Đã qua rồi cái thời Thái Lan được coi như một kiểu mẫu phòng chống AIDS, ngày nay, đất nước này lại đang đứng trước nguy cơ tái bùng phát đại dịch thế kỷ do thái độ thờ ơ, chủ quan của 63 triệu dân trong nước nói chung.
Ông Mechai Viravaidya, vốn được đặt cho cái tên ngộ nghĩnh "Mr. Condom" vì những đóng góp trong chiến dịch giáo dục cộng đồng và phân phát bao cao su rộng rãi từ đầu những năm 90 cho biết, năm qua, cả nước đã có thêm khoảng 25,000 trường hợp nhiễm mới HIV trong khi số liệu thống kê được mới chỉ là 19,000 người.
Tất nhiên con số này nếu so với 143,000 người nhiễm bệnh năm 1991 thì vẫn còn rất nhỏ, nhưng theo ông Mechai, đáng lo ngại là số trường hợp lây nhiễm ngày càng tăng nhanh do quan hệ tình dục không an toàn, đặc biệt trong giới trẻ.
Ông Mechai cũng là người đang trực tiếp chỉ đạo triển khai chiến dịch tuyên truyền AIDS lần thứ hai tại Thái Lan. Ông cho biết: "Rõ ràng đại dịch AIDS đang quay trở lại. Chúng ta lại bắt đầu tỏ ra lơ đễnh với căn bệnh đó. Chẳng có gì đáng ngạc nhiên nếu năm tới không phải là 100,000 ca nhiễm HIV mới".
Năm 1984 khi phát hiện trường hợp nhiễm AIDS đầu tiên tại Thái Lan, người ta thực sự lo lắng một ngày nào đó Thái sẽ đứng bên bờ vực thẳm do việc hành nghề mại dâm cực kỳ phát triển tại quốc gia này. Ước tính đến năm 2002 sẽ có khoảng 4 triệu người nhiễm HIV.
Trước tình trạng đó, thoạt đầu chính phủ còn phủ nhận nhưng mọi thứ đã thay đổi theo chiều hướng khác khi vào những năm 90, ông Mechai, thượng nghị sĩ kiêm chủ tịch hội dân số tư nhân thuyết phục được thủ tướng Thái Lan lãnh đạo Uỷ ban phòng chống AIDS quốc gia.
Theo đó, khoản quỹ chi cho công tác phòng chống đã tăng lên gấp 50 lần, các trạm phát thanh, truyền hình cũng được yêu cầu phát sóng chương trình tuyên truyền, giáo dục về AIDS.
Chính phủ đương nhiệm của thủ tướng Thaksin Shinawatra đã dành một khoản tiền khá lớn cho công tác chăm sóc và cấp miễn phí thuốc anti-retroviral cho người bệnh. Nhưng dầu vậy thì chính bản thân ông Thaksin lại chưa hề tham dự các cuộc họp của Uỷ ban phòng chống AIDS quốc gia cũng như đề xuất vấn đề về HIV/AIDS với quốc hội Thái Lan kể từ khi ông nhậm chức hồi tháng 2/2001.
Ông Mechai kết luận: "Chính sự thiếu công khai của nguồn quỹ chính phủ, sự vắng mặt của ngài thủ tướng trong các cuộc họp và các chương trình tuyên truyền, giáo dục cộng đồng thiếu hiệu quả đã dẫn tới tình trạng tiêu cực của ngày hôm nay: "lạm phát" đại dịch".
Trước lời buộc tội của ông Mechai, người phát ngôn chính phủ Suraphong Suebwonglee lên tiếng phủ nhận quan điểm đó. Theo ông này, không phải chính phủ Thái Lan không quan tâm đến đại dịch AIDS mà chỉ vì họ phải để mắt tới quá nhiều vấn đề y tế khác nữa.
