Lễ hội diễn ra trong suốt 4 ngày, từ 29-4 đến 2-5, tại các địa điểm: Công viên 30-4, Công viên 23-9, Công viên Chi Lăng, Khu Du lịch Văn Thánh, Công viên Gia Định, các khu vực trung tâm TP và khu vực trọng điểm các huyện ngoại thành TPHCM
Lễ khai mạc trên sân khấu hoành tráng nhất
Có nhiều sân khấu lớn tại các khu vực trung tâm của lễ hội, nhưng sân khấu trước Nhà hát TP, nơi diễn ra lễ khai mạc lễ hội, là sân khấu có quy mô lớn chưa từng có tại TPHCM, toàn bộ diện tích quảng trường trước Nhà hát TP và diện tích công viên chạy dài đến đài phun nước trước trụ sở UBND TPHCM đều trở thành sân khấu của lễ hội. Lễ hội khai mạc bằng một chương trình biểu diễn nghệ thuật hoành tráng nhất do các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp tại TPHCM và 7 đoàn nghệ thuật của các nước Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Ấn Độ, Indonesia... biểu diễn. Bằng việc sử dụng nghệ thuật nhạc kịch, vũ kịch, hợp xướng và điện ảnh, chương trình nghệ thuật do các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp tại TPHCM như: Nhà hát Ca múa nhạc Dân tộc Bông Sen, Nhà hát Giao hưởng và Vũ kịch TPHCM, Nhạc viện TPHCM, Đoàn Nghệ thuật Quân khu 7, Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật TPHCM... tham gia biểu diễn sẽ được dàn dựng xuyên suốt, nhằm tái hiện những cuộc đấu tranh hào hùng của dân tộc Việt Nam nói chung, TPHCM nói riêng trong suốt quá trình lịch sử xây dựng và bảo vệ đất nước, trong thời kỳ đổi mới và hội nhập với bè bạn năm châu. Gần 500 diễn viên, nhạc công tham gia thể hiện cho chương trình này.
Liên hoan Văn hóa nghệ thuật dân gian: Cuộc hội ngộ 36 dân tộc anh em
Một hoạt động lớn nằm trong khuôn khổ lễ hội là Liên hoan Văn hóa nghệ thuật dân gian TPHCM 2005. Đây cũng là dịp quy tụ khá đầy đủ các đơn vị nghệ thuật dân gian trong cả nước về chung vui cùng TPHCM. Có 704 diễn viên tiêu biểu cho 36 dân tộc của 24 đơn vị nghệ thuật sẽ tham gia biểu diễn 23 chương trình nghệ thuật, 11 lễ hội và diễn xướng dân gian, biểu diễn trang phục dân tộc, biểu diễn trò chơi dân gian... Trung tâm của liên hoan diễn ra trên các sân khấu tại Công viên 30-4. Liên hoan khai mạc vào đêm 30-4 bằng một chương trình diễu hành trên đường phố mang tên Con đường di sản văn hóa từ kinh Bắc đến phương Nam. Cuộc diễu hành quy tụ hơn 15 dàn nhạc gõ truyền thống của các dân tộc thuộc các vùng, miền trong cả nước. Có thể nói, đây là cuộc biểu dương nhạc cụ dân gian độc đáo của các dân tộc Việt Nam trong ngày hội lớn.
Lễ hội áo dài trên nền nhạc giao hưởng
![]() |
Kiểu áo dài hiện đại của Minh Hạnh sẽ được trình diễn trong lễ hội áo dài |
Lễ hội áo dài với tên gọi Nhịp điệu áo dài diễn ra trên sân khấu lớn trước Nhà hát TP trong đêm 1-5, do Viện Mẫu thời trang Việt Nam thực hiện. Chương trình quy tụ 16 nhà thiết kế thời trang trong cả nước tham gia. 800 bộ áo dài mới nhất thiết kế theo chủ đề xuyên suốt sẽ được trình diễn bởi 200 người mẫu chuyên nghiệp kết hợp với các đạo cụ, những vật dụng trong sinh hoạt hằng ngày của người dân Sài Gòn xưa và nay cùng các diễn viên múa, nhằm thể hiện sống động phong cách sống của một Sài Gòn - TPHCM đầy năng động. Điều đặc biệt là chương trình biểu diễn lễ hội áo dài được diễn ra trên nền nhạc sống của dàn nhạc giao hưởng gồm hơn 70 nhạc công. Ở đó các thành viên trong dàn nhạc, kể cả người chỉ huy cũng đều trong trang phục áo dài truyền thống.
