Nhìn từ góc độ văn hóa nói chung và mỹ thuật nói riêng, những bộ trang phục và hoa văn thổ cẩm trên trang phục của các tộc người sinh sống trên đất nước Việt Nam là cả một kho tàng rộng lớn, quý báu và rất đáng tự hào. Gần 130 bộ trang phục thường ngày, lễ hội, tôn giáo, tín ngưỡng... của bà con các dân tộc anh em trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam được trưng bày tại cuộc triển lãm này đều có thể đánh giá như những tác phẩm nghệ thuật có giá trị, gây ấn tượng với người xem. Sự hấp dẫn của triển lãm còn ở hàng trăm hiện vật và công cụ, nguyên liệu, gần 300 ảnh minh họa về nghề dệt, may ở mỗi vùng.
Hàng nghìn năm nay, hầu hết các tộc người Việt Nam đều có truyền thống dệt vải phục vụ cuộc sống tự cung tự cấp. Vải được dệt ra không chỉ để may quần áo, chăn đệm, phục vụ các nghi lễ tôn giáo hay để trao đổi lấy hàng hóa khác ở chợ, ý nghĩa thực dụng của vải chỉ là một phần, ý nghĩa văn hóa mà mỗi dân tộc gửi gắm trên từng đường chỉ dệt, từng mũi kim thêu của mình mới là một phần quan trọng.
Một cuốn sách nổi tiếng của nhà dân tộc học, cố giáo sư Từ Chi, có nhan đề "Hoa văn cạp váy Mường" đã đem lại những kiến giải rất sâu sắc về những chi tiết hoa văn trong trang phục, liên quan đến lịch sử, văn hóa, truyền thống của người Mường. Nhìn vào trang phục, hoa văn, họa tiết trên áo quần, váy, khăn túi, đồ dùng..., chúng ta có thể hình dung ra một phần xã hội, thời đại, phong tục tập quán, nếp sống, quan niệm về nhân sinh, về vũ trụ... của một cá nhân hay một cộng đồng. Hình ảnh trồng dâu nuôi tằm để lấy tơ dệt ở vùng đồng bằng, tước lanh xe sợi, quay xa, thêu thùa ở miền núi... gắn liền với hình ảnh người phụ nữ Việt Nam bao đời nay. Thậm chí dệt vải, vá may, thêu thùa giỏi được coi là thước đo giá trị của người phụ nữ truyền thống. Sự thay đổi một số giá trị văn hóa truyền thống, cũng như tốc độ phát triển nhanh của máy móc công nghiệp trong thời hiện đại, cho chúng ta rất nhiều loại vải dệt công nghiệp, quần áo với nhiều kiểu dáng mẫu mã tiện dụng, được sản xuất hàng loạt khiến nghề dệt may, thêu thùa truyền thống bị ảnh hưởng rất nhiều. Nhiều nơi, bà con dân tộc cũng đã mặc đồ may sẵn, mua vải công nghiệp, thêu hoa văn trên máy... Theo khảo sát thực tế, chỉ còn một số ít tộc người như Thái, Mường, ở Mai Châu (Sơn La), người Tày ở Nước Hai (Cao Bằng), người Thái ở Điện Biên, người Mông ở Lào Cai, Bắc Quang (Hà Giang) có người Pà Thẻn, Đác Lắc có người Ê Đê, Ninh Thuận, An Giang có người Chăm... còn ít nhiều bảo lưu nghề dệt vải thủ công truyền thống, nhưng đã bị thu hẹp rất nhiều so với trước kia.
Tuy nhiên, nhìn lại nghề dệt thêu truyền thống đang mai một, không phải không đau xót. Cái đang mai một là một phần bản sắc rất quan trọng trong đời sống văn hóa các dân tộc Việt Nam, phải ra sức giữ gìn, bảo tồn. Cuộc triển lãm này, vì thế, không chỉ mang ý nghĩa tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống mà còn muốn gửi gắm đến người xem thông điệp về cách thức, yêu cầu bảo tồn những giá trị ấy.
|