Và các "vấn đề y tế khác" mà ông Suraphong muốn đề cập đến ở đây chính là trong hai, ba năm qua, chính phủ luôn phải đối mặt với công tác phòng chống bệnh cúm gà, sốt xuất huyết, chống các bệnh tật liên quan tới an toàn thực phẩm và thuốc lá".
Nhưng người phát ngôn viên cũng cho biết, thủ tướng Thaksin rất đồng lòng với ông Mechai trước vấn nạn AIDS đang lan tràn trong giới trẻ. Hôm thứ bảy vừa qua (1/10), ông Thaksin đã tuyên bố chính sách quy định mới nhằm ngăn chặn các hành vi phạm pháp, trong đó bao gồm cả việc quan hệ tình dục tuỳ tiện của thanh thiếu niên.
Riêng trong năm 2004, các bệnh lây nhiễm qua quan hệ tình dục trong giới trẻ đã tăng lên ít nhất là 30%, ông Mechai khẳng định, tỉ lệ lây nhiễm AIDS cũng theo đó mà tăng lên.
Nếu theo ước tính của chính phủ thì đã có khoảng 1 triệu người Thái nhiễm HIV và 500,000 trường hợp đã tử vong; còn theo ông Mechai, ông tin rằng cho tới nay trên cả nước phải có chừng 2 triệu người nhiễm phải căn bệnh thế kỷ và 800,000 ca tử vong.
Ông Mechai cho biết: "Chúng tôi không nghĩ mình đã ước lượng sai. Điều cơ bản là tôi không muốn thành người thô thiển hay nói dối, dự đoán chúng tôi đưa ra là tương đối sát với thực tế".
Tháng 7 năm 2004, Chương trình phát triển LHQ đã cảnh báo về hiện tượng tái phát bệnh dịch ở Thái Lan cùng với việc nguồn ngân quỹ chính phủ đài thọ cho các chương trình phòng chống HIV/AIDS sụt giảm (năm 1997 là 82 triệu đô la, năm 2003 chỉ còn 25 triệu đô la).
Quá thất vọng trước những động thái đó của chính phủ, ông Mechai đã tự mình triển khai việc mua và phân phát bao cao su ở bất cứ khu vực nào ông tới được. Ông nhận thấy chỉ có 20 đến 30% giới trẻ Thái Lan có ý thức thường xuyên sử dụng bao cao su.
Ông nói: "Khi các chương trình tuyên truyền, giáo dục về AIDS nhạt dần, người ta có thể nghĩ đại dịch đã qua đi. Song tôi đã có những đứa trẻ hiểu được thực tế này để có lúc chúng cất tiếng hỏi, "AIDS vẫn ở quanh ta phải không nhỉ?". Như thế phải chăng đã là một lời cảnh báo xã hội rất sâu sắc rồi.
Đỗ Dương theo http://ap.cjonline.com
▪ Đại sứ thiện chí UNICEF kêu gọi đẩy mạnh phòng chống HIV/AIDS (05/10/2005)
▪ Chính sách HIV/AIDS được công bố ở các dịch vụ công cộng (05/10/2005)
▪ Chương trình thử nghiệm chữa HIV bằng thuốc Trung Quốc cổ truyền (04/10/2005)
▪ Zambia: Có nên xét nghiệm HIV với ứng cử viên tổng thống? (03/10/2005)
▪ Ra mắt cục phòng chống HIV/AIDS tại Việt Nam (30/09/2005)
▪ HIV/AIDS ở cửa học đường Việt Nam (29/09/2005)
▪ ADB viện trợ không hoàn lại 9 triệu USD cho VN (27/09/2005)
▪ Hơn một nửa số người nhiễm HIV ở Việt Nam là thanh thiếu niên (28/09/2005)
▪ Mỹ thử nghiệm thành công vắcxin phòng AIDS (26/09/2005)
▪ Bộ y tế Fiji: Có nên bắt buộc xét nghiệm HIV? (24/09/2005)