Những căn nhà siêu mỏng được thoải mái xây dựng trên đường Bà Huyện Thanh Quan nối dài (Q.3, TP.HCM) - Ảnh: H.Trang |
Các hội viên là các công ty, các văn phòng tư vấn thiết kế và các kiến trúc sư hành nghề độc lập đủ sức “nuôi” hội của mình để hội trở thành một nơi tập hợp những người hành nghề cùng chí hướng, thành một diễn đàn nghề nghiệp và có một tiếng nói phản biện xã hội đầy uy tín.
Nhưng những biểu hiện lạc quan cố hữu ấy đang dần thay đổi, và ngay trước thềm đại hội (sẽ họp tại Hà Nội từ 11 đến 14-8-2005), những công trình qui hoạch, những thiết kế kiến trúc càng mọc lên đều khắp từ đô thị đến nông thôn thì nỗi niềm của các KTS VN càng lúc càng nặng nề.
KTS VN - đo ván ngay trên sân nhà
Khi báo Tuổi Trẻ đưa tin lần đầu tiên có một đô thị loại 4 (Sa Pa) thuê KTS nước ngoài qui hoạch tổng thể thì giới KTS còn lấy đó làm một tin mừng: cơ quan quản lý nhà nước đã thấy được tầm quan trọng của việc qui hoạch có tầm nhìn xa, qui hoạch gắn với phát triển bền vững.
Nhưng đó là vì Sa Pa là một đô thị đặc trưng và KTS nước ngoài ở đây là cả một tập thể KTS tên tuổi của cả một hội đồng thành phố cộng với một trường đại học (Aquitene). Nhưng đến khi hàng loạt tỉnh, thành phố đua nhau mời KTS nước ngoài về làm qui hoạch thì người ta phải đặt dấu hỏi: có hay không sự đua đòi, vọng ngoại?
Và gần đây nhất, khi thành phố loại 3 Thanh Hóa - rất dễ dàng để qui hoạch và phát triển từ đầu - cũng hăm hở đi thuê một nhóm KTS nước ngoài về qui hoạch thì cả ông chủ tịch và ông phó chủ tịch Hội KTS VN cùng phải đồng thanh kêu trời: thế thì người ta đào tạo KTS VN để làm gì?
Hội KTS VN có hơn 3.500 hội viên trong số 10.000 KTS đang hành nghề, nhưng sự phân bố lực lượng chênh lệch ghê gớm giữa các đô thị lớn và các vùng còn lại, giữa các KTS qui hoạch và KTS thiết kế cũng khiến bức tranh của kiến trúc thêm hỗn độn. KTS Hoàng Đạo Kính, phó chủ tịch hội, nhận xét: “Khắp nơi đều có những công trình kiến trúc đẹp, nhưng chỉ đẹp khi đứng một mình, còn lúc đứng cạnh nhau trông chúng chẳng ra làm sao, lộn xộn, chen chúc, khấp khểnh, như cái tâm thế người Việt mình: không ai chịu đứng sau ai nên không làm cái gì cho qui củ, hàng lối được”. |
Nói là chúng không đẹp hơn thì không đúng (vì ngay từ vốn, gu thẩm mỹ của chủ đầu tư và gu thưởng thức của khách hàng cũng đã được nâng lên rất nhiều sau nhiều năm mở cửa), nhưng nói là chúng thật sự đặc sắc thì chưa.
Và nếu đi sâu vào tìm hiểu sẽ rất bất ngờ khi được biết: các KTS “Tây” của các văn phòng tư vấn nước ngoài này hầu hết là các KTS vô danh, nếu không muốn nói là thất nghiệp ở đất nước họ, phần nhiều trong số đó chưa có bằng ĐH Kiến trúc và thẻ hành nghề. Sang VN, họ nghiễm nhiên thành “hàng ngoại”.
TS. KTS Nguyễn Luận, phó tổng biên tập tạp chí Kiến Trúc, nói: “Có cậu giám đốc người Pháp mở một văn phòng tư vấn thiết kế đang rất ăn khách ở Hà Nội mà tôi biết chắc là chỉ học hết ba năm đầu ở ĐH Kiến trúc Paris, ba năm thì lấy đâu ra bằng, mà không có bằng thì đừng mơ có thẻ hành nghề ở Pháp. Vậy mà chúng ta đang bỏ ra rất nhiều tiền để rước lấy những sản phẩm ngoại loại thứ cấp ấy.
Chưa hết, với các công trình do Nhà nước bỏ vốn ngân sách ra xây dựng cũng đang thịnh hành “mốt” mời tư vấn thiết kế nước ngoài, mời nhà thầu nước ngoài.
