"Chợ vẫn đông" cả khi không "Hoa hậu"
Các Website khác - 19/02/2009
 Mỗi năm, chỉ có 1 cuộc thi cấp quốc gia được mang tên Hoa hậu. Và năm nay, Cục NTBD đã quyết định cấp phép cho cuộc thi cho Hoa hậu Quý bà Việt Nam 2009 là cuộc thi người đẹp cấp quốc gia duy nhất . Nhiều vấn đề đã nảy sinh. Vậy thì, ai sẽ là "quý cô" đại diện VN tại 2 đấu trường sắc đẹp lớn nhất hành tinh là Hoa hậu Thế Giới (HHTG)và Hoa hậu Hoàn Vũ (HHHV) năm nay?

Thừa Hoa hậu nhưng thiếu đại diện quốc tế

Trên thực tế thì việc có hay không danh hiệu "Hoa hậu quý cô" thì cũng sẽ không ảnh hưởng đến việc cử thí sinh VN đến các đấu trường sắc đẹp quan trọng nhất hành tinh như HH Thế Giới, HH Hoàn Vũ, HH Quốc Tế, HH Trái Đất và HH Nữ hoàng Du lịch Quốc tế (Thường gọi tất là các cuộc thi  Gland Slam ).

Đối với 2 cuộc thi lâu đời và danh tiếng nhất là HHTG và HHHV thì bắt buộc người đại diện phải là người chiến thắng hoặc chí ít là á hậu trong một cuộc thi tầm cỡ quốc gia. Còn 3 cuộc thi còn lại thì hoàn toàn "dễ dãi" trong vấn đề này, vì vậy mới có chuyện các người mẫu độc quyền của một số công ty giữ bản quyền mới được tự do đi thi, không cần xin phép và cũng thoải mái ra về trắng tay. Điều đó có thể rõ ràng thấy được trên bản tổng sắp thứ hạng của Global Beauties.

Hoa hậu VN 2004 Nguyễn Thị Huyền.
Ảnh: Thành Nguyễn
Á hậu 1 VN 2006 Lưu Bảo Anh.
 Ảnh: Thành Nguyễn

Nhưng Việt Nam chỉ mới chính thức tham dự các cuộc thi sắc đẹp quốc tế từ năm 2002. Nhưng theo các tài liệu lịch sử  thì các đại diện của Việt Nam Cộng Hòa đã tham dự cuộc thi khá nổi tiếng là Hoa hậu Châu Á - Thái Bình Dương là Thái Kim Hương (1965) và Trần Lệ Hằng (1974, đoạt giải Trang phục Dân tộc đẹp nhất). Không kể đến các cuộc thi cấp châu lục, quốc tế nhỏ thì Việt Nam đã được cả 2 tổ chức Hoa hậu lớn nhất hành tinh là HH Thế Giới và HH Hoàn Vũ "châm chước" rất nhiều. Sau đây là những bằng chứng cụ thể:

Miss Hanoi Vietnam (2003 - 2005)

- Hoa hậu Hoàn vũ  : Một trong những cuộc thi gây tranh cãi nhiều nhất trong lịch sử sắc đẹp Việt Nam là "Người đẹp Hà Nội - Việt Nam" được tổ chức vào năm 2003 và 2005. Nếu xét đúng tiêu chỉ thì hoàn toàn không được công nhận là một cuộc thi cấp quốc gia và thêm một điều gây bàn cãi khác nữa là khi đăng quang thì cả Nguyễn Thị Hồng Vân (2003) và Phạm Thu Hằng (2005) đều được đeo băng "Miss Vietnam Universe" một cách công khai mặc dù tên cuộc thi hoàn toàn khác. Sau khi đăng quang đúng 5 ngày thì Thu Hằng trở thành thí sinh nước ngoài đầu tiên đặt chân đến Bangkok, Thái Lan tham dự HHHV 2005 trong sự ngỡ ngàng và bất ngờ của công luận. Trước đó tại cuộc thi HHHV 2004 tổ chức tại Quito, Ecuador thì hoa khôi Hồng Vân không đến tham dự như dự định ban đầu mà thay vào đó là á hậu 4, Hoàng Khánh Ngọc. Và tất nhiên trường hợp của cả 2 đều bị Bộ Văn Hóa-Thông Tin (cũ) gửi văn bản chính thức đến cho BTC về việc không công nhận họ là đại diện hợp pháp cho Việt Nam. Điều đó đã dẫn đến sự vắng mặt của đại diện nước ta tại đấu trường danh giá này trong năm 2006 và 2007 (trước khi VN đăng cai HHHV 2008 tại Nha Trang)

