Người mẫu thời trang: Ít lên sàn diễn để vào phim
Các Website khác - 31/01/2005
Người mẫu thời trang:
Ít lên sàn diễn để vào phim

Minh Thi
Không có chương trình thời trang lớn trong năm, ngoài hai show Xuân hạ - Thu đông và sân chơi Vietnam Collection Grand Prix. Một năm vắng lặng của ngành thời trang Việt Nam, dẫu các nhà thiết kế trẻ thi nhau trình diễn các bộ sưu tập của mình. Không khí của sàn diễn chỉ thực sự được hâm nóng nhờ một trào lưu mới - người mẫu đóng phim ở mọi nơi.

Mẫu thời trang áo dài của
nhà thiết kế Quang Tân.
Họ mang theo bộ mặt rất lạnh trên sàn diễn vào phim nhựa và phim truyền hình. Trường phái "lạnh" này dẫn đầu là người mẫu Ngọc Thúy, Xuân Lan cho đến Bằng Lăng, Anh Thư, Bảo Hòa, Yến Ngọc... Lời nói nhấp ở miệng, nhưng gương mặt thì hầu như không mấy nét cử động. Họ cười, họ khóc hay lên giọng điệu cứ như những đoá hoa hồng ướp lạnh và chẳng hợp với ngữ cảnh. Trong các cô người mẫu đóng phim, thành công nhất có lẽ là Hồ Ngọc Hà và Bằng Lăng. Cả hai cũng đã để lại một vài nét cá tính của nhân vật.

Nhưng dẫu sao cũng có một chút an ủi là khi cái thời biểu diễn trên sàn có dấu hiệu đi xuống, thì chuyển sang nghề đóng phim tay trái cũng để lại vài tia sáng cuối cùng trước khi tên tuổi họ tắt lịm trong đầu óc lơ đãng của đám đông hiếu kỳ hoặc ngập chìm trong scandal. Lớp người mẫu này đang được gọi là thế hệ đa năng.

Các nhà thiết kế, nhiếp ảnh đánh giá cao về phong cách, sự linh hoạt khi trình diễn của họ, hơn xa các đàn chị nổi đình nổi đám trong giới nhưng chểnh mảng về chuyên môn; còn các đạo diễn cũng hài lòng vì đã làm một cuộc thay thế về thị giác với một loạt hình ảnh tươi mới của họ nhằm làm rối đầu người xem không biết mình đang coi loại phim nào. Ở sàn diễn, họ bước ra khỏi nỗi lo sợ làm cái giá áo di động, đại diện cho những nhu cầu ảo của thế giới công nghiệp thời trang; còn ở phim ảnh họ là những người đẹp bỡ ngỡ dưới ánh sáng trường quay nhưng làm vui mắt công chúng cần hoạt náo.

Tuy nhiên, nếu xét ở góc độ như vậy, ở đâu người mẫu cũng thiệt thòi. Thậm chí sự nổi tiếng cũng luôn gắn với sự tai tiếng vì nghề của họ.

Kim Hồng, người mẫu
nghiêm túc với nghề.
Khởi đầu bằng sự cố "Tuyển chọn nghệ sĩ" và thời trang kinh dị của Thúy Nga, cả làng người mẫu chịu cái nhìn lên án của người đời. Kết thúc năm bằng sô diễn lộn xộn trong một chương trình ca nhạc có tiếng mà thực chất thiếu sót quá nhiều về khâu chuẩn bị, xem như một năm hạn của nghề biểu diễn thời trang. Nhưng bù lại, các sô Vietnam Collection, Festival hàng năm có phần giúp họ lấy lại cân bằng và thực sự thể hiện sức lao động cực nhọc trong nghề. Các gương mặt nổi bật, nghiêm túc và có những đóng góp hiệu quả trong ngành thời trang là Xuân Lan, Anh Thư, Bằng Lăng, Uyên Lan, Tống Bạch Thủy, Thanh Hằng, Thanh Trúc...

Nhưng đến nay, một số người mẫu bỏ nghề, như Xuân Lan, Dương Yến Ngọc..., còn lại thì vừa mở cửa hàng thời trang, đồ trang sức, vừa biểu diễn và tham gia đào tạo người mẫu. Kim Hồng, gương mặt đặc sắc trong làng người mẫu cho rằng nếu không đi diễn nữa thì cô cũng chuyển sang kinh doanh. Trong khi các bạn đổ xô đi đóng phim thì cô bình chân như vại trên sàn diễn, chụp quảng cáo... vì thấy trước rằng mình không có mấy khả năng về lĩnh vực này và cũng không đủ tự tin nhập cuộc để rồi bị "thải theo thời vụ". Theo cô, thời trang VN đang có những bước chuyển động, rõ ràng có những tín hiệu sắp chuyên nghiệp, nhưng nhìn chung, nghề đào tạo người mẫu vẫn chưa thấy một chút rậm rịch nào. Ngoại trừ công ty PL đang đào tạo lớp người mẫu mới, hầu như các nơi đều chỉ mời các người mẫu có kinh nghiệm hướng dẫn vài bước đi cơ bản...

Dường như chỉ có ngần ấy người mẫu làm được việc, nên các cô quay như chong chóng hết sô này sang sô khác (những sô mang tính chất thương mại, quy mô nhỏ) vì năm nay không có sô lớn cả về quảng cáo. So với đóng phim, tiền thù lao của họ trên sàn diễn ổn định và cao hơn (cao nhất là 100 USD/đêm), nhưng do sự thất thường, bấp bênh mà người mẫu sẵn sàng nhảy sang đóng phim để lấy tiếng.

Người đóng nhiều phim nhất trong năm nay là Bằng Lăng. Cô cho biết: "Với 4 phim ("Gái nhảy", "Lọ Lem hè phố", "Dốc tình" và "Nữ tướng cướp"), tôi có được kinh nghiệm đứng trước ống kính và diễn xuất sao cho có tâm trạng. Tuy nhiên, để khắc hoạ một tính cách vẫn còn xa, chưa kể khả năng biến hoá trong diễn xuất. Trong điều kiện sàn diễn thu hẹp lại trong nước, ít sô diễn thời trang quốc tế Pháp - Việt, Anh - Việt như trước đây, hầu như cả năm tôi đi đóng phim, rảnh mới tham gia trình diễn thời trang".

Cuối cùng thì có thể nhận thấy đằng sau sự ồn ào trên phim trường là một sự ngưng trệ giậm chân tại chỗ của ngành biểu diễn. Giai đoạn nào rồi cũng sẽ qua, chỉ khổ cho các người mẫu vì đá nhầm sân khác mà lụi nghề, mà sân khác thì cũng chẳng phải vẻ vang gì và cũng không dễ để "dây máu ăn phần".