Nếu như chúng ta đủ tiền và đủ bản lĩnh để mời các KTS hàng đầu thế giới cho các công trình qui mô quốc gia như Trung Quốc đã và đang làm thì không còn gì phải bàn cãi, nhưng các công ty tư vấn thiết kế nước ngoài mà chúng ta đã và đang mời thì chưa phải là những tác giả thực thụ của những công trình kiến trúc thực thụ.
Cứ nhìn một sân vận động chưa nghiệm thu đã gặp sự cố, hay nhìn cái vòm nặng nề của trụ sở một bộ đang tọa lạc nhức nhối ngay tại một trong những ngã tư đẹp nhất của Hà Nội thì sẽ thấy cái gọi là “đẳng cấp” của các KTS nước ngoài đang hành nghề ở VN.
Tệ hơn nữa, trong hầu hết các công trình mà họ được nhận, bao giờ họ cũng chỉ đóng vai trò “cai thầu”. Có hợp đồng trong tay rồi, họ giao cho các KTS VN “cày lại”. Tiền ta đi lòng vòng một hồi lại quay về túi ta, nhưng đã vơi đi... 2/3”.
Tự ái có dẫn đến lo toan
Nhưng như vậy không có nghĩa chỉ chủ đầu tư có lỗi còn các KTS VN vô can. Sự nhượng bộ, thậm chí chiều chuộng và theo đuôi chủ đầu tư một cách... thiếu đạo đức nghề nghiệp của nhiều KTS VN thời đất nước mới mở cửa cũng là một trong những nguyên do dẫn đến “làn sóng KTS ngoại” ào ạt gần đây.
Rất nhiều hiện tượng thông đồng từ khâu thiết kế, thi công, giám sát (thiết kế vượt quá mức độ an toàn tối thiểu cho phép nhiều lần để lúc thi công có rút bớt vật liệu xây dựng thì vẫn không ảnh hưởng chất lượng) bị phát hiện đã khiến sự nghi ngờ về khả năng chuyên môn lẫn đạo đức hành nghề của KTS nội thêm có cơ sở.
Nhưng cũng thật là may, nghề kiến trúc cho phép các KTS có thể giao lưu rất rộng, học hỏi rất nhiều mà không bị cản trở lắm bởi rào cản ngôn ngữ: chỉ cần nhìn bản vẽ thiết kế của anh người ta sẽ biết anh là KTS như thế nào.
KTS VN là những người khá chăm chỉ dự thi các cuộc thi kiến trúc quốc tế và cũng gặt hái không ít giải thưởng - những giải thưởng thuần túy chuyên môn, không ưu tiên địa lý, chính trị. Qua các cuộc thi ấy, KTS VN cũng vừa tự tin vừa “thấm đòn” hơn.
KTS Hoàng Thúc Hào, người tham gia dự thi nhiều và nhận khá khá giải thưởng, tự rút ra: “VN mình thừa ý tưởng - thiếu thực tế”. Ông Nguyễn Luận lý giải vì kinh phí đào tạo một KTS của ta chỉ bằng khoảng 1/10 kinh phí để cho ra lò một KTS ở Malaysia hay Philippines, chưa nói đến Singapore hay Hàn Quốc.
Còn ông Hoàng Đạo Kính thì chua xót hơn: “Đào tạo ra mà không được dùng, chỉ được xây dựng công trình trên giấy thì làm sao có thực tế được. Mỗi lần đấu thầu là một lần “đánh đố”: “Phải có kinh nghiệm thiết kế xây dựng các công trình tầm cỡ tương đương”. Ai ở VN có kinh nghiệm xây nhà Quốc hội hay sân vận động (?!)”.
Kích động lòng tự ái nghề nghiệp của các KTS VN, nhất là các KTS trẻ thì dễ, nhưng còn con đường dài thăm thẳm trước mắt cho việc hành nghề của họ - cũng chính là việc tạo ra “mặt tiền” cho xã hội - ai sẽ là người lo toan dọn đường, khi mà ngay bây giờ đã đầy những “ổ gà kiến trúc” ngoại nhập?
THU HÀ
▪ Các nhà tài trợ hãy coi chừng! (11/08/2005)
▪ Cha In Pyo tham gia phim mới của đạo diễn Kang Woo Suk (10/08/2005)
▪ Cuộc đời Maradona được dựng thành phim (10/08/2005)
▪ Nghe Thiền ca Phạm Duy... (10/08/2005)
▪ Các di chỉ ở Côn Đảo kêu cứu (10/08/2005)
▪ Triển lãm "Công an TP.HCM - vì nhân dân chiến đấu - vì nhân dân phục vụ" (10/08/2005)