Quần áo Việt – Mạnh ai nấy may
Các Website khác - 17/10/2005

Nino Maxx đã có trên 50 cửa hàng ở một số tỉnh – thành; Việt Tiến tung ra nhiều dòng sản phẩm nhắm vào giới tiêu dùng trẻ và xây dựng chuỗi cửa hàng thời trang cao cấp cho từng nhãn hiệu khác nhau... Hệ thống phân phối mở ra khắp nơi, chứng tỏ sự lớn mạnh của thời trang Việt Nam nhưng cũng đồng thời là một cuộc cạnh tranh khá gay gắt.

Mạnh ai nấy tìm đường

Theo .Hiệp hội Dệt may Việt Nam...(Vitas), sản phẩm tiêu thụ nội địa của các doanh nghiệp dệt may mấy năm gần đây tăng trưởng rất khả quan. Năm 2004, tổng doanh thu hàng dệt may nội địa đạt khoảng 1,1 tỉ USD và dự kiến năm 2005 sẽ đạt khoảng 1,5 tỉ USD. Tuy nhiên, "thời trang Việt Nam hiện nay đã phát triển theo kiểu mạnh ai nấy tìm đường, đó là nhận xét chung của những người làm thời trang. Cả nước có hàng ngàn đơn vị làm thời trang nhưng không có sự định hướng rõ ràng về xu hướng thời trang... Để tìm chỗ đứng trên thị trường, các doanh nghiệp phải tự tìm tòi học hỏi, đưa ra những “lối đi” cho mình. Việt Tiến sau gần 10 năm thành công với áo sơ mi nhãn hiệu Viettien, công ty đang "đánh mạnh" vào giới tiêu dùng trẻ bằng chiến lược định vị đa nhãn hiệu và phục vụ nhiều đối tượng, nhiều độ tuổi khác nhau.

Ngay từ lúc mới ra đời, Công ty Thời trang Việt với thương hiệu Nino Maxx đã xác định giới trẻ là mục tiêu. Với phong cách trẻ, công ty liên tục cho ra đời những mẫu mã mới. Hiện tại, Thời trang Việt có 4 nhãn hiệu là Nino, Maxx, Nino Maxx và NMSG. Trong đó, đa phần là thời trang dạo phố và chỉ một ít dành cho thời trang công sở.

Các đơn vị như Legamex, Phương Đông, ngoài sơ mi, quần tây, còn được người tiêu dùng biết đến những nhãn hiệu thời trang "đa phong cách". Nhằm vào giới trẻ, Công ty May Phương Đông vừa mới khai trương một cửa hàng chuyên về hàng cao cấp; Xinh, YF, Việt Thy... cũng nổi bật với thời trang trẻ.

Nhận xét về thị trường nội địa, ông Nguyễn Đức Hùng – Giám đốc điều hành Công ty May Phương Đông cho rằng: "Đây là một thị trường lớn, khó tính và cạnh tranh ngày càng khốc liệt". Ở trong nước, doanh nghiệp phải liên tục đưa ra mẫu mới, tìm kiếm thị trường, nhưng đau đầu nhất vẫn là nạn ăn cắp mẫu mã.

Đã vậy, hàng Trung Quốc, Hàn Quốc giá rẻ, mẫu mã nhiều, lại thay đổi thường xuyên đang tràn ngập thị trường là áp lực rất lớn cho doanh nghiệp Việt Nam. Theo đánh giá của Bộ Thương mại và Tổng Công ty Dệt may Việt Nam, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam hiện đáp ứng được khoảng 80% nhu cầu nội địa, khoảng 10% là các loại quần áo thời trang cao cấp của Mỹ, Anh, Ý, Pháp... Nhưng điều đáng nói là trên 10% nhu cầu còn lại đang bị hàng Trung Quốc, Thái Lan... chiếm lĩnh. Do nhập lậu, trốn thuế nên hàng của những nước này có giá rất thấp. Điều này đã gây ảnh hưởng xấu đến môi trường kinh doanh.

Cuộc đua nước rút

Trong bối cảnh khó khăn đó, để tạo chỗ đứng trên thị trường nội địa, các doanh nghiệp mạnh phát triển thị trường nội bằng việc xây dựng thương hiệu, hệ thống bán lẻ, áp dụng các phương thức bán hàng hiện đại và đa dạng, nâng cao chất lượng các dịch vụ đối với khách hàng. Ông Phan Văn Kiệt - Giám đốc điều hành Công ty May Việt Tiến cho biết, từ nay đến cuối năm, công ty sẽ dành 5 tỉ đồng để đẩy mạnh kênh phân phối nhãn hiệu Vee Sendy. Giữa tháng 10,

một cửa hàng mới, kinh doanh nhãn hiệu Vee Sendy sẽ được mở tại đường Lê Lợi; cuối tháng 11 tới, một trung tâm thời trang nhãn hiệu Vee Sendy và T-up cũng sẽ đi vào hoạt động. Vào dịp cuối năm này, Nino Maxx sẽ trình làng bộ sưu tập thu đông với khoảng 300 – 400 mẫu mới. Công ty cũng sẽ mở thêm 2 cửa hàng tại Hà Nội. Đẩy mạnh tiêu thụ nội địa trong những tháng cao điểm, Công ty May Phương

