã đứng đầu bảng tổng sắp huy chương, hết ngày thi đấu thứ 13 (20/8/2008) đoàn VĐV chủ nhà vẫn tiếp tục dẫn đầu một cách tuyệt đối.

Jiang Yuyuan (Trung Quốc)

Sau tấm HCV đầu tiên ở Olympic Bắc Kinh 2008 thuộc về nữ xạ thủ người Séc Katerina Emmons (24 tuổi), nữ lực sĩ cử tạ Chen Xiexia hạng 48 kg của chủ nhà Trung Quốc đã có tấm HCV đầu tiên.

Kể từ đó số HCV của Trung Quốc tăng lên nhanh chóng. Trung Quốc không chỉ giành được HCV trong các môn thể thao thế mạnh như bóng bàn, cử tạ, bơi lội, TDDC, mà còn ở những môn thể thao mà Trung Quốc đang có những tiến bộ chóng mặt như điền kinh, bắn súng, cầu lông, quần vợt nữ...

Lịch thi đấu bóng đá nam của TVH:

Tranh giải ba (HCĐ)

22/8/2008 (18h00): Bỉ/Braxin

Tranh vô địch (HCV)

23/8/2008 (11h00): Nigiêria/Áchentina

13 ngày liên tiếp, Trung Quốc bỏ xa đoàn VĐV Mỹ từng đứng đầu Athens 2004 với số HCV là 45/26. Anh tại Thế vận hội lần này cũng đang vươn lên rất mạnh, tạm đứng thứ 3 toàn đoàn với 16 HCV. Các quốc gia mạnh, có truyền thống khác như Đức và Nga đã không còn duy trì được vị thế hàng đầu thế giới của mình nữa.

Thế vận hội lần này được nước chủ nhà tổ chức rất tốt, nên thành tích thi đấu của các VĐV được phát huy tích cực. Chàng trai  người Giamaica Usain Bolt có những bước chạy nhanh nhất hành tinh.

Bolt thi đấu ổn định đến kinh ngạc. VĐV 21 tuổi này trong cuộc đua 100m đầu tiên đã lập kỷ lục thế giới và kỷ lục Thế vận hội bằng thành tích không thể tin 9 giây 69.

Chưa hết, tại cự ly chạy  200m, vừa kết thúc cuối ngày 20/8, Bolt một lần nữa làm rung chuyển sân Tổ Chim khổng lồ. Anh tiếp tục lập kỷ lục thế giới và kỷ lục Olympic với thành tích 19 giây 30 phá vỡ kỷ lục thế giới của cự ly này là 19 giây 32 của Michael Johnson đứng vững suốt 12 năm kể từ Atlanta ‘96.

Sau hai kỷ lục thế giới không thể tin nổi này người ta vẫn còn hy vọng vào khả năng chạy nhanh hơn nữa của Tia chớp đen Giamaica.

Michael Phelps (Mỹ)

Tại Cung thể thao Lập Phương tuyệt đẹp, chàng trai người Mỹ Michael Phelps cũng đã làm rung chuyển tất cả các đường đua xanh. Với hình thể và thể lực phi thường, chỉ trong 5 ngày Phelps đã vượt qua 20 cuộc thi, lọt vào 8 trận chung kết lập 7 kỷ lục thế giới, 7 kỷ lục Olympic liên tiếp, giành 8 HCV, phá kỷ lục thế giới của người đồng hương Mark Pitz đoạt 7 HCV tại một kỳ Thế vận hội Munich 1972.

Kỷ lục của Pitz đã tồn tại suốt 36 năm, đến Bắc Kinh 2008 mới bị phá. Với tài năng phi thường, Phelps còn trở thành VĐV Olympic duy nhất giành được tới 14 HCV. Năm nay mới 23 tuổi, người ta hy vọng nhiều vào những kỷ lục kỳ diệu của chàng trai người Mỹ này ở các kỳ Thế vận hội sắp tới.

Usain Bolt (Jamaica)

Bắc Kinh 2008 trở thành cái nôi cho ra đời nhiều nhất những kỷ lục thế giới và kỷ lục Olympic. Tạm tính cho tới trước lúc bế mạc hai ngày, đã có 116 kỷ lục Olympic hoặc tương đương được lập.

Đặc biệt đã có 40 kỷ lục thế giới mới ra đời (bơi 17, xe đạp 4, bắn súng 6, cử tạ 5, bắn cung 2, điền kinh 6)... Tất nhiên trong những cuộc thi cuối cùng sẽ còn thêm những kỷ lục nữa. Chưa có Thế vận hội nào có nhiều kết quả tốt đẹp như lần này.

Với đoàn thể thao Việt Nam những hy vọng bừng lên trước ngày thi đấu của Taekwondo, bóng bàn nam, chạy 800m nam cuối cùng lịm tắt. Nữ võ sĩ Trần Thị Ngọc Trúc lọt vào tứ kết thua ngay trận đầu trước võ sĩ Thái Lan Puttree Puedpong 1-2, bị loại.

