Sợ trách nhiệm
Các Website khác - 09/10/2005
VFF: Những điều trông thấy...

Bài 3: Sợ trách nhiệm

Công Minh
Mâu thuẫn nội bộ, không thống nhất được quan điểm xử lý trong các vấn đề nhạy cảm khiến VFF luôn bị dao động về tư tưởng. Họ muốn chống tiêu cực nhưng lại sợ đụng chạm. Mặt khác, VFF lại lo dư luận sẽ lên án nếu họ tiến hành chống tiêu cực nửa vời. Diệu kế được nghĩ ra là "đá bóng sang chân người khác".

Bản lĩnh kém, bao che sai phạm
Con đường trở thành VIP của hai nhân vật rất quan trọng ở VFF là TTK Trần Quốc Tuấn và Phó TTK phụ trách thi đấu Dương Nghiệp Khôi khá dễ dàng. Thế nhưng, chính sự xuất thân của họ (đặc biệt là ông Dương Nghiệp Khôi) đã khiến các VIP này "khó ăn nói" với các đội bóng. Trong khi điều hành mùa giải 2005, ông Khôi thiếu sự nhất quán và đầy mâu thuẫn. Trong trận đấu giữa LG.HN.ACB và TMN.CSG, cho rằng trợ lý trọng tài bắt sai, "bầu" Kiên lập tức gọi điện cho ông Dương Nghiệp Khôi.

Chuyện gì xảy ra ai cũng biết, trọng tài biên bị thay thế. Ngoài ra, khi xử lý bất cứ sự kiện gì, ông Khôi đều có việc làm rất cẩn thận là mời các đương sự lên để "bàn bạc".

ông Khôi còn là người không giải quyết được mối bất hoà trong Hội đồng Trọng tài. Trong lần tập huấn trọng tài trước giải, ông Khôi có lời lẽ "thiên vị" một uỷ viên Hội đồng Trọng tài khiến Chủ tịch Hội đồng Trọng tài Nguyễn Ngọc Vinh nổi giận rồi nói lên tất cả những bức xúc của Hội đồng. Đến giai đoạn 2, Trưởng BTC giải lại bất đồng với Uỷ viên Hội đồng Trọng tài Đoàn Phú Tấn. Vị Trưởng BTC phủ nhận trách nhiệm với việc phân công trọng tài sai và đổ tội cho ông Tấn. Sau đó, ông Khôi giành luôn quyền phân công trọng tài. Tiếc rằng, hầu hết các sai phạm của đội ngũ trọng tài đều xuất hiện trong thời gian này.

Lại nói về sai phạm của trọng tài. Hơn ai hết, ông Khôi là người nắm rõ nhất. Các báo cáo của giám sát được chuyển thẳng đến Trưởng BTC giải. Thế nhưng, khi có báo cáo trọng tài Phạm Hữu Lộc, Lê Văn Tú và nhiều người khác nhận được "tin nhắn lạ" thì ông Khôi vẫn cho rằng, "đã ngăn chặn được tiêu cực". Sau đó, các trọng tài này tiếp tục được phân công bắt những trận "đinh" nhất. Điều đáng nói, sai sót của trọng tài khá rõ, nhưng ông Khôi vẫn bênh. Khi dư luận lên án trọng tài Lê Văn Tú trong trận đấu giữa SĐ.Nam Định và HL.Bình Định thì ông Khôi chỉ nhận định là "thiếu cương quyết" (?). Có ý kiến cho rằng, một số trọng tài nhận được "đặc ân" của ông Khôi đều là "bằng hữu"; đáng kể là các trọng tài Lê Văn Tú, Hoàng Thế Dũng, Đặng Thanh Hạ và Phạm Hữu Lộc.

Lúng túng, mất phương hướng
Công tác điều hành của VFF liên tục bị tác động bởi cuộc chiến chống tiêu cực. Ngày càng có nhiều sự cố thì VFF càng tỏ ra lúng túng. Họ thành lập Hội đồng tư vấn để "xét tội" của Đông Á - Thép Pomina cũng như tính toán nên thi đấu bao nhiêu đội ở mùa sau.

Thực ra, VFF muốn nhờ người khác để giải quyết các vướng mắc. Họ sẽ vô can nếu các đội bóng phản ứng bởi quyết định kỷ luật là do "Hội đồng Tư vấn đề nghị".

Người ta tự hỏi, tại sao VFF phải thành lập Hội đồng Tư vấn trong khi có đủ các ban Kiểm tra, Kỷ luật? Cảm nhận được sự phản ứng của dư luận với các trận đấu "có mùi", ông Dương Nghiệp Khôi thông qua sự tư vấn của một luật sư nảy ra sáng kiến thành lập "Hội đồng Thẩm định trận đấu" (bồi thẩm đoàn). Đây thực sự là một kiểu "dân chủ quá trớn" và trốn tránh trách nhiệm. VFF cần xử lý tiêu cực, nhưng lại nhờ nhà báo, người hâm mộ, quan chức CLB giúp mình. Chính "người trong nhà" cũng phải nói rằng: Con mình không dạy lại đi nhờ hàng xóm(!?). Điều đó cho thấy, VFF không dám đối diện với thách thức. Họ không đủ tự tin để bảo vệ cuộc chơi do chính mình đặt ra.

Và khi bị dư luận công kích về đề án trên, VFF lại nghĩ ra Ban Kỷ luật với các thành viên hoạt động không chuyên trách do ông Nguyễn Hải Hường đứng đầu. Thử hỏi, những phán quyết không dựa trên thực tế có thuyết phục? Rút cuộc, bằng mọi cách, VFF, BTC giải vẫn tìm cách đá quả bóng kỷ luật sang chân người khác.

CÁC TIN ĐÃ ĐƯA