Đông sẽ giới thiệu 2 bộ sưu tập và 2 cửa hàng mới tại TPHCM. Hiện tại Phương Đông đã "mở màn" chương trình cuối năm bằng việc giảm giá từ 30% - 70% hàng loạt sản phẩm tại cửa hàng chuyên doanh mới khai trương trên đường Nguyễn Kiệm.

"Cuộc đua gần" đã như thế, doanh nghiệp ngành dệt may “càng mệt" khi Việt Nam thực hiện đầy đủ AFTA và gia nhập WTO!

Tìm đâu nhãn hiệu tiếng Việt?

Với áo sơ mi và quần ka ki, người tiêu dùng rất khó phân biệt hàng nào của hãng nào vì chất liệu vải tương tự, kiểu may không khác nhau và giá cũng chẳng chênh lệch mấy. Thông thường loại áo sơ mi bán chạy nhất có giá 120.000 - 130.000 đ, cũng có loại rẻ hơn với giá 70.000 - 80.000 đ và hàng "xịn" lên đến 400.000 - 800.000 đ. Chính sự "không khác nhau” đó đã khiến nhiều khách hàng phải phân vân khi chọn lựa sản phẩm. Ở áo sơ mi, người tiêu dùng chẳng thể biết nhãn hiệu nào của công ty nào, ngoại trừ một số ít ỏi nhãn hiệu tiếng Việt. Hầu hết các công ty đều có hàng mang các nhãn ngoại như Ralph Lauren, Polo Arrow, Coombo... Nhiều chủ shop quần áo cho biết, chỉ có khách nước ngoài hay Việt kiều mới quan tâm đến nhãn hiệu, còn đa số khách trong nước thì không màng đến cái mác. Mác tây, mác Việt không thành vấn đề, họ quan tâm đến chất lượng áo (vải đẹp, may khéo) và giá cả.

Ngay cả ở các công ty dệt may lớn như Việt Tiến, Việt Thắng, Phương Đông, Nhà Bè, Tây Đô May 10... cũng có rất ít sản phẩm mang nhãn hiệu bằng tiếng Việt. Việt Tiến, ngoài những sản phẩm mang mác ngoại do may gia công và hàng mang nhãn hiệu Viettien, công ty đang phát triển nhiều dòng sản phẩm nhưng tất cả đều mang nhãn tiếng nước ngoài, như Vee Sendy, Vie Laross, T-up... Sau thành công của hai dòng sản

phẩm F.House và Wrap -U, Công ty Dệt may Phương Đông lại trình làng hai nhãn hiệu độc đáo là Triple Care và Unique Care. Ngoài tính chất thời trang và công dụng, hai dòng sản phẩm này có thêm “chức năng" chống tia cực tím, chống khuẩn.

Công ty Thời trang Việt với thương hiệu Nino Maxx mới ra đời năm 1998, cũng phát triển theo hướng này. Với các sản phẩm thời trang dành cho giới trẻ, Nino Maxx đã cho ra đời 4 dòng sản phẩm là Nino, Nino Maxx, Maxx và NMSG.

Giải thích về ba dòng sản phẩm nhãn hiệu Vee Sendy, Vie Laross và T-up, ông Phan Văn Kiệt - Giám đốc điều hành Công ty May Việt Tiến cho rằng: “Không hoàn toàn là tiếng Anh mà mỗi một nhãn hiệu có một ý nghĩa riêng. Chẳng hạn, Vee Sendy thì chữ Vee là Việt Nam còn send chính là gửi đi, gửi đến. Như vậy, Vee Sendy là mang đến sự năng động cho giới trẻ. Tương tự, T-up có nghĩa là Việt Tiến đi lên... Và "sở dĩ chúng tôi không dùng tiếng Việt vì

xây dựng một nhãn hiệu thì không thể chỉ quẩn quanh trong nước mà phải ra nước ngoài. Mà một nhãn hiệu muốn phát triển ra nước ngoài thì phải "lớn mạnh" ngay ở thị trường nội địa. Hơn nữa, với người nước ngoài, tiếng Việt rất khó đọc và khó nhớ”.

Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, khách hàng hiện nay không chú ý đến hàng sản xuất ở đâu, thương hiệu gì mà cái họ cần là sản phẩm tốt với giá cả hợp lý. Tuy vậy, quần áo mà mang tên bằng tiếng Anh thì nghe có vẻ... thời trang hơn!

(Doanh nhân SG)