Trọng tài sống bằng gì?
Các Website khác - 01/10/2005
Trọng tài sống bằng gì?
Nguyễn Nguyên

Trọng tài
Dương Mạnh Hùng.
Chắc chắn không phải bằng tiền liêm chính từ nghề trọng tài. Ông Dương Mạnh Hùng - người được xem là trọng tài nghiêm minh nhất qua nhiều lần từ chối nhận tiền bồi dưỡng - nói tiền làm nhiệm vụ chỉ đủ để ông càphê, thuốc lá và chiêu đãi bạn bè. Trọng tài này cũng cho biết, nguồn thu chính của ông không phải từ cái nghề chính của ông, mà từ cổ phần ông tham gia kinh doanh với bạn bè sau khi có ít vốn từ chuyến đi Đức về.

Nhưng trong giới trọng tài, mấy ai có nguồn thu nhập phụ nuôi nghề chính như ông Hùng. Những người có dạy (làm thầy) như ông Trí, ông Hiền... đến mùa phải bỏ dạy để cầm còi. Nhiều người quanh năm suốt tháng chỉ sống nhờ vào cái còi hay cái cờ, mỗi khi đi làm giải về.

Thu nhập chính đáng của trọng tài đếm được qua phép tính cộng và tính nhân. Nó bèo hơn cả thu nhập bình thường của một người thợ bậc 4 thế mà giới trọng tài vẫn cứ có thói quen quà cáp cho ông này, biết điều với ông nọ thì mới được gọi đi làm, mới được phân công và thậm chí là phân công trận "ngon". Cái từ "ngon" ở đây được tất cả ngầm hiểu là "ngon" từ đối tác chịu chơi, biết điều và hay bồi dưỡng.

Chính trong giới trọng tài thường kháo nhau, làm đội này thì cứ hoà sân khách, thắng sân nhà là có thưởng và làm đội kia thì có phong bì. Chuyện mà khi nói đến ai cũng xem là bình thường, với suy nghĩ bồi dưỡng thì nhận và tất cả mọi người đều nhận thì mình dại gì mà không nhận.

Chuyện này hỏi các vị ở ban tổ chức, ở liên đoàn biết không ai mà nói không là dối lòng mình. Thế là chuyện cho tiền trọng tài (và cả giám sát, quan chức...) đã trở thành hủ tục mà các đội bóng thường làm để tránh bị xử ép.

Mấy hôm nay, từ khi tổ trọng tài Lê Văn Tú nộp lại 130 triệu đồng, rất nhiều người xem lại băng ghi hình trận Đông Á Thép Pomina - Tôn Hoa Sen Cần Thơ để tìm lỗi. Dưới con mắt chuyên môn, thật khó để bắt lỗi tổ trọng tài này đã ép Tôn cho Thép lợi và hoà để lên hạng. Chính lãnh đạo đội Cần Thơ cũng nhìn nhận thế.

Cái giá cho một trận đấu không ép chẳng lẽ lên đến 130 triệu?

Câu hỏi này trùng với cái câu mà giới trọng tài vẫn thường khoe với nhau rằng, chỉ cần làm tốt và làm đúng thôi cũng có thưởng.

Cái thưởng ấy nó nuôi trọng tài, lại cũng là cách "xoá đói giảm nghèo" trong nghề, mà chỉ việc phân công cho cậu X, cậu Y được cầm còi hay cầm cờ thôi đã là ân huệ.

Thế nên nói nghề trọng tài vừa nghèo vừa nguy hiểm, nhưng ai cũng tranh nhau làm.