Nho giáo dưới cái nhìn định kiến
Tác giả ĐCVVHVN cho rằng:"Giao lưu với văn hoá Trung Hoa: chủ yếu bằng con đường cưỡng chế (bị xâm lược, đô hộ và đồng hoá)" (trang 41). "Từ thế kỷ 1 đến thế kỷ 10 và từ 1.407 đến 1.427 là thời kỳ đất nước nằm trong tay các đế chế phong kiến Trung Hoa. Và đó cũng là những giai đoạn du nhập Nho giáo mạnh mẽ vào VN" (trang 49).
Nhận định đó bị bỏ lửng mà không hề được chứng minh. Văn hoá Trung Hoa, trong đó có Nho giáo được du nhập vào nước ta thông qua 2 con đường cơ bản: giao lưu cưỡng bức chủ yếu diễn ra trong thời kỳ bị phong kiến phương Bắc đô hộ; giao lưu tự nguyện chủ yếu diễn ra trong thời kỳ độc lập, tự chủ. Thời Bắc thuộc, văn hoá Trung Hoa được sử dụng như một công cụ đồng hoá nước ta, nhưng thực tế, bọn thống trị đã không đạt được mục đích.
Cái định kiến của tác giả ĐCVVHVN đối với Nho giáo tiếp tục thể hiện ở những luận điểm rất kỳ quặc. Đoạn trên vừa cho rằng: "Trong con mắt của người Việt, Nho giáo là ý thức hệ đặc trưng của tầng lớp cai trị phong kiến" (trang 49) và nữa: "Người dân làng xã luôn quan niệm Nho giáo là thứ học vấn của tầng lớp cai trị và giữ thái độ "kính nhi, viễn chi" (tôn trọng mà tránh xa)"(trang 51), nhưng ngay sau đó, tác giả đã tự mâu thuẫn với mình khi viết: "Các nhà nho VN không tách thành tầng lớp nho sĩ độc lập như ở Trung Hoa. Trái lại,họ luôn quan niệm mình là thành viên của cộng đồng làng xã "(trang 51).
Vậy chẳng lẽ các nhà nho lại tự "xa lánh" bản thân mình hat sao? Thái độ của "người dân làng xã" đối với Nho giáo là cả một vấn đề phức tạp, và theo tôi, không thể hạ một câu phán quyết bằng cảm tính kiểu: "kính nhi viễn chi" được.
Nếu tác giả ĐCVVHVN đọc Minh tâm bảo giám, Minh đạo gia huấn, Trị gia cách ngôn…của các bậc tiên Nho, những câu ca dao nói về cái Nhân , Lễ, Nghĩa, Trí, Tín, Trung, Hiếu, Dũng, Liêm, Tiết, Hạnh …hay xem xét những giá trị, chuẩn mực đạo đức và phương thế ứng xử của người Việt trong xã hội phong kiến, chắc sẽ không hạ bút viết: "Người Việt học đạo Nho cốt để ra làm quan, nên chỉ chú trọng đến các quy định thi cử, mà không nhấn mạnh đến nhân sinh quan hay lối sống, hoặc đạo đức Nho giáo. Những cái sau này chỉ được chấp nhận trong chừng mực chúng không xung đột với phong tục, tập quán hay lệ của làng" (trang 51)
Sai lầm và không cơ sở
ĐCVVHVN có đoạn viết:"Ngũ hành về thực chất là sự kết hợp Âm Dương ở những độ số khác nhau và được hiện hữu dưới dạng thể tính. Chẳng hạn quẻ "khảm" trong Dịch hiện hữu dưới dạng thể tính là thuỷ; quẻ "ly" - thể tính là hoả …" (trang 61). Nếu coi 5 yếu tố trong Ngũ hành (Mộc, Hoả, Thổ, Kim, Thuỷ) là sự "hiện hữu dưới dạng thể tính" của Bát quái, thì lầm to. Tại sao Bát quái có 8 quẻ mà "dạng thể tính " của nó chỉ có 5 hành? Tại sao Ngũ hành có luật tương sinh, tương khắc mà Bát quái thì không?
Từ cách hiểu sai: "Lịch Âm Dương (…) là sự kết hợp giữa thuyết Âm Dương với Ngũ hành để lượng hoá thời gian" đã vội kết luận: "Bởi vậy nó ra đời muộn hơn thuyết Âm Dương và Ngũ hành" (trang 62) !