Lễ bế mạc đêm 2-5 cũng là một chương trình biểu diễn nghệ thuật hoành tráng, với sự tham gia biểu diễn của các đoàn nghệ thuật trong và ngoài nước trên sân khấu nước, ánh sáng laser tại Công viên 30-4.
Đêm hát cho đồng bào tôi nghe Nhằm kỷ niệm 30 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ôn lại quá khứ hào hùng và giáo dục lòng yêu nước cho thế hệ trẻ, Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn, Công ty Dịch vụ Du lịch Phú Thọ phối hợp với Thành đoàn, Đài Truyền hình TP và Báo Tuổi Trẻ tổ chức chương trình “Đêm hát cho đồng bào tôi nghe” vào 19 giờ chủ nhật 24-4-2005 tại sân khấu Nhạc nước Công viên Văn hóa Đầm Sen. Chương trình gồm: giao lưu với các nhạc sĩ trong phong trào “Hát cho đồng bào tôi nghe” như: Tôn Thất Lập, Trần Long Ẩn, Nguyễn Văn Sanh, Nguyễn Tuấn Kiệt, Nguyễn Nam, Trần Xuân Tiến..., biễu diễn các tiết mục múa, hát các bài ca thời đấu tranh cách mạng. Góp mặt biểu diễn có Anh Bằng, Thanh Thúy, Thùy Trang... và các ca sĩ thời phong trào chống Mỹ, các nhóm nhạc: Giai điệu xanh, Nhạc viện TP và Vũ đoàn ABC. P.V |
Triển lãm đường phố Nét đẹp Sài Gòn - TPHCM lần II năm 2005 - Trục đường Đồng Khởi từ Nguyễn Du đến Lý Tự Trọng: Sẽ bố trí các tiểu cảnh thôn quê Nam Bộ với nhóm ảnh Sài Gòn xưa, 30 ảnh trắng đen chọn lọc được chụp từ những năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Tiếp theo là nhóm 30 ảnh nghệ thuật - những hình ảnh lắng đọng tiêu biểu về chiến thắng 30-4-1975 - 30 năm xây dựng, phát triển của TPHCM. Những tác phẩm chụp về TP đoạt giải thưởng trong và ngoài nước do Hội Nhiếp ảnh TP tuyển chọn. - Khu vực dọc đường Đồng Khởi - Công viên Chi Lăng: Cụm hình ảnh tiêu biểu được tuyển chọn mới nhất từ cuộc thi ảnh thời sự - nghệ thuật “Nét đẹp Sài Gòn - TPHCM lần II năm 2005”. Gồm 90 ảnh các chủ đề đất nước con người, những công trình mới, bảo vệ phát huy di sản văn hóa trên địa bàn TP... phát triển và hội nhập. - Đặc biệt khu vực trung tâm Công viên Chi Lăng lần này được trưng bày 20 cặp hình ảnh chất liệu mới (khổ lớn l, 2 m x 2,4 m) những ảnh đối chiếu cảnh quan TP xưa và hiện nay được chụp từ trên cao do Tổng Lãnh sự quán Pháp, Air France, Viện Trao đổi Văn hóa với Pháp (Idecaf) trao tặng. Triển lãm sẽ khai mạc vào lúc 9 giờ sáng ngày 28-4-2005. |
Huy Nguyên
▪ Nguyễn Thị Huyền sẽ vẫn học nếu có điều kiện (21/04/2005)
▪ Thiết kế mùa hè độc đáo (21/04/2005)
▪ Bùi Thị Diễm: 'Hãy coi tôi là một diễn viên' (21/04/2005)
▪ Hành trình 30 năm của áo dài Việt (21/04/2005)
▪ Brittany Murphy, gương mặt rạng rỡ trang bìa Maxim 5/2005 (21/04/2005)
▪ Việt Nam không dự thi Hoa hậu Hoàn vũ 2005 (20/04/2005)
▪ Người mẫu Việt Nam trên sàn diễn quốc tế (20/04/2005)
▪ Hoa đẹp trong thế giới người mẫu (19/04/2005)
▪ Eva Mendes - nóng bỏng và gợi tình (18/04/2005)
▪ Người mẫu Dương Yến Ngọc tự bạch (18/04/2005)