Hiệu quả dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con ngày càng rõ rệt
Báo Tiếng chuông - 10/06/2016
Trong năm 2015, tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con trong quần thể được quản lý là dưới 5%. Kết quả trên cho thấy, hiệu quả của các can thiệp dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con ngày càng trở nên rõ rệt.

Phóng viên Trang tin điện tử Tiếng Chuông có bài phỏng vấn bà Nguyễn Thị Lan Hương - Phó Phòng Chăm sóc, điều trị, Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) về chương trình dự phòng, nhân Tháng Cao điểm Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.

 

Bà Nguyễn Thị Lan Hương, phụ trách theo dõi chương trình chăm sóc, điều trị, dự phòng lây truyền HIV/AIDS tại Cục phòng, chống HIV/AIDS - Ảnh: Thùy Chi

 

PV: Xin bà cho biết, những kết quả đạt được của chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con năm 2015?

Bà Nguyễn Thị Lan Hương: Trong năm 2015 đã có 379.426 phụ nữ mang thai (PNMT) được tư vấn trước xét nghiệm HIV, 334.640 trường hợp được xét nghiệm HIV (chiếm 88,2%). Trong số các trường hợp được xét nghiệm, có 50,7% được xét nghiệm trong thời gian mang thai; 49,3% xét nghiệm vào lúc chuyển dạ và phát hiện được 315 trường hợp nhiễm HIV (0,09%).  Các phụ nữ mang thai nhiễm HIV đã sinh con được điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang.

Về tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con, theo kết quả báo cáo gửi Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc năm 2015 (GARPR), tỷ lệ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con trên toàn quốc ước tính là 12,5%. Số liệu này được tính cho cả các trường hợp PNMT nhiễm HIV chưa được phát hiện và chưa được điều trị ARV cho phòng lây truyền mẹ con (PLTMC).

Đối với PNMT nhiễm HIV, số quản lý được và được điều trị PLTMC đã cho thấy hiệu quả của các can thiệp PLTMC hiện nay. Trong năm 2015, có 391 trẻ  sinh từ mẹ nhiễm HIV đã được chuyển gửi đến các dịch vụ chăm sóc điều trị HIV và được làm xét nghiệm chẩn đoán sớm nhiễm HIV (chiếm 75,2% tổng số trẻ sinh từ mẹ nhiễm HIV trong năm 2015). Tỷ lệ trẻ trong 2 tháng tuổi có kết quả chẩn đoán sớm nhiễm HIV bằng kỹ thuật PCR dương tính giảm từ 10,8% vào năm 2010 xuống còn 2,8% vào năm 2015.

Theo báo cáo của một số tỉnh, thành phố, tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con trong quần thể quản lý được là dưới 5%. Kết quả trên cho thấy, hiệu quả của các can thiệp dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con ngày càng trở nên rõ rệt.

PV: Toàn quốc hiện có 226 điểm cung cấp dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, bao gồm 02 điểm tuyến Trung ương, 92 điểm tuyến tỉnh, còn lại là 132 điểm tuyến huyện, chiếm khoảng 25% số huyện trong toàn quốc. Tuy nhiên, chỉ có trên 133 cơ sở cung cấp dịch vụ phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con toàn diện và chủ yếu tập trung tại tuyến tỉnh/thành phố có dự án. Theo bà, trong thời gian tới, có cần mở thêm điểm cung cấp dịch vụ không?

Bà Nguyễn Thị Lan Hương: Theo định hướng mới đây của Bộ Y tế, trong thời gian tới, khi nguồn lực quốc tế hỗ trợ cắt giảm mạnh, để bảo đảm sự bền vững của chương trình phòng chống HIV/AIDS, cần lồng ghép triệt để công tác điều trị HIV/AIDS, bao gồm cả điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con vào hệ thống y tế sẵn có.

Bên cạnh đó, mở rộng điều trị HIV ở tuyến huyện, đối với huyện có trên 50 người nhiễm HIV (trên 30 người nhiễm HIV với các huyện vùng sâu, xa, vùng đi lại khó khăn) cần có điểm cung cấp dịch vụ chăm sóc điều trị HIV/AIDS được lồng ghép tại cơ sở khám bệnh chữa bệnh để bảo đảm người nhiễm HIV (bao gồm cả PNMT) được hưởng quyền lợi chăm sóc điều trị HIV/AIDS và dự phòng LTMC thông qua BHYT.

PV: Thưa bà, việc điều trị thuốc ARV sớm ngay trong những tháng đầu của thai kỳ ở phụ nữ mang thai nhiễm HIV, sẽ giúp giảm lây truyền HIV từ mẹ sang con, vậy nếu điều trị ARV cho phụ nữ nhiễm HIV trước khi mang thai, có mang lại nhiều lợi ích hơn không? Theo bà, có nên khuyến khích những phụ nữ nhiễm HIV mang thai?

