"Đẳng cấp" hàng hiệu
Các Website khác - 12/09/2005

Hàng hiệu là cách gọi chung những sản phẩm được sản xuất từ những nhãn hiệu nổi tiếng thế giới đặc biệt là thời trang - hiện đang trở thành xu hướng tiêu dùng của một bộ phận giới trẻ. Với một số người, sử dụng những bộ cánh hàng hiệu cũng là một cách để khẳng định nhu cầu và “đẳng cấp” bản thân.

Nghe thông tin cửa hàng thời trang Mango (Tây Ban Nha) ở Mạc Thị Bưởi, Q.l, TPHCM giảm giá 50%, cô bạn thân của tôi cấp tốc điện thoại rủ bạn bè đi mua sắm.

Đến cửa hàng lúc 8g30 tối, chúng tôi chứng kiến cảnh người mua đông đúc, xúm quanh kệ áo hai dây đủ màu được đặt ngay cửa với giá 9,90 USD/cái. Chất liệu vải không đẹp lắm, tính ra cũng trên 150.000 đồng/cái sau khi đã giảm giá nhưng mọi người vẫn mua, chỉ vì đó là hàng Mango. Cô bạn tôi la lên vì chiếc áo cô mới mua cách đó hai tuần với giá 36 USD nay được bán chỉ 24 USD, chưa kể hàng loạt các dây thắt lưng và quần jeans khác đều được giảm giá.

Một nhân viên cho biết: "Khi thư báo giảm giá được gửi đến các khách hàng VIP, tối hôm trước nhiều khách hàng đã đến "nhắm” sẵn các món mình thích và trở lại vào sáng sớm hôm nay để tính tiền theo giá đã giảm”.

Cách đây vài năm, các cửa hàng bán quần áo đại lý của các nhãn hiệu quốc tế chưa có nhiều ở Việt Nam. Dân sành điệu chỉ biết kháo nhau về mấy shop chuyên "hàng xách tay" như "Sài Gòn Thứ Bảy", "Hoàng Phúc" (Hai Bà Trưng), "Thủy Tiên" (Nguyễn Trãi), "Tuyết-Mai" (Nguyễn Đình Chiểu)...

Nay thì với sự ra đời của các trung tâm thương mại cao cấp như Super Bowl, Diamond, Parkson, các "con đường tơ lụa" chuyên hàng cao cấp như Nguyễn Trãi (Q.1), Đồng Khởi... cùng sự phát triển kinh tế đã làm dấy lên một làn sóng xài hàng hiệu để khẳng định nhu cầu và đẳng cấp. Dĩ nhiên chơi hàng hiệu là chấp nhận bỏ ra bạc triệu mỗi lần chi tiêu cho bộ vó của mình.

Trong giới tiêu dùng "sành điệu”, hàng Ý luôn dẫn đầu về giá cả lẫn đẳng cấp (như Gucci, Louis Vuitton, Dolce Gabbana, Versace, Armani...) rồi mới đến các nhãn hiệu Âu-Mỹ (CK, Banana, Levis, Morgan, Guess...), và châu Á như Giordano, U2, G2000, Bossini...

V. - một cô gái trẻ đang làm việc tại một công ty nước ngoài - khẳng định: "Giá hàng hiệu ở Việt Nam- cao hơn các nước lân cận rất nhiều. Đặc biệt, nếu bạn đi vào các mùa giảm giá, thậm chí bạn chỉ phải trả 30% so với giá trong nước". V. còn hướng dẫn đi nước ngoài mua hàng hiệu bằng cách mua tour du lịch của các công ty để có giá mềm, qua đó chỉ tranh thủ đi mua sắm.

Một năm, V. đi Singapore, Malaysia vài lần bằng cách đặt vé của hãng hàng không giá rẻ Tiger Airways, qua đó tự túc ăn ở. Tuy nhiên, cách này chỉ áp dụng được khi bạn đã rành đường đi nước bước và có vốn tiếng Anh giao tiếp kha khá.

Mùa sales ở Singapore vừa rồi (mới hết vào cuối tháng 7), T.N. đã đi du lịch kết hợp mua sắm. Khi về cô khoe chiếc áo Converse (Mỹ) rất đẹp, giá 190.000 đồng, giày Dior giá chỉ 350.000 đồng. Ở Singapore, Orchard Road là con đường để khách du lịch tiêu tiền với hàng loạt các cao ốc thương mại lộng lẫy. Nhưng, muốn săn hàng hiệu với giá mềm phải đến các trung tâm mua sắm ởã Albert Road như OG, Seiyu... Tuy nhiên, hàng giảm giá đều là hàng "No size", tức hàng không còn nhiều size hay màu sắc để lựa chọn.

Một lần đi Malaysia, tôi ghé đến Mid Valley, một trung tâm mua sắm nổi tiếng của Malaysia, tình cờ gặp hai cô gái trẻ Việt Nam. M. đang làm việc cho một công ty ở Khu Công nghiệp Việt Nam - Singapore tíu tít: "Tụi em tranh thủ lấy phép đi mua sắm. Ráng cày một năm không đi đâu chơi, để dành tiền qua đây vừa là du lịch nước ngoài, vừa mua hàng hiệu với giá mềm".

Theo PN