Bảo tồn làng Việt cổ đá ong ở Hà Tây
Các Website khác - 17/08/2005

Sơn Tây, Hà Tây
Các đại biểu tham dự hội thảo Bảo tồn làng Việt cổ đá ong ở Hà Tây do Cục Di sản văn hoá - Bộ Văn hoá thông tin VN và Cục Tài sản Nhật Bản phối hợp tổ chức ngày 16-8, đều cho rằng cần phải có ngay những biện pháp để bảo vệ những giá trị văn hoá quí hiếm của làng Việt cổ đá ong Đường Lâm.

Các nhà khoa học của VN và Nhật Bản đưa ra các phương án bảo tồn khả thi cho ngôi làng Việt cổ độc đáo này.

Các nhà khoa học cho rằng nên chia làng cổ này thành các khu vực ưu tiên rõ ràng, trong đó thôn Mông Phụ - nơi tập trung phần lớn các ngôi nhà cổ - sẽ được coi là khu vực 1 cần được bảo tồn một cách tuyệt đối.

Tỉnh Hà Tây, thị xã Sơn Tây cần đẩy mạnh công tác xã hội hoá bảo tồn di tích để có thể huy động tối đa các nguồn lực hiện có trong dân trong việc bảo tồn làng cổ. Bộ Văn hoá Thông tin cũng sẽ nhanh chóng hoàn thành các thủ tục còn lại để có thể chính thức xếp hạng di tích văn hoá cấp quốc gia cho làng cổ trong tháng 9-2005.

Theo nhiều tác giả, Đường Lâm trước kia gọi là làng Mía - một làng thuần Việt lối cổ, hiện có 9 thôn còn lưu giữ được gần 800 ngôi nhà xây dựng bằng chất liệu đá ong độc đáo của xứ Đoài.

Là một vùng nhỏ hẹp nhưng Đường Lâm lại trở thành một địa danh nổi tiếng vì tại đây còn lưu giữ nhiều di tích được xếp hạng Quốc gia như đền Phùng Hưng, lăng Ngô Quyền, Chùa Mía, nhà thờ thám hoa Giang văn Minh, đình Mông Phụ, cùng với nhiều truyền thuyết và những sản vật độc đáo.

Hiện nay, cả quần thể di sản cổ trên đang bị biến dạng rất nhanh. Những ngôi nhà độc đáo làm bằng đá ong trộn mật mía đang dần bị thay thế bởi những ngôi nhà hộp, nhà cao tầng.

Một số di tích lịch sử- văn hoá khác do ảnh hưởng của thời gian và cả do sự vô tình của con người đã và đang bị xuống cấp nghiêm trọng. Bên cạnh đó, nhiều giá trị văn hoá phi vật thể riêng có ở miền đất này cũng đang dần bị mai một.

* Trưng bày hiện vật về cách mạng Tháng Tám

Ngày 16-8, Bảo tàng Cách mạng VN đã trưng bày một số sưu tầm hiện vật về Cách mạng tháng Tám, trong đó có một số hiện vật gốc chưa bao giờ công bố.

Gần 300 bức ảnh, tư liệu, tài liệu, hiện vật trưng bày tại đây được chọn lọc từ các Bảo tàng Hồ Chí Minh, Cách mạng VN, Mỹ thuật VN, Đắk Lắk, Thành phố Hồ Chí Minh, Ban Quản lý di tích Nhà tù Hoả Lò.

Trong số này có những hiện vật từng gắn bó với Hồ Chủ tịch như khẩu súng Môde, võng liền màn, bàn làm việc, máy chữ của Bác Hồ đã sử dụng trong những ngày lãnh đạo tiến hành Cách mạng tháng Tám, bộ quần áo Bác mặc trong ngày Lễ Tuyên ngôn độc lập.

Ngoài ra còn có một số hiện vật gốc quý như: gậy đầu rồng của Chủ tịch Tôn Đức Thắng, cuốn nhật ký của chiến sỹ cách mạng Trần Thị Nam-người phụ nữ duy nhất đứng trên lễ đài độc lập 2-9-1945, phiên đá đã được dùng để in bài Tiến Quân ca của nhạc sỹ Văn Cao, một số đồ dùng sinh hoạt của các chiến sỹ Cộng sản tại nhà tù Hoả Lò, phù hiệu của lực lượng Công an nhân dân trong những ngày mới thành lập.

* Những ngày văn hoá VN tại Rumani

Từ ngày 12 đến 16-8, Bộ Văn hoá Thông tin, Đại sứ quán VN tại Rumani đã phối hợp với Bộ Văn hoá và Tín ngưỡng Rumani tổ chức "Những ngày văn hoá Việt Nam" tại thủ đô Bucarét nhân kỷ niệm lần thứ 55 ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước và kỷ niệm 60 năm quốc khánh VN.

Tại lễ khai mạc được tổ chức tại Nhà văn hoá sinh viên ở thủ đô Bucarét ngày 12-8, Thứ trưởng Bộ Văn hoá Thông tin VN Lê Tiến Thọ; Bộ trưởng, Quốc vụ khanh Bộ Văn hoá và Tín ngưỡng Rumani Gioan Ônixây đã đọc diễn văn nêu bật quan hệ truyền thống tốt đẹp giữa hai nước, nhấn mạnh sự kiện tổ chức "Những ngày văn hoá VN" tại Rumani là bước phát triển mới của tình đoàn kết giữa hai dân tộc.

Trước đó, sáng 12-8, Đại sứ VN tại Rumani Lê Mạnh Hùng và đại diện Bộ Văn hoá và Tín ngưỡng Rumani đã khai mạc triển lãm ảnh "Gương mặt Việt Nam", triển lãm trang phục truyền thống VN và Hội chợ thủ công mỹ nghệ.

Trong khuôn khổ "Những ngày văn hoá Việt Nam" tại Bucarét, Rumani còn tổ chức Hội thảo Hồ Chí Minh-danh nhân văn hoá thế giới và tập thơ "Nhật ký trong tù" với sự tham gia đông đảo các nhà học giả, nhà văn, dịch giả của VN và Rumani.

Theo TTXVN