Tôi không hiểu sự "lượng hoá thời gian" của Âm Dương và Ngũ hành như thế nào để thành được lịch, chứ còn như Phạm Thái Việt và Đào Ngọc Tuấn viết: "Lấy độ dài của chu kỳ biến đổi ngũ hành là năm", "Âm dương và ngũ hành hoá từng năm theo hệ can chi tạo thành chu kỳ 60 năm" thì thật là lạ lùng ! Đây là cách nhìn sai lệch bắt nguồn từ sự không phân biệt được lịch pháp và quan niệm thời gian trong lịch.
Tại sao người Việt tiếp nhận Phật giáo? Viết như Phạm Thái Việt và Đào Ngọc Tuấn thật khó thuyết phục: "Để có thể chống lại sức mạnh đồng hoá của một nền văn hoá phát triển rất cao là văn hoá Trung Hoa, người VN đã viện đến một nền văn hoá cũng có một tầm vóc kỳ vĩ không kém là văn hóa Ấn Độ, mà cụ thể trong trường hợp này là Phật giáo" (trang 98).
Thực ra, người Việt tiếp thu Phật giáo do nhu cầu tâm linh chứ không phải vì họ cần một thứ công cụ chống lại sự đồng hoá của văn hoá Trung Hoa. Hơn nữa Phật giáo có tính cởi mở, không bài xích các tôn giáo, tín ngưỡng khác, nên khi vào VN, nó đã hội nhập vốn tín ngưỡng dân gian, dung hội với Nho giáo, Lão giáo tạo thành Tam giáo đồng nguyên. Vậy thì, Phật giáo làm thế nào để chống lại sự đồng hoá đây? Nên nhớ, đầu công nguyên nước ta ảnh hưởng trực tiếp của Phật giáo Ấn Độ, nhưng càng về sau càng ảnh hưởng mạnh mẽ của các tông phái Phật giáo Bắc tông được sáng lập ở Trung Hoa.
Trong khuôn khổ hữu hạn của bài báo, tôi xin liệt kê một số nhận định bất ổn mà bạn đọc có thể dễ dàng nhận ra:
"Văn hoá Việt Nam là kiểu văn hoá hỗn dung điển hình" (trang 41)
"Lễ và Hội thường đi kèm với nhau và diễn ra tập trung vào 15 ngày đầu xuân (từ 1 đến 15-1 âm lịch)" (trang 69).
Nhà thường xây cất theo hướng Đông (mặt tiền) - Tây (mặt sau) để tránh nắng" (trang 83).
Lịch sử dưới cái nhìn "méo mó"
Phần Quan niệm về "đất nước" của người VN (từ trang 96-100) được tác giả ghi chú là "sử dụng tài liệu của GS.Phan Ngọc trong cuốn sách Bản sắc văn hoá VN. Đối chiếu lại và té ngửa ra, nội dung công trình nêu trên đã bị tác giả ĐCVVHVN làm "méo mó", "biến dạng".
ĐCVVHVN viết "ở VN, các vùng đất khác nhau được cai quản bởi các phìa tạo, và không theo chế độ cha truyền con nối. Khi có giặc ngoại xâm, các phìa tạo tập hợp lại với nhau để cùng chống giặc. Sau khi đánh đuổi quân thù ra ngoài bờ cõi, ai về nhà nấy. Thế nên, ông vua của VN chỉ là một thủ lĩnh mang tính chất danh nghĩa, không có quyền cai trị đất đai ngoài vùng của mình" (trang 97).
Nếu hiểu theo tinh thần đoạn văn đó thì VN xưa vẫn chỉ tồn tại trong trạng thái thời bộ lạc!
Sách viết sai, viết ẩu như thế hiển nhiên là một thứ hàng hoá kém chất lượng.
Theo Thể thao và Văn hóa
▪ Nhạc kịch Đất nước đứng lên: Đã vi phạm tác quyền (16/08/2005)
▪ “Tiếng nói của John. Âm nhạc John. Câu chuyện John!” (15/08/2005)
▪ Hồ Ngọc Hà dự LHP châu Á - Thái Bình Dương (16/08/2005)
▪ “Nắm bắt khoảnh khắc”: triển lãm dành cho những PV chiến trường đã hi sinh (16/08/2005)
▪ Gần 90 triệu đồng ủng hộ nạn nhân chất độc da cam (16/08/2005)
▪ Đừng “khóc nhè” đổ lỗi (16/08/2005)
▪ 19-8: Chính thức công diễn kịch thơ Kiều Loan (16/08/2005)
▪ Nghệ sĩ hoạt động tự do cũng được xét tặng danh hiệu (16/08/2005)
▪ Có một “Sa Pa của Hoàng Tùng” (15/08/2005)
▪ Sẽ xuất hiện dòng sách nhật ký chiến tranh (15/08/2005)