- Hoa hậu Thế giới: Không kể đến các năm chẵn với các đại diện chính thức của Hoa hậu Việt Nam (Báo Tiền Phong) là Phạm Thị Mai Phương (Top 20 - 2002), Nguyễn Thị Huyền (Top 15 - 2004) và Mai Phương Thúy (Top 17 - 2006). Các năm lẻ thì Elite Vietnam đã lựa chọn: Nguyễn Đình Thụy Quân - năm 2003 (HH Phụ Nữ VN qua Ảnh 2003 do báo Phụ Nữ VN tổ chức), Vũ Hương Giang - năm 2005 (Nữ hoàng Trang sức VN 2004) và Đặng Minh Thu - năm 2007 (HH Biển VN 2007 và á hậu 2 HH TG người Việt 2007).

Tất cả các trường hợp trên đều được chấp thuận một cách nhanh chóng bởi vì tất cả đều là cuộc thi cấp quốc gia và đặc biệt là không dính dáng đến HHHV (Miss Universe). Còn trường hợp của Dương Trương Thiên Lý được coi là đầu tiên và một nhượng bộ rất lớn từ BTC HHTG dành cho nước chủ nhà 2010 bởi vì chưa bao giờ có một hoa hậu hoặc á hậu trong thời gian đương nhiệm của một cuộc thi mang tên HHHV được tham dự HHTG, trừ phi đó là một cuộc thi hoa hậu quốc gia mang tính trung lập.

Không nhất thiết phải là Hoa hậu

Quy chế 87 vẫn chưa "thoát" ra khỏi cái vòng "luẩn quẩn" về danh hiệu Hoa hậu, Hoa khôi hay Người đẹp. Trong tiếng Anh, khi nói đến các cuộc thi dành cho phụ nữ chưa chồng và thậm chí là dành người chuyển đổi giới tính, v.v...thì tất cả đều dùng chữ "Miss" (kể cả một số nước không dùng tiếng Anh như tiếng bản địa). Còn các cuộc thi dành cho phụ nữ có gia đình hoặc đứng tuổi thì gọi chung là "Mrs". Và tương tự, "Hoa hậu" hay "Hoa khôi" khi dịch sang tiếng Anh thì đều mang chung nghĩa là "Miss" mà thôi.

Thêm một ví dụ vui khác nữa, khi dịch tên "Miss USA" sang tiếng Việt thì gọi là "Hoa hậu Mỹ" vì nó là một cuộc thi cấp quốc gia; nhưng còn có một cuộc thi tương tự như thế nhưng dành các teen từ 15 đến dưới 18 tuổi là "Miss Teen USA" nhưng nếu xét theo Quy chế 87 hiện hành của VN thì nó bắt buộc phải được gọi là "Hoa hậu tuổi vị thành niên Mỹ"? Nhưng cả 2 cuộc thi này đều được sở hữu bởi ngài Donald Trump, bao gồm cả Miss Universe (Hoa hậu Hoàn Vũ).

Bởi thế, các quy định của Quy chế 87 trên thực tế không "ảnh hưởng" tới việc tìm và gửi đại diện Việt Nam đến 2 cuộc thi quan trọng nhất thế giới. Không nhất thiết phải gắn chữ "hoa hậu" vào mỗi cuộc thi sắc đẹp, cũng không ai "ép buộc" đại diện 2 cuộc thi này nhất thiết phải bước ra từ các cuộc thi mang tên "Hoa hậu Hoàn Vũ VN" hay "Hoa hậu Thế Giới VN". Nếu đổi tên cuộc thi thành "Người đẹp Hoàn Vũ VN" (Vietnam Beauty - Universe) hay "Mỹ nhân VN - Thế Giới" (Vietnam Beauty - World) hay đại loại thế thì vẫn đều được BTC chấp nhận nếu tên gọi của cuộc thi đó đồng nghĩa với tên quốc tế của cuộc thi.

Thêm một số bằng chứng cụ thể cho việc này, nhất là đối với tổ chức HHHV tại Mỹ:

Phạm Thu Hằng

- Nuestra Belleza México (tiếng Tây Ban Nha, tạm dịch: Người đẹp Mexico của chúng ta) là cuộc thi quốc gia danh giá nhất Mexico do cựu HHHV 1991, Lupita Jones sáng lập và điều hành từ năm 1994. Giữ bản quyền nhiều cuộc thi quốc tế quan trọng. Một cuộc thi có tên gọi khá giống là "Most Beautiful Girl in Nigeria", gửi thí sinh đến HHTG và HHHV.

