Bernard Arnault - Ông hoàng sành điệu thời trang
Các Website khác - 08/11/2004
Trong giang sơn của ông, mặt trời không bao giờ lặn.

Dưới "trướng" Bernard Arnault là các thương hiệu nổi tiếng: mỹ phẩm Dior, đồ da Louis Vuitton, đồng hồ Tag Heuer đến champagne Moet Chandon, cognac Hennerssy...

Năm nay 55 tuổi, Bernard Arnault là nhân vật giàu có hạng ở Pháp với tài sản cá nhân là 13 tỉ euro. Tuần báo Time, Mỹ xác định ông là một trong những công dân Pháp hiếm hoi có tầm ảnh hưởng lớn nhất trên thế giới.

Nhờ các cửa hàng hàng hiệu mà doanh thu 6 tháng đầu năm 2004 của tập đoàn LVMH do ông sở hữu và lãnh đạo đã là 6 tỉ euro. "Ông hoàng" này đã kết thúc năm kinh doanh 2003 rất thành công với lãi ròng tăng 9%, đạt 2,1 tỉ euro trên tổng doanh thu 13 tỉ euro, giá cổ phiếu tăng 47%.

Trong giang sơn B.A, mặt trời không bao giờ lặn

Một đối thủ cạnh tranh của Bernard Arnault (được các cộng sự viên thân tín quen gọi là B.A) nói như thế vì tập đoàn LVMH nay đã phát triển cơ ngơi kinh doanh trải rộng khắp châu Âu và lan sang Nhật, Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ và sắp tới đây là ở cả Nam Phi. Nếu như năm 2003, doanh thu từ thị trường Nhật tăng 16% (thương hiệu Louis Vuitton đã tròn 150 năm hiện diện ở Nhật vào tháng 9/2004 qua) thì doanh thu từ Mỹ đã tăng đến 26%.

Đây là tin vui lớn nhất của B.A vì Mỹ là nơi ông đã đến tìm cơ hội phát triển cơ ngơi từ năm 1981 mà mãi đến nay mới đem lại cho ông sự mãn nguyện. Tại Mỹ, B.A đã mua được thương hiệu thời trang Donna Karan New York và đã sở hữu 100 cửa hàng chuyên doanh dầu thơm Sephora cũng như hàng trăm cửa hàng miễn thuế Duty Free Shoppers (DFS) sau khi mua lại công ty này vào năm 1996.

Để có thể điều hành tốt giang sơn rộng lớn này, B.A không bao giờ có ngày nghỉ ngơi, thư giãn thực sự. "Ông ta đọc báo cáo, ra chỉ thị ngay cả khi đi nghỉ mát với chúng tôi", nam tước Albert Frère - hàng xóm của biệt thự nguy nga mà B.A đã xây cho gia đình mình ở Saint-Tropez kể. Tuần nào cũng vậy, cứ vào ngày thứ hai là B.A họp bàn chuyện làm ăn với những cộng sự viên của mình. Những cuộc họp càng trở nên căng thẳng hơn kể từ năm 1998, thời điểm mà nhà LVMH quyết chí chạy đua với nhà thời trang Italia lừng danh thế giới là Gucci để giành ngôi vị tập đoàn "thời trang deluxe" hàng đầu thế giới.

Theo nhãn quan của B.A, nhà Gucci vừa là đối thủ phải hạ vừa là tấm gương phải luôn nhìn đến mà noi theo. Cuộc cạnh tranh ác liệt này đã chỉ chấm dứt vào ngày 10/9/2001, khi nhà LVMH bán hết số cổ phẩn Gucci họ nắm giữ lâu nay để thu được một khoản lợi không nhỏ tí nào.

Còn hiện nay, sau hai năm tung tiền thâu tóm hơn 25 thương hiệu thời trang nổi tiếng thế giới, LVMH đã trở thành tập đoàn thời trang deluxe số một thế giới, nhà Richemong xếp hạng 2 và nhà Gucci hạng 3.

Sành điệu cả trong bố trí nhân tài

Một trong những lý do giải thích sự thành công lớn khó tưởng tượng nổi của các thương hiệu thuộc tập đoàn của B.A ở khắp thế giới là mô hình sáng tạo - quản lý do chính B.A đề ra. Ở mỗi thương hiệu là hiện diện song song một nghệ nhân thiết kế và một quản trị viên giỏi.

"Nối kết một người giỏi tính toán với một nghệ sĩ cùng làm việc trung thực là điều chưa có ai nghĩ đến ngoại trừ tỉ phú này", một cựu nhân viên nhận xét. Ở bên Louis Vuitton, ông B.A đã ghép nhà quản trị Yves Carcelle vào với nhà thiết kế thời trang tài danh Marc Jacobs; ở nhãn hiệu Dior thì nối kết Sidney Toledano với nghệ nhân John Galliano...

"Chính ông Bernard Arnault cũng đã trở thành một nghệ nhân sáng tạo nên những thành công. Không có lĩnh vực riêng biệt nào trong làng thời trang nói chung mà ông ta không rành rọt", nhà tư vấn thời trang Jean-Jacques Picart nhận xét.

Lý do quan trọng thứ hai giải thích cho thành công của giang sơn của B.A là đặt trọng tâm vào chất lượng sản phẩm. "Người Nhật từ lâu nghiện sử dụng đồ da mang nhãn hiệu Louis Vuitton nhưng họ là những người tiêu dùng rất sành điệu và rất kỹ tính. Họ đếm từng đường kim mũi chỉ trên hai quai của cái túi xách", Picart cho biết. Cho nên trong một xưởng ráp may đồ da Louis Vuitton ở ngoại ô Paris có cả một đội nhân viên suốt ca làm việc chỉ đếm các mũi chỉ trên quai túi.

"Chiếc túi nào thiếu một mũi kim là bị hủy nát ra thành nhiều mảnh nhỏ ngay. Làm như thế chất lượng hàng mới luôn được đảm bảo, khách sành điệu mới tiếp tục ủng hộ", tỉ phú Arnault nói.

Liên tục có sản phẩm mới, mẫu mã kiểu dáng mới nhưng sản phẩm nào cũng phải đạt chuẩn chất lượng cao và được trưng bày trong một không gian độc đáo có lực hút mạnh là một yếu tố quan trọng thứ ba trong giang sơn LVMH. "Kiến trúc cũng là một vũ khí bán hàng tối thượng trong thế giới riêng của B.A", nữ giám đốc Yves Carcelle phụ trách nhà Louis Vuitton cho biết. Mà riêng thương hiệu này thì hiện đã được trưng ở 323 điểm bán hàng và 168 cửa hàng lớn ở khắp thế giới.

"Chúng tôi nhắm phải đạt doanh thu 1 tỉ euro với thương hiệu Dior vào năm 2007-2008 và đẩy những thương hiệu hiện chỉ phát sinh 10% lợi nhuận, chẳng hạn như Givenchy, Loewe, Kenzo, Lacroix, Fred... lên đến mức từ 20% (như Dior, Sephora, DFS, Fendi, Celine, Pucci...) đến 36% (như Hennessy, Tag Heuer...) lợi nhuận", ông Arnault nói.

Có nghĩa là trong thời gian dài sắp tới, ông cũng sẽ chẳng hề biết đến một ngày hoàn toàn nghỉ ngơi là gì.

Theo Sài Gòn tiếp thị