Thuốc HIV/AIDS sản xuất tại Việt Nam: Đang tìm chỗ đứng Phương Anh
Xét nghiệm kiểm tra phát hiện HIV (+) ở Hải Phòng.
5 cơ sở dược đã được Cục Quản lý dược VN cấp giấy phép sản xuất thuốc điều trị HIV/AIDS tại VN. Chắc chắn đây là tin vui cho gần 50.000 người đang nhiễm HIV ở VN. Tuy nhiên, vẫn còn không ít lo ngại xung quanh những viên thuốc này.
Cơ sở pháp lý chưa chắc chắn Khi công ty dược đầu tiên có công văn đề nghị Bộ Y tế xem xét cấp giấy phép sản xuất thuốc HIV/AIDS, Bộ Y tế đã rất lúng túng. Có được phép sản xuất thuốc "theo công thức" của các công ty dược đang giữ bản quyền? Sau một thời gian nghiên cứu, Cục Quản lý dược VN đã quyết định cấp số đăng ký thuốc điều trị HIV/AIDS đầu tiên là Lamivudine, Zidovudine... Cơ sở pháp lý để đưa ra quyết định này dựa trên Hiệp định về những khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (TRIPS). Hiệp định TRIPS nhấn mạnh không và không nên ngăn cản các nước thành viên thực hiện các biện pháp bảo vệ sức khoẻ cộng đồng. Tuyên bố Doha về TRIPS nêu rõ: Các nước có quyền xác định tình trạng khẩn cấp hoặc đặc biệt khẩn cấp như khủng hoảng y tế, HIV/AIDS... Ông Nguyễn Vi Ninh, Cục trưởng Cục Quản lý dược VN cho biết, sau 1 năm thuốc AIDS được cấp phép lưu hành ở VN, chưa có phản ứng nào từ các công ty đang giữ bản quyền. Liệu mọi việc có "xuôi chèo mát mái"? Tại Hội thảo sản xuất thuốc điều trị HIV/AIDS ở VN tổ chức ngày 28.6, tại Hà Nội, đại diện Bộ Công an cho biết, yếu tố pháp lý để sản xuất thuốc AIDS ở VN chưa chắc chắn.
Chất lượng có đảm bảo? Câu hỏi này đang rất được nhiều người quan tâm. Ông Nguyễn Vân Đình, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội có ý kiến, phải kiểm tra chất lượng thuốc đầy đủ mới đưa vào sử dụng, liệu thuốc do VN sản xuất có chất lượng ngang bằng với các hãng đang giữ bản quyền. Với tư cách là cơ quan kiểm nghiệm thuốc, ông Trịnh Văn Quỳ - Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm - cho biết, các cơ sở sản xuất thuốc AIDS ở VN đã đảm bảo tiêu chuẩn GMP (tiêu chuẩn thực hành tốt sản xuất thuốc). Tuy vậy, vẫn phải kiểm tra chặt chẽ các tiêu chuẩn về hoá học, hàm lượng. Đặc biệt, khâu nhập nguyên liệu thuốc cần được kiểm soát chặt chẽ. Ngoài ra, theo ý kiến của các bác sĩ làm việc tại các cơ sở điều trị, đánh giá chất lượng thuốc phải dựa trên thực tế điều trị cho bệnh nhân. Hiện nay, Viện Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới sẵn sàng thực hiện thử nghiệm.
Mặt khác giá bán 19.500đ/viên thuốc và khoảng 600USD/người/1 năm vẫn bị coi là cao. Hiện tại, có hai nước trong khu vực Châu Á là Ấn Độ và Thái Lan đã tự sản xuất thuốc AIDS thì giá bán ở mức 350USD-450USD/người/năm. Vậy thuốc AIDS nhãn hiệu VN có tìm được chỗ đứng? Theo bà Lưu Minh Châu, Phó Văn phòng thường trực phòng chống AIDS, thuốc điều trị AIDS cho các bệnh viện hiện nay phải qua đấu thầu. Nếu giá thuốc VN cao hơn thì sẽ khó có thể "trúng thầu". Hơn nữa, số người nhiễm HIV ở VN có đủ điều kiện để tự mua thuốc điều trị không nhiều mà họ chủ yếu dựa vào các cơ sở y tế nhà nước.