Có nhiều sự chênh lệch
Các Website khác - 01/10/2005
Mẫu thiết kế của Quang Huy,
giải nhất cuộc thi năm 2004.
Lần thứ 2, chung kết cuộc thi Thiết kế thời trang Việt Nam 2005 (Vietnam Collection Grand Prix) diễn ra tại Hà Nội tối 1-10. 112 mẫu trình diễn là của 16 thí sinh TP Hồ Chí Minh trong số 28 thí sinh lọt vào chung khảo. Cuộc thi còn thể hiện sự chênh lệch giữa chất lượng bản vẽ và mẫu thiết kế.
"Chênh" giữa bản vẽ và mẫu thật

Lướt qua danh sách thí sinh dự vòng chung kết Vietnam Collection Grand Prix 2005 có thể thấy số lượng áp đảo của các thí sinh 8x, mà đa phần đều ở tuổi 21-22. Phải chăng, đó chính là yếu tố tạo nên những thể nghiệm táo bạo?! Một thí sinh có ý tưởng dùng chim bồ câu sống để làm chiếc mũ đội đầu. Song sự tưởng tượng độc đáo đó lại không thể thực hiện được, đơn giản vì, chú chim bồ câu đó không thể đứng yên trên đầu người mẫu.

28 bộ sưu tập sẽ được trình diễn tại Cung Thể thao Quần Ngựa, Hà Nội tối nay, và được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1. Theo đánh giá của BGK, mọi chất liệu có thể làm thời trang: lụa, tơ tằm, cotton, da, len..., đều đã được các thí sinh sử dụng. Song khi những thiết kế được thể hiện thành mẫu thật thì bộc lộ ngay sự "chênh lệch". Giữa lý thuyết là thực tế.

Nhà thiết kế Minh Hạnh, thành viên BGK- thừa nhận: chắc chắn BGK sẽ rất vất vả để chọn ra giải thưởng. Và, không phải năm nào chúng ta cũng tìm ra một "Grand Prix" xứng đáng. Năm nay, chất lượng bản vẽ tốt hơn nhiều so với mọi năm, nhưng bài thật thì lại kém vì nhiều ý tưởng đã không thể biến thành hiện thực. Các em còn quá thiếu vốn sống cũng như kinh nghiệm nghề nghiệp".

Chủ đề của Vietnam Collection Grand Prix 2005 là Sự giao hòa

Các giải thưởng: Giải thưởng lớn, Nhà thiết kế tương lai, Màu sắc, Ý tưởng, Chất liệu, giải của nhà thiết kế Junko Koshino... Công ty Honda Vietnam sẽ trao tặng một suất học bổng trị giá 1.000 USD và ba chiếc xe máy dành cho ba giải thưởng cao nhất của cuộc thi.


Mặt khác, những chất liệu và kiểu dáng từng được xem là "sáng tạo" trong nhiều năm trước nay tiếp tục lặp lại, tất nhiên là trong một hình dáng mới mẻ hơn, nhưng cũng vẫn gây cho người xem cảm giác đơn điệu và nhàm chán! Cũng có một vài sự nổi bật, song người ta lại thắc mắc vì không biết có ai "dám" mặc kiểu trang phục tương tự như thế ra đường?

Thực tế, tại Vietnam Collection Grand Prix lần đầu tiên năm 1999, thí sinh Nguyễn Quốc Bình (hiện có nhãn hiệu riêng qb) đã giành được giải thưởng khi mới 19 tuổi! Và có lẽ, cũng không phải ngẫu nhiên Quang Huy, một chuyên viên thiết kế của Lega Fashion, lại được trao Giải thưởng lớn vào năm ngoái. Có thể thấy, tuổi tác không phải là yếu tố quyết định. Nhưng điều quan trọng mà BTC cũng như BGK cuộc thi mong muốn là làm sao để thiết kế thời trang phải gắn với người tiêu dùng, nhất là khi Việt Nam đang hướng tới phát triển một nền công nghiệp thời trang.

"Chênh" giữa Hà Nội và TP Hồ Chí Minh


Nhà thiết kế thời trang Đặng Đức Hậu
và các mẫu thời trang dự thi.

Phải nói rằng, việc duy trì đều đặn một cuộc thi dành cho các nhà thiết kế thời trang trẻ liên tiếp từ năm 1999 đến nay quả là một cố gắng lớn của những nhà tổ chức và tài trợ. Tuy vậy, sau 6 năm, sự chênh lệch giữa các địa phương khi tham gia cuộc thi vẫn là một lỗ hổng chưa thể bù đắp được.

Năm 2005, thí sinh TP Hồ Chí Minh chiếm số lượng áp đảo với 16 người, trong khi Hà Nội có ba, lần lượt các tỉnh thành khác: Vũng Tàu, Kiên Giang, Cà Mau, Thanh Hóa, Bình Thuận, Tiền Giang, Đà Nẵng có duy nhất một thí sinh. Sở dĩ, hai năm nay, BTC chọn Hà Nội để trình diễn và trao giải thưởng Vietnam Collection Grad Prix cũng bởi mong muốn thu hút sự chú ý của người Hà thành vốn vô cùng "khắt khe" (cả về "gu" thẩm mỹ và kế hoạch chi tiêu) đến với thời trang.

Nhà thiết kế Tiến Lợi (Hà Nội) cho rằng, những người thiết kế trẻ ở Hà Nội có nhiều khả năng nhưng họ lại thiếu cơ hội để phát triển nghề nghiệp của mình... Còn tại cuộc thi năm nay, nhà thiết kế Minh Hạnh đánh giá: "Những bài thi chất lượng tốt nhất vẫn thuộc về TP Hồ Chí Minh".

Sáu năm qua, cũng có hàng chục nhà thiết kế trưởng thành từ cuộc thi Vietnam Collection Grand Prix và thành danh bằng con đường đi riêng của mình, hoặc đầu quân cho các nhãn hiệu lớn, như: Trọng Nguyên, Công Trí, Quốc Bình... mà những nơi "đãi ngộ" họ vẫn là "mảnh đất phương Nam".

Theo Theo Thể thao và Văn hóa