Bà Nguyễn Thị Lan Hương: Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, hiện nay chưa quy định điều trị trước khi mang thai cho tất cả phụ nữ nhiễm HIV chưa đủ tiêu chuẩn điều trị (CD4 trên 500 TB/mm3 máu).  Vì vậy, khi phụ nữ nhiễm HIV có ý định mang thai cần đến cơ sở y tế để được đánh giá tình trạng bệnh và được tư vấn thời điểm có thể mang thai an toàn nhất cho mẹ và con.

Khi bà mẹ mang thai nhiễm HIV được điều trị dự phòng bằng ARV sớm, tuân thủ điều trị tốt vẫn có 1 tỉ lệ nhỏ (khoảng 2%) trẻ em nhiễm HIV từ mẹ, do đó theo tôi không nên khuyến khích PNMT nhiễm HIV mang thai. Nếu phụ nữ nhiễm HIV có ý định mang thai cần trao đổi để được bác sỹ tư vấn thời điểm mang thai thích hợp.

PV: Thực tế cho thấy, vẫn còn nhiều khó khăn trong công tác này tại các khu vực miền núi, vùng sâu vùng xa, bà nhìn nhận vấn đề này như thế nào? Theo bà cần phải có giải pháp gì để giải quyết khó khăn?

Bà Nguyễn Thị Lan Hương: Tại các khu vực miền núi, vùng sâu vùng xa công tác DPLTMC đang gặp rất nhiều khó khăn như: PNMT không biết tình trạng nhiễm HIV của mình; thiếu hiểu biết về hiệu quả của DPLTMC; tập tục địa phương như đẻ tại nhà do bà mụ đỡ; đi lại khó khăn từ nhà đến cơ sở y tế có dịch vụ phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.

Để tăng cường công tác DPLTMC cho các khu vực miền núi, vùng sâu vùng xa, Bộ Y tế đã có nhiều văn bản, công văn hướng dẫn các địa phương, nhằm: Tăng cường phát hiện PMMT có nguy cơ nhiễm HIV thông qua già làng, trưởng bản, cộng tác viên y tế thôn bản, cán bộ trạm y tế xã; Tăng cường công tác xét nghiệm sàng lọc nhiễm HIV cho PNMT bằng hình thức xét nghiệm lưu động, xét nghiệm tại trạm y tế xã tại nơi có tình hình dịch cao; Phối hợp giữa cơ sở điều trị tuyến huyện với trạm y tế xã và công tác viên y tế thôn bản để sẵn có thuốc ARV điều trị DPLTMC cung cấp cho PMNT nhiễm HIV. Đồng thời, cung cấp kiến thức về nuôi con an toàn đối với PNMT nhiễm HIV, do cộng tác viên y tế thôn bản thực hiện.

PV: Để nâng cao hiệu quả chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, theo bà ngành y tế cần làm gì trong thời gian tới?

Bà Nguyễn Thị Lan Hương: Để nâng cao hiệu quả chương trình dự phòng LTMC, tiến tới loại trừ tình trạng nhiễm HIV từ mẹ, ngành y tế cần phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành khác để thực hiện gói DPLTMC toàn diện.

Thực hiện dự phòng lây nhiễm mới HIV ở phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ: Tuyên truyền giáo dục các đường lây truyền; các biện pháp phòng tránh lây nhiễm HIV cho nhóm phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ; cung cấp bao cao su cho nhóm nguy cơ cao (người nhiễm HIV, vợ bạn tình của người nhiễm HIV, gái mại dâm…).

Dự phòng mang thai ngoài ý muốn cho PNMT nhiễm HIV: Tăng cường công tác quản lý tại cơ sở y tế đối với tất cả các phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ nhiễm HIV. Cung cấp kiến thức về khả năng lây truyền HIV từ mẹ và thời điểm mang thai an toàn (giai đoạn lâm sàng, miễn dịch ổn định, tải lượng HIV trong mẹ thấp…).

Bên cạnh đó, dự phòng lây truyền mẹ con cho PNMT nhiễm HIV, như: Tăng cường công tác phát hiện sớm nhiễm HIV cho mẹ; Tăng cường vai trò già làng, trưởng bản, cộng tác viên y tế trong giới thiệu phụ nữ và phụ nữ mang thai có nguy có cao đến cơ sở y tế sàng lọc nhiễm HIV; Tăng cường công tác xét nghiệm dựa vào cộng đồng (xét nghiệm tại thôn bản, Trạm y tế xã, xét nghiệm lưu động…). Mở rộng khẳng định nhiễm HIV tại huyện.

Thực hiện, điều trị ngay sau khi phát hiện, dùng thuốc viên 3 trong 1 (TDF/3TC/EFV) để tăng tuân thủ điều trị và tăng hiệu quả DPLTMC; điều trị ARV dự phòng lây truyền mẹ con cho trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV bằng các loại  thuốc phù hợp tùy theo phác đồ của mẹ.

Ngoài ra, cần thực hiện chăm sóc mẹ và bé sau sinh, như phối hợp tốt giữa cơ sở sản khoa và cơ sở điều trị HIV/AIDS (tăng cường chuyển gửi thành công) để quản lý theo dõi mẹ và bé.

Xin trân trọng cảm ơn bà!