Có thể sáng tạo và cách điệu
Các Website khác - 15/09/2005

Có thể sáng tạo và cách điệu

Tạo hình nhân vật Huyền Trân Công Chúa của Nguyễn Yến Phụng - SV khoa mỹ thuật công nghiệp ĐH Tôn Đức Thắng
TT - Kết quả đáng buồn của cuộc thi đại học môn sử năm 2005 vừa qua đã gióng lên một hồi chuông cảnh tỉnh rất nhiều người về một thực trạng đã có từ lâu: thế hệ trẻ VN hầu như biết rất ít về lịch sử nước nhà.

Và, rất mau lẹ, một trong những động thái đầu tiên nhằm sửa chữa thực trạng này đã được triển khai: Bộ Giáo dục - đào tạo chỉ đạo Nhà xuất bản Giáo Dục tổ chức cuộc thi biên soạn truyện tranh lịch sử theo sách giáo khoa hiện hành, nhằm tìm ra một hướng mới trong việc hỗ trợ giảng dạy bộ môn lịch sử ở trường phổ thông: truyền đạt kiến thức bằng truyện tranh.

Theo ban tổ chức, về nội dung, cuộc thi sẽ chọn ra những bộ truyện tranh hay nhất về các nhân vật lịch sử VN, những sự kiện, giai đoạn lịch sử, các bước phát triển thăng trầm của từng triều đại, cộng đồng dân cư VN.

Nội dung phải bám sát lịch sử, đó là yêu cầu đầu tiên. Tuy nhiên, các tác giả có thể khai thác những mẩu chuyện đời thường, những giai thoại độc đáo của những nhân vật lịch sử được truyền tụng trong dân gian với lối dẫn chuyện gần gũi, dí dỏm.

Giải thưởng: 1 giải đặc biệt (15 triệu đồng), 10 giải nhất (10 triệu đồng/giải), 15 giải nhì (7 triệu đồng/giải), 24 giải ba (5 triệu đồng/giải) và 50 giải tư (2 triệu đồng/giải).

Về thể lệ xin liên lạc: Ban biên tập sách khoa học xã hội, NXB Giáo Dục tại Đà Nẵng, 15 Nguyễn Chí Thanh, TP Đà Nẵng (ĐT: 0511887549) .

Về hình thức, tranh vẽ phải dễ hiểu, mạch lạc, rõ ràng. Thực tế cho thấy truyện tranh Nhật đang lôi cuốn các em bởi những nhân vật được tạo hình theo lối manga có đôi mắt to long lanh, mái tóc mượt mà, dáng người cao lớn trong một cốt truyện ly kỳ, hấp dẫn (mặc dù ngoài đời thật rất hiếm người có những đặc điểm này, nhưng các em vẫn chấp nhận và yêu thích vì truyện tranh vốn là thế giới của sự cách điệu).

Vậy tại sao không thử cách điệu nhân vật lịch sử VN (tất nhiên không cần phải theo lối manga Nhật), thay vì cứ tạo hình cứng nhắc như trước? Những hình dung về người Việt xưa vẫn có thể được cách điệu hóa xinh đẹp, cao lớn thay vì lúc nào cũng nhỏ thó, mũi tẹt, mắt hí... Vì tranh vẽ có đẹp thì mới lôi cuốn được các em tìm đọc nội dung.

Ban tổ chức hi vọng từ cuộc thi sẽ có được những bộ truyện tranh thật gần gũi, sinh động, hấp dẫn và đủ sức khiến các em "quay về" với lịch sử nước nhà.

HOÀNG OANH