- Puteri Indonesia (tạm dịch: Công chúa Indonesia) là một trong 2 cuộc thi cấp quốc gia của quốc gia Hồi Giáo đông dân nhất thế giới gửi thí sinh đến HHHV và HH Quốc Tế. Còn ở cường quốc hoa hậu số một Đông Nam Á - Philippines thì có Binibining Pilipinas (Tiếng Tagalog, từ đồng nghĩa để chỉ người chiến thắng trong một cuộc thi sắc đẹp dành cho nữ giới); cuộc thi tuyển chọn đại diện quốc gia tham dự 3 cuộc thi sắc đẹp quốc tế lâu đời và phổ biến nhất.

- Star Hellas
(tạm dịch: Ngôi sao Hy Lạp) là cuộc thi hoa hậu cấp quốc gia duy nhất của Hy Lạp và có nhiệm vụ gửi thí sinh đến tất cả 5 cuộc thi thuộc hệ thống Grand Slam. Cuộc thi song sinh nhỏ hơn ở đảo quốc Síp (77% là người gốc Hy Hạp, thiểu số là người Thổ) được mang tên Star Kypros.

- Ở vùng Trung Đông thì đa số các quốc gia đều sử dụng ngôn ngữ thuộc hệ Semitic và vì vậy các cuộc thi ở đây cũng mang tên khá tương đồng là: Malket Yameel El-Misser (theo tiếng A-rập kiểu Ai Cập có nghĩa "Hoa hậu Ai Cập"). Nhưng từ năm 1992 thì nó được đổi tên lại theo tên của nhà tài trợ chính thức là Pantene Miss Egypt. Malket Yemeel Lubnān (tiếng A-rập vùng Cận Đông có nghĩa "Hoa hậu Li-băng") và Malket Hayofi (tiếng Hebrew của người Do Thái ở Israel có nghĩa là "Hoa hậu")

- Tại khu vực Bắc Âu thì cũng các ngôn ngữ cũng có nhiều điểm tương đồng như tại Phần Lan thì cuộc thi hoa hậu lớn nhất nước được gọi là Fröken Finland (hoặc Miss Suomi); ở Thụy Điển thì có Fröken Sverige; ở Na-Uy được gọi là Frøken Norge, và ở Băng Đảo (Iceland) thì cuộc thi sắc đẹp lớn nhất mang tên Ungfrú Ísland. Điều tương tự ở phần lớn các nước châu Mỹ Latin công nhận tiếng Tây Ban Nha là ngôn ngữ chính và từ Señorita (hoa hậu) hoặc Reinas (nữ hoàng) được dùng khá phổ biến trong một số cuộc thi hoa hậu cấp quốc gia. Tất cả các cuộc thi này đều gửi thí sinh tham dự nhiều cuộc thi quốc tế khác nhau.

Qua những minh họa thực tế kể trên thì người hâm mộ Việt Nam sẽ không phải lo lắng về việc chúng ta có thể bỏ lỡ cơ hội tranh tài tại các cuộc thi sắc đẹp.

"Hạn tam tai" của nhan sắc Việt?

- Hoa hậu Hoàn Vũ: VN đã mang một số "điều tiếng" không hay về các thí sinh tham dự HHHV trước đây. Với việc tổ chức thành công HHHV 2008 thì bắt buộc chúng ta phải gửi thí sinh đến cuộc thi này ít nhất là thêm 2-3 năm nữa. Bởi vì sau khi không tham dự năm 2006 và 2007 thì báo chí trong cũng như ngoài nước cho rằng VN chỉ tổ chức hoa hậu để quảng bá du lịch là chính; còn việc xác lập thành tích cao và thậm chí là chọn một thí sinh xứng tầm tham dự là việc không quan trọngn. Và nếu không tham dự HHHV 2009 (hoặc các năm sau nữa) thì hình ảnh, uy tín của nước ta sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ.

- Hoa hậu Thế Giới: Tương tự như với trường hợp của HHHV ở trên, VN sẽ chính thức đăng cai cuộc thi HHTG lần thứ 60 vào năm 2010. Năm 2008, một "cú sốc" khá lớn được các hãng truyền thông lớn đề cập đến việc VN không thể gửi thí sinh đến Nam Phi; nhưng vào đúng phút cuối cùng thì BTC HHTG đã phải chấp nhận cho Thiên Lý tham dự một cách miễn cưỡng. Càng khó khăn hơn khi mà Elite rút luimua bản quyền đưa ngườ đẹp dự thi Miss World 2009. Xem ra nhan sắc VN rất có thể đang gặp"hạn tam tai" (2008, 2009 và 2010) với việc lựa chọn người đại diện cho 86 triệu dân tranh tài tại 2 đấu trường sắc đẹp bậc nhất thế giới trong thời gian sắp tới.