Hy vọng giành HCĐ của Trúc lại loé lên khi cô được đánh repechage (một kiểu đấu vớt) với võ sĩ Cuba Daynellis Montejo. Nhưng lâm trận, Trúc thua thảm hại 0-4! Đoàn Kiến Quốc lọt vào vòng loại thứ hai sau khi may mắn vượt qua vòng sơ loại và vòng loại chính thức đầu tiên.

Vòng hai Quốc gặp đối thủ là tay vợt Alexei Smirnov. Rất cố gắng, cuối cùng Quốc vẫn bị loại với tỷ số sít sao 3-2. VĐV chạy 800m Nguyễn Đình Cương ngay trong cuộc chạy vòng loại đầu tiên chỉ đạt thành tích 1 phút 52 giây 06, về thứ 7/8!

Yelena Isinbayeva (Nga)

Thể thao Việt Nam còn hy vọng vô cùng nhỏ nhoi vào võ sĩ Taekwondo nam Nguyễn Văn Hùng. Nhưng Hùng lại chấn thương trước giờ xuất trận, thế là từ hy vọng tan biến.

Còn một nỗi buồn đau đáu mang tên Ngân Thương. Kể từ sau khi thi đấu không thành công xếp thứ 59 trong môn TDDC ở Bắc Kinh 2008, cô gái từng giành 5 HCV ở 3 kỳ SEA Games liêp tiếp này bị phát hiện dùng chất kích thích.

Với tội này Ngân Thương bị tước thành tích thi đấu ở Olympic và bị trục xuất khỏi Thế vận hội. Tội và kỷ luật đã rõ ràng như vậy nhưng những người yêu thể thao ở nhà vẫn phải nghe những thanh minh hết sức ngô nghê kiểu con trẻ của các nhân vật có trách nhiệm. 

Những người nghiêm túc lúc này không còn muốn tranh luận vì báo chí nước ngoài và trong nước đã nói cả. Chỉ hy vọng rằng trong tương lai chúng ta có những ứng xử đúng với Tinh thần Olympic để có thể tiến bộ hơn mà thôi.

Vĩnh Hà

Bắc Kinh 2008 “very good”

Với nhiều VĐV trên toàn thế giới, được tới thi đấu tại Thế vận hội Bắc Kinh 2008 là một kỷ niệm không bao giờ quên trong cuộc đời thể thao của họ. Nhưng với VĐV Taekowndo người Hondurát Miguel Adrian Ferrera Rodriguez anh có một kiểu kỷ niệm rất riêng.

Anh cho biết: “Tôi đã mơ ước tới thi đấu ở Thế vận hội Bắc Kinh. Khi hay tin được có mặt trong đội tuyển, tôi đã quyết định săm vĩnh viễn cánh tay phải của tôi”.

Nói tới đây Rodriguez để lộ hoàn toàn cánh tay phải để các nhà báo chụp hình xăm tuyệt đẹp của võ sĩ này. Trên cánh tay vạm vỡ người ta thấy 5 vòng tròn lá cờ của TVH cùng 3 biểu tượng đặc trưng nhất của võ phái Taekwondo, môn võ đối kháng do người Hàn Quốc sáng tạo ra. Liền sau 5 vòng tròn là biểu hiện âm dương - bát quái. Những biểu tượng này được săm kín trên cánh tay của Rodriguez.

Nói tới Bắc Kinh, võ sĩ này đã nói một câu tiếng Anh mà ai cũng hiểu: “Beijing very good”.

Hải Đăng

Người sáp Michael Phelps...

Tại thành phố Thượng Hải nơi có nhiều môn thi đấu của Thế vận hội lần này các VĐV tại đây lại có một thú vui khác là đi tham quan Thượng Hải và khám phá thú ẩm thực tại thành phố này khi màn đêm buông xuống.

Bên cạnh thú giải trí này các VĐV tại đây lại có một thú vui mới. Chỉ cần đi bộ tới bảo tàng Madame Tussauds Wax họ sẽ được thỏa mãn ngay sở thích của mình.

Bảo tàng Madame Tussauds Wax là viện bảo tàng được người Anh phát minh ra đầu tiên. Tại đây người ta lưu hình tượng của các vĩ nhân thế giới trong tất cả mọi lĩnh vực, nặn bằng sáp mầu trông rất giống người thật. Ngoài các nhân vật nổi danh trên thế giới, lúc này các nhà vô địch Olympic cũng lần lượt xuất hiện trong bảo tàng.

VĐV huy chương vàng môn nhẩy cầu của Trung Quốc Guo Jingjing xuất hiện đầu tiên. Sau đó là tượng sáp rất đẹp của tay bơi huyền thoại sống người Mỹ Michael Phelps.

Điều thú vị là khi du khách tới đây họ đều được chụp ảnh chung với những nhân vật mà họ thích. Hiện nay ảnh chụp chung với Guo Jingjing và Phelps được thực hiện nhiều nhất tại bảo tàng rất thú vị này. 

Đỗ Vân