Trang phục "mì ăn liền": Vũ khí mới của thời trang Âu Mỹ
Các Website khác - 13/11/2005
Trang phục "mì ăn liền":
Vũ khí mới của thời trang Âu Mỹ

Nhiều, nhanh, rẻ, thay đổi mẫu mã theo tuần chứ không theo mùa như trước đây - thời trang Âu Mỹ đang phát sốt với những mẫu quần áo được đưa ra thị trường theo tốc độ "mì ăn liền" (fast fashion), với vài kẻ dẫn đầu như TopShop của Anh, Zara của Tây Ban Nha và H&M của Thuỵ Điển.

TopShop - hãng bán lẻ của Anh, xuất hiện cách đây 41 năm - vốn trước nay vẫn bị mang tiếng chỉ là "theo đuôi" các tên tuổi nổi tiếng trong làng thời trang, thì bây giờ vụt lên thành kẻ dẫn đầu sau buổi trình diễn tại London tháng 10 vừa qua. Dịch vụ "thiết kế tại chỗ", may đo luôn của TopShop đã gây được ấn tượng đặc biệt cho khách hàng. "Thời trang nhanh - rẻ không còn là đồ mặc một lần nữa" là thông điệp ẩn chứa trong những mẫu thời trang in hoa văn cỡ lớn, quần soóc và áo váy bó sát mình của TopShop. Xu hướng fast fashion hiện đang chi phối cả nền công nghiệp dệt may Châu Âu.

Theo Hãng tư vấn Bain & co.LTD, ngày nay không chỉ giới trẻ ưa mặc fast fashion. Trên thị trường Tây Ban Nha doanh số của loại thời trang này chiếm 20% tổng doanh thu (tương ứng với 12% ở Anh), hai thị trường đang tăng trưởng nhanh là Pháp (8%) và Đức (5%). Trên thị trường bán lẻ Châu Âu, TopShop, Zara và H&M tăng trưởng 20-30% năm. Zara khởi nghiệp năm 1975 từ một cửa hàng bán lẻ duy nhất, nay đã trở thành nhà bán lẻ lớn thứ 3 thế giới, doanh số 2,8 tỉ euro/năm. Với H&M - hãng thời trang bình dân của Thuỵ Điển, những nhà thiết kế, từ danh tiếng như Karl Lagerfeld đến ít nổi tiếng hơn như Stella McCartney (con gái của Sir Paul McCartney, cựu thành viên ban nhạc Beatles) cũng góp mặt.

Đặc trưng của Zara là thay đổi mẫu hàng trong khoảng từ 2 đến 4 tuần, chứ không theo mùa. Fast fashion còn ép những tên tuổi như Gucci và Burberry phải tăng tốc độ đưa hàng mới tới shop. "Tại mọi ngõ ngách, người tiêu dùng đang mong đợi hàng đến tay họ nhanh hơn, và luôn có mẫu mới nhất", doanh nhân Philip Green, chủ Tập đoàn Arcadia Group trị giá 1,7 tỉ USD, sở hữu nhãn hiệu TopShop, nói.

Thời trang "mì ăn liền" thắng thế nhờ ăn theo xu hướng toàn cầu hoá. Thay vì làm ở Trung Quốc, những hãng như Zara sản xuất 70% số hàng của mình ngay tại Thổ Nhĩ Kỳ, Châu Âu và Bắc Mỹ. Điều này đi ngược lại với lý thuyết là quần áo đại chúng nên sản xuất ở nơi nào có giá thành hạ nhất.

Thật không đơn giản khi lương công nhân chiếm 25-35% giá thành sản phẩm, các mẫu fast fashion tại shop cần đổi vài tuần/lần và phí vận chuyển lại tăng. Nhưng các nhà sản xuất vẫn quyết định chuyển hàng từ Đông Âu, Italy, Turkey hay Morocco về (vì thời gian chỉ tính theo ngày, trong khi từ Trung Quốc về phải tính theo tuần). Hơn nữa, chênh lệch về giá công lao động giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Quốc (khoảng 1,2 USD/giờ) đang trở nên ít quan trọng hơn. Bởi thế, TopShop làm tới 60% hàng của mình ngay tại Châu Âu, và còn dự tính tăng tỉ lệ này trong năm 2006.

Thời trang "mì ăn liền" có thể giúp ngành công nghiệp dệt Châu Âu đang trong giai đoạn 30 năm suy thoái không? Đây chính là câu hỏi của thời cuộc, trong khi Châu Âu đang chống chọi trước cơn lũ hàng may mặc giá rẻ Trung Quốc. Hè 2005, khi lần đầu tiên hàng made-in-China vượt quá số lương quota được cấp, quan chức EU đã ách chúng lại ở biên giới EU (dù sau đó một hiệp định đã được ký kết cho phép một phần số hàng này được vào thị trường).

Có những chuyên gia phân tích cho rằng fast fashion chính là hy vọng của Châu Âu trong cuộc chiến chống hàng dệt may Châu Á, vì những hãng như TopShop và Zara thậm chí cả những hãng bán lẻ lớn hơn như Marks & Spencers của Mỹ tham dự thị trường này. Các chuyên gia thương mại khẳng định thời trang "mì ăn liền" sẽ là vũ khí giúp Châu Âu chống hàng dệt may Trung Quốc, khi toàn bộ quota sẽ bị gỡ bở năm 2008. Thời trang "mì ăn liền "còn giúp Châu Âu phát triển ngành công nghiệp dịch vụ, khi mỗi cửa hàng mới mở là tạo thêm nhiều nghìn việc làm. Đỗ Đức (Newsweek)