Hoa hậu Quý bà trở thành cuộc thi người đẹp cấp quốc gia duy nhất trong năm 2009 (Ảnh: Hoa hậu Nguyễn Diệu Hoa tại cuộc thi Mrs. World 2008)

Quy chế 87 "nói không" với tình trạng "bán lúa non"

Theo quy chế mới, chi tiết nhận được nhiều đồng tình là việc điều chỉnh độ tuổi bắt buộc phải trên 18. Điều này hoàn toàn phù hợp với tiêu chuẩn Quốc tế. Quan trọng hơn là phải có bằng tốt nghiệp Trung học Phổ thông mới được dự thi là một bước đi trước khá "khôn ngoan" của VN trong khi ở các cường quốc như Venezuela, Tây Ban Nha, Philippines, v.v...nữ sinh trên 16 tuổi vẫn có thể đoạt vương miện. Những trường hợp cụ thể nhất trong năm 2008 như:

- Patricia Rodríguez (Tây Ban Nha) và Irina Zhuravskaya (Ukraine); cả 2 cô này đều đội vương miện HH khi vừa tròn 18 tuổi và chưa tốt nghiệp trung học tại thời đểm đăng quang. Sau đó đều lọt vào top 15 của Hoa hậu Thế Giới 2008 tại Johannesburg, Nam Phi. Riêng Patricia Rodríguez đã không được phép đến tham dự HHHV 2008 tại vì VN vì chỉ thiếu...1 tháng tuổi (bắt buộc tất cả hoa hậu tham dự phải sinh trước ngày 1/2/1990).

- Đương kim Hoa hậu Quốc tế 2008 đến từ Tây Ban Nha, Alejandra Andreu (sinh 25/2/1990) đã đoạt vương miện một cách rất thuyết phục. Lưu ý thêm Alejandra là á hậu thứ 2 tại cuộc thi cấp quốc gia có từ năm 1929 - Miss España, xếp sau á hậu 1 Claudia Moro (top 10 HHHV 2008 tại Nha Trang, VN) và hoa hậu Patricia Rodríguez (Top 15 HHTG 2008).

Đóng lại Đóng lại
Hoa hậu Alejandra Andreu (Tây Ban Nha)

- Janina San Miguel (sinh năm 1990) đăng quang tại cuộc thi lớn nhất quốc gia Binibining Pilipinas (có từ năm 1964) vào tháng 3/2008 và được quyền đại diện Philippines tại Miss World 2008. Nhưng vào ngày 30/9/2008 thì cô xin trả lại vương miện vì muốn hoàn tất bậc Trung họcvà trao quyền tham dự lại cho thí sinh về thứ tư (tức á hậu 1), Danielle Castaño.

Elite rút lui mua bản quyền đưa người đẹp dự thi Miss World

Đó là khẳng định của bà Nguyễn Thuý Nga - Giám đốc Cty Elite Việt Nam trong cuộc trả lời phỏng vấn của chúng tôi. Quyết định này phải chăng được xuất phát từ thông tin năm nay Việt Nam sẽ không có đại diện dự thi Hoa hậu Thế giới hay vì một nguyên nhân nào khác?

Ngừng mua bản quyền một năm

- Xin bà cho biết vì sao Elite lại quyết định năm nay sẽ không mua bản quyền đưa người đẹp dự thi Miss World?

- Quyết định này đã được chúng tôi bàn bạc rất kỹ. Lý do là, sau gần 10 năm thành lập tại Việt Nam, ngoài mục đích ban đầu là công ty đào tạo người mẫu và đưa người đẹp Việt Nam dự thi thế giới, đến nay Elite muốn mở rộng và phát triển lĩnh vực người mẫu ra nước ngoài như liên kết với tổ chức Elite của các nước để đưa người mẫu sang Việt Nam biểu diễn và ngược lại.

Bà Nguyễn Thúy Nga - Giám đốc Cty Elite Việt Nam trao đổi với phóng viên

Một số tổ chức cũng muốn phối hợp với Elite Việt Nam tổ chức các sự kiện trong lĩnh vực người mẫu. Mới đây, chúng tôi cũng được một công ty đào tạo người mẫu của Venezuela mời sang học hỏi mô hình đào tạo hoa hậu của họ để phát triển ở Việt Nam. Đây cũng là hướng phát triển của chúng tôi trong tương lai nên trước mắt, chúng tôi xin ngừng mua bản quyền của tổ chức Miss World 1 năm.

- Dừng cuộc chơi giữa lúc được coi là “nước sôi lửa bỏng” này phải chăng vì năm nay không có các cuộc thi hoa hậu “quý cô” nên Elite mới chọn giải pháp “bảo lưu” 1 năm?

- Nếu năm nay không có thí sinh mới, chúng tôi vẫn có thể chọn được người của những năm trước. Đây không phải là quyết định đột ngột mà đã được chúng tôi suy nghĩ từ năm 2008. Nghề nào cũng có những khó khăn nên không vì thế mà chúng tôi từ bỏ, chỉ là đã đến lúc Elite chuyên tâm vào chiều sâu ở lĩnh vực người mẫu mà thôi.

- Có lần bà nói rằng từ khi đưa người đẹp đi thi thế giới đến nay, Elite chưa bao giờ được tài trợ trong nước? Có thể coi đây là một lý do?

- Đúng là chúng tôi luôn gặp khó khăn về tài chính. Thậm chí có lần chúng tôi kêu gọi, nếu có đơn vị tài trợ, chúng tôi sẵn sàng cắt 1/3 kinh phí đó cho người tài trợ. Nếu chỉ vì khó khăn về tài chính mà rút lui thì chúng tôi đã ngừng từ lâu rồi chứ không phải đợi đến bây giờ.

Đối tác nào có nhu cầu sẽ tự đăng ký

Bà có lường đến ý kiến không thiện chí cho rằng Elite “bất lực” khi trồng cây mãi mà chưa đến ngày hái quả. Bởi vì sau 10 năm tham dự đấu trường sắc đẹp quốc tế, thành tích cao nhất của chúng ta đạt được là vào tốp 15 nhưng đó cũng là nhờ vào sự bầu chọn của khán giả hơn là chính thực lực của thí sinh cũng như vai trò của Elite?

- Elite chưa bao giờ chịu áp lực vì thành tích của thí sinh. Việt Nam bắt đầu tham gia cuộc thi này từ năm 2002 trong khi lịch sử của cuộc thi đã được gần 50 năm (cuộc thi đầu tiên tổ chức tại Anh vào năm 1951-  PV). Khi đưa người đẹp đi thi, chúng tôi cũng trấn an họ rằng đừng bao giờ đặt nặng vấn đề giải thưởng, hãy làm hết sức mình, trong khả năng của mình mà thôi.

Tôi cũng xin nói thẳng rằng để có thành tích cao hơn nữa bằng chính thực lực của mình phải mất nhiều năm nữa chúng ta mới có thể làm được.

Đóng lại

Á hậu Dương Trương Thiên Lý (áo dài) đại diện cho Việt Nam tham gia Miss World 2008

Các cuộc thi hiện nay thực chất chỉ là “ăn xổi” chứ chưa có đầu tư, chưa có đào tạo, như thế không thể có những sản phẩm tốt được. Elite cũng chỉ là đơn vị giới thiệu và đưa người đẹp đi thi chứ không được tham gia “bỏ phiếu” để chọn hoa hậu như tổ chức Elite ở các nước. Nghĩa là sản phẩm như thế nào thì chúng tôi phải chấp nhận thế ấy, trong khi chúng tôi cũng là một “mắt xích” trong sân chơi này.

- Nói như thế thì việc chúng ta không đưa người đẹp đi thi thế giới năm nay và vài năm sau nữa cũng “không chết ai”?

- Hoàn toàn không phải như vậy. Cho dù có không đoạt giải gì, chúng ta vẫn phải đi thi. Thi không phải lấy thành tích mà là lấy kinh nghiệm. Ở sân chơi sắc đẹp này, cái được nhiều khi không phải cầm nắm mới là được. Tôi cho rằng cái được lớn nhất chính là hình ảnh đất nước và con người Việt Nam được bạn bè quốc tế biết đến. Điều đó mới quan trọng.

Vậy Elite sẽ chọn đơn vị nào để chuyển nhượng việc mua bản quyền này?

- Chúng tôi sẽ không chuyển nhượng hoặc mua bán, trao đổi gì ở đây cả. Việc ngừng mua bản quyền đã được quyết định đến 90% rồi, chúng tôi sẽ thông báo với tổ chức Miss World và đối tác nào có nhu cầu sẽ tự đăng ký với họ thôi.

- Xin cảm ơn bà!

Theo  

